Nghị quyết được thực hiện từ địa bàn cơ sở góp phần giúp đỡ, cảm hóa 29.593 đối tượng ma túy, mại dâm, phạm tội, trẻ em mắc tệ nạn xã hội, học sinh bỏ học quay lại trường; cho vay hàng trăm triệu đồng tiền vốn giúp phụ nữ nghèo, phụ nữ hoàn lương hòa nhập cộng đồng.
Lực lượng Công an và Hội LHPN trong cả nước tổ chức hoạt động tuyên truyền vận động đa dạng, phong phú nhằm nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ về Chương trình quốc gia phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn mại dâm, ma túy; tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em.
Ðặc biệt, nội dung Nghị quyết đã được hai ngành tuyên truyền lồng ghép thông qua các cuộc mít-tinh nhân ngày thế giới và ngày toàn dân phòng, chống ma túy; hội thi "Cán bộ hội cơ sở giỏi"; "Thi tuyên truyền phòng, chống ma túy", "Thi tìm hiểu NQLT01", "Thi phụ nữ tìm hiểu pháp luật", tổ chức giao lưu văn hóa văn nghệ... qua đó huy động sự tham gia đông đảo của cả cộng đồng, phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân, tạo khí thế chung trong toàn xã hội.
Hội phụ nữ chủ động phối hợp lực lượng công an phát hiện, tố giác hàng nghìn vụ phạm tội, cung cấp hàng trăm nghìn nguồn tin nghi vấn về tội phạm, có nhiều nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng công an kịp thời truy bắt đối tượng truy nã và tội phạm.
Ðiển hình như phụ nữ tỉnh Sơn La đã cung cấp cho lực lượng công an 3.000 tin liên quan đến tội phạm và tệ nạn xã hội (chủ yếu là tin về tội phạm ma túy và trộm cắp); Tỉnh Hội Phụ nữ Bến Tre đã cung cấp 1.167 tin liên quan công tác phòng, chống ma túy, trong đó có nhiều tin có giá trị giúp cho lực lượng công an đấu tranh kịp thời với bọn tội phạm.
Ở Bắc Ninh, việc thành lập Câu lạc bộ "Tình thương và trách nhiệm" ở khu I, phường Ðáp Cầu gặp nhiều khó khăn. Ðối tượng tránh mặt, gia đình đối tượng không hợp tác... Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền Hội phụ nữ và lực lượng công an đã kiên trì vận động, thuyết phục, từng bước thu hút 34 thành viên tham gia câu lạc bộ.
Chủ nhiệm câu lạc bộ là Chủ tịch Hội phụ nữ phường và Trưởng Công an phường là Phó Chủ nhiệm. Thành viên câu lạc bộ là cán bộ, nhân dân, những người có quá khứ lầm lỗi, người nghiện và thân nhân người nghiện tham gia. Trong quá trình hoạt động, câu lạc bộ đã giải quyết các tụ điểm ma túy ở địa bàn phường. Tiếp đó, thành phố Bắc Ninh đã nhân rộng mô hình thành 35 câu lạc bộ với 1.026 thành viên tham gia. Ðến nay đã có 46 câu lạc bộ với 1.455 thành viên.
Ðiển hình, là chị Nguyễn Thị Lĩnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ "Tình thương và trách nhiệm" phường Tiền An, đã đến từng gia đình có người nghiện vận động họ tham gia câu lạc bộ. Chính vì vậy khu 5, do chị làm chủ nhiệm câu lạc bộ đã thu hút 32 thành viên tham gia, với chín đối tượng nghiện, vi phạm pháp luật. Bằng tình thương và trách nhiệm của người bà, người mẹ, chị Trịnh Thị Huyền, Chủ nhiệm Câu lạc bộ khu 4, phường Ðáp Cầu đã không quản ngại khó khăn, luôn gần gũi động viên, coi đối tượng như con, như cháu trong gia đình, chị đã cảm hóa bốn đối tượng cai nghiện thành công.
Ở phường Vĩnh Trung (Thanh Khê, Ðà Nẵng) có mô hình "Ba gặp, năm biết". Nội dung của mô hình như sau: Ba gặp - là gặp trực tiếp đối tượng; gặp gia đình và người thân đối tượng; gặp cán bộ cốt cán nơi đối tượng cư trú. Còn năm biết - là biết nơi ở, nghề nghiệp của đối tượng; biết tiền án, tiền sự của đối tượng; biết tâm tư và tình cảm của đối tượng; biết mối quan hệ, bạn bè của đối tượng. Vậy nên 5 năm qua, đã có 270 trường hợp được đưa vào quản lý giáo dục đạt hiệu quả theo mô hình. Với người lầm lỗi tại cộng đồng được quản lý theo "Mô hình 5+1" tại phường Tam Thuận.
Có nghĩa, cứ một người trong diện vi phạm thì có năm thành phần gồm: Ban điều hành tổ dân phố; đại diện hội đoàn thể; cảnh sát khu vực; công an phường và gia đình cùng tham gia phối hợp quản lý, cảm hóa và giáo dục. Ðã có 157/165 đối tượng được quản lý theo mô hình này tiến bộ và không tái phạm, nhiều đối tượng tích cực tham gia lực lượng bảo vệ dân phòng. Phường Tam Thuận mười năm liền được Bộ Công an tặng bằng khen là đơn vị dẫn đầu trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng thanh thiếu niên hư do gia đình chiều chuộng, buông lỏng quản lý, cho con sử dụng đồ trang sức giá trị, đi xe máy đắt tiền đến trường, đua đòi chơi game online, sử dụng ma túy tổng hợp, cờ bạc, thậm chí đi cướp, cưỡng đoạt, lừa đảo... Công an TP Hà Nội và Hội phụ nữ đã triển khai các giải pháp giáo dục cụ thể, với các phong trào: "Quản lý giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội" đẩy mạnh cuộc vận động: "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư" và thực hiện quyết liệt phong trào: "Vào từng ngõ, gõ từng nhà" trong phòng, chống các loại tội phạm.
TP Hồ Chí Minh với phong trào "Mỗi hội viên phụ nữ là trợ thủ đắc lực cho công an", đã phát hiện và cung cấp lực lượng công an gần 3.000 nguồn tin có liên quan hoạt động tội phạm và tệ nạn xã hội. Hội phụ nữ còn thành lập: "Nhóm lá chắn"; "Nhóm tình thương và trách nhiệm"; "Nhóm các bà mẹ phòng, chống tệ nạn xã hội" đã góp phần giảm tội phạm và tệ nạn xã hội từ 2.271 vụ năm 2002, còn 1.252 vụ năm 2005.
Nhiều mô hình tốt như: "Dòng họ tự quản về an ninh trật tự" ở Ninh Thuận; "Câu lạc bộ Ðồng cảm" ở Hải Dương; "Xứ đạo tiên tiến" ở Nam Ðịnh; "Gia đình không có người mắc tệ nạn xã hội và ma túy" ở Hà Tĩnh; "Ông bà mẫu mực, con cháu chăm ngoan" ở Khánh Hòa; "Liên gia an toàn ANTT" ở Long An, đã tập hợp nhiều hội viên và nhân dân tham gia sinh hoạt, nâng cao kiến thức, kỹ năng đẩy mạnh công tác xã hội hóa phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, phục vụ thiết thực phát triển kinh tế - xã hội tại nhiều địa phương.
Ngọc Tuyền