Phụ nữ H’Mông gắn nghề dệt thổ cẩm với phát triển du lịch

Từ bao đời nay, đồng bào dân tộc H’Mông ở hai xã Hang Kia và Pà Cò (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) luôn gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Hình ảnh người phụ nữ H’Mông miệt mài bên khung cửi dệt ra nét hoa văn trên những tấm thổ cẩm đã trở thành nét văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân tộc H’Mông ở xã Pà Cò truyền nghề dệt thổ cẩm cho thế hệ trẻ.
Người dân tộc H’Mông ở xã Pà Cò truyền nghề dệt thổ cẩm cho thế hệ trẻ.

ẾN Hang Kia, Pà Cò, không khó để bắt gặp những người phụ nữ H’Mông trên đường đi nương, đi chợ phiên..., lưng đeo lù cở (gùi), vừa đi vừa dẻo tay nối các sợi lanh thành cuộn. Với bản tính chăm chỉ, cần cù, phụ nữ H’Mông thường tranh thủ dệt vải vào bất cứ lúc nào rảnh rỗi. Khi hoàn thành, họ tiếp tục luộc miếng trong nước tro lọc rồi lại giặt phơi khô vài lần để vải trắng, mềm, cho mặt vải bóng mịn.

Từ tấm vải lanh trắng tinh, người phụ nữ H’Mông sẽ vẽ sáp ong tạo nên những đường hoa văn theo ý muốn, rồi đem nhuộm chàm và dùng chỉ nhiều mầu sắc thêu nên những họa tiết cầu kỳ, sặc sỡ. Công đoạn này thường kéo dài khoảng một tháng. Sau khi hoàn thiện, những tấm vải thổ cẩm sẽ được họ tự tay mang đi may thành những bộ trang phục truyền thống.

Chị Sùng Y Múa, xã Hang Kia tự hào giới thiệu: Để làm ra một bộ trang phục truyền thống, phụ nữ H’Mông cần rất nhiều thời gian và công sức, đòi hỏi vừa khéo léo vừa kiên nhẫn. Các công đoạn đều phải làm thủ công từ trồng lanh, thu hoạch; bóc tách, giã, quay, nấu sợi đến công đoạn dựng khung dệt để tạo nên những tấm thổ cẩm. Mỗi họa tiết hoa văn đều thể hiện những khát vọng cao đẹp, bản sắc văn hóa rất riêng của dân tộc H’Mông.

Trước đây, vải thổ cẩm của đồng bào dân tộc H’Mông ở Hang Kia, Pà Cò chủ yếu dùng để may trang phục trong đời sống, sinh hoạt thường ngày. Tuy nhiên, cùng với sự giao lưu và phát triển, nhiều sản phẩm đã trở thành hàng hóa để phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế.

Đáng chú ý, kể từ năm 2015 đến nay, đồng bào dân tộc H’Mông ở hai xã đã xây dựng làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống, hiện trên địa bàn Hang Kia và Pà Cò vẫn còn lưu giữ và duy trì hoạt động của hàng trăm khung dệt. Nhiều người đầu tư hàng chục máy may công nghiệp để sản xuất các mặt hàng từ vải thổ cẩm.

Vàng Y Dánh, xã Hang Kia đã mạnh dạn vay vốn mua 7 máy may công nghiệp để sản xuất các sản phẩm từ thổ cẩm. Còn chị Sùng Y Múa đã đưa các sản phẩm được làm từ thổ cẩm đến với bạn bè, khách du lịch trong và ngoài nước thông qua hoạt động quảng bá, phát triển du lịch của mình. Các sản phẩm thổ cẩm không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng mà còn mang lại thu nhập đáng kể cho người dân ở Hang Kia, Pà Cò.

Những năm gần đây, nhờ sự đầu tư của Nhà nước, đường lên hai xã khá thuận tiện nên việc giao thương, buôn bán hàng hóa cũng dễ hơn nhiều, nhất là tạo điều kiện để người dân đưa sản phẩm dệt thổ cẩm vươn xa. Từng bước khai thác lợi thế về du lịch, Hang Kia, Pà Cò đang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

Song song với xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp, việc phát triển hoạt động du lịch cộng đồng cũng được thực hiện hiệu quả. Nhờ những đổi thay rõ rệt trong bảo đảm, giữ gìn an ninh trật tự, thời gian qua số lượng du khách đến với Hang Kia, Pà Cò ngày càng nhiều hơn, dần mở ra hướng đi hiệu quả cho người dân địa phương nâng cao thu nhập, cải thiện tình hình kinh tế- xã hội.

Du lịch phát triển đã làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân hai xã. Họ đã biết chú trọng đến việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc và sưu tầm, khôi phục lại một số nét văn hóa, sinh hoạt, tín ngưỡng từng bị mai một để quảng bá, thu hút khách du lịch đến tham quan.

Hang Kia và Pà Cò là hai xã vùng cao, miền núi; quỹ đất sản xuất nông nghiệp ít và phân tán, gây khó khăn cho việc tổ chức sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học cũng như phát triển sản xuất sản phẩm hàng hóa... Tỷ lệ hộ nghèo của hai xã còn cao so với bình quân chung của huyện và tỉnh. Từ thực tế đó, năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình phê duyệt Dự án phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc H’Mông hai xã Hang Kia và Pà Cò giai đoạn 2021-2025. Đây được xem là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc ở Hang Kia, Pà Cò.