Sớm nâng cấp, mở rộng Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh

Do không được quy hoạch bài bản và đầu tư chắp vá cho nên Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đang gặp nhiều khó khăn, nhất là tình trạng khuôn viên chật hẹp đã cản trở việc đầu tư nâng cấp bệnh viện.

Không gian chật hẹp tại Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.
Không gian chật hẹp tại Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.

Sau tái lập tỉnh (năm 1991), Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hà Tĩnh cùng với Sở Y tế, Trung tâm Y học dự phòng, Bệnh viện Đông y tiếp quản toàn bộ khuôn viên của Bệnh viện đa khoa thị xã Hà Tĩnh (cũ). Vào thời điểm đó, BVĐK tỉnh Hà Tĩnh được đầu tư xây dựng một nhà bốn tầng và bốn dãy nhà ba tầng với quy mô 300 giường bệnh. Sau đó bệnh viện được cải tạo, mở rộng, nâng cấp khu điều trị để tăng quy mô lên 500 giường bệnh.

Nhờ sự quan tâm của T.Ư, của tỉnh Hà Tĩnh và quyết tâm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, y bác sĩ, BVĐK tỉnh Hà Tĩnh đã từng bước có sự thay đổi. Cảnh nhếch nhác từ ngoài cổng bệnh viện vào các khoa, phòng đã không còn, thay vào đó là một bệnh viện khá khang trang với các khối nhà cao tầng liên hoàn. Không chỉ phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị khám, điều trị hiện đại mà bệnh viện còn thu hút được nhiều bác sĩ có trình độ và tay nghề cao. Hiện là bệnh viện vệ tinh của sáu bệnh viện tuyến T.Ư: Bạch Mai, T.Ư Huế, Nhi T.Ư, Phụ sản T.Ư, Nội tiết T.Ư và Tim Hà Nội, do đó, BVĐK tỉnh Hà Tĩnh đã có bước tiến vượt bậc trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu đã được triển khai thành thục, thường quy tại BVĐK tỉnh Hà Tĩnh, như: Mổ sọ não, thay khớp háng, thay máu sơ sinh, điều trị ung thư, đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn một buồng, hai buồng, mổ nội soi các loại… Nhờ vậy, đã rút ngắn thời gian điều trị trung bình, giảm chuyển người bệnh lên tuyến trên cũng như giảm chi phí cho người dân.

Tuy nhiên, do thiếu quy hoạch tổng thể, đồng bộ, đầu tư chắp vá và đặc biệt là khuôn viên bệnh viện hết sức chật hẹp, cho nên công tác điều trị ở đây cũng gặp nhiều khó khăn. Với quy mô 500 giường bệnh nhưng hằng ngày bệnh viện phải đón tiếp khám, chữa bệnh cho khoảng 1.200 lượt người; điều trị nội trú khoảng từ 800 đến 1.000 người bệnh. Chỉ tính riêng từ năm 2015 đến nay, hầu hết các khoa đều phải điều trị số người bệnh bằng 180 đến 220% số giường bệnh theo kế hoạch. Với quyết tâm, không để người bệnh nằm ghép, các khoa điều trị đều phải tận dụng không gian để cơi nới; thậm chí thay đổi công năng của hàng loạt phòng nhân viên, hành lang để đặt thêm giường bệnh. Có khoa còn phải thu hẹp kích cỡ giường bệnh lại để kê cho được nhiều… Với 500 giường kế hoạch nhưng thực tế bệnh viện đã kê lên hơn 1.200 giường bệnh để phục vụ người bệnh.

Chỉ cần nhìn qua một số khoa, phòng là đã thấy rõ những khó khăn đó. Phòng tiếp nhận người bệnh cấp cứu của Khoa Cấp cứu chống độc vốn là hai phòng làm việc của nhân viên. Để tiết kiệm diện tích, phòng chỉ kê hai chiếc giường cùng một số máy móc cấp cứu, còn người bệnh cấp cứu được xử lý ngay trên băng ca hay giường di động. Bàn làm việc của nhân viên thì kê ngoài hành lang. Tình cảnh tương tự cũng diễn ra tại khu vực chạy thận: căn phòng điều trị không lớn được cải tạo từ năm phòng làm việc của nhân viên nhưng kê san sát 40 giường bệnh cùng máy lọc máu. Ngoài ra, phải thông hành lang để kê thêm 10 giường bệnh. Trong một không gian hẹp, để kê được số giường nhiều như vậy, bệnh viện phải thu hẹp kích thước giường bệnh từ rộng 90 cm xuống còn 70 cm. Tuy ở khu vực thuận tiện nhưng do tình trạng chật hẹp chung của bệnh viện, cho nên từ chỗ được phân bổ hai tầng điều trị nhưng Khoa Nội tổng hợp đã bị rút lại còn một tầng. Từ chỗ thiết kế 45 giường, khoa phải tận dụng khoảng trống và sáu phòng nhân viên để kê tổng số 105 giường bệnh. Theo Trưởng Khoa Nội tổng hợp, bác sĩ Vương Kim Đức: Do không đồng bộ, công năng sử dụng lại không phù hợp cho nên đã ảnh hưởng đến không gian điều trị.

Khoa Truyền nhiễm còn chật chội hơn. Do không thể cơi nới được bởi sử dụng dãy nhà cấp 4 xây dựng từ những năm 1990 cho nên các phòng điều trị rất nhỏ (khoảng 12 đến 15 m2) nhưng vẫn phải kê thêm giường để bảo đảm nhu cầu điều trị. Theo kế hoạch, Khoa chỉ có 15 giường bệnh nhưng thực kê lên đến 40 giường. Theo Trưởng khoa Truyền nhiễm Nguyễn Xuân Bảo: Điều lo lắng nhất, là khoa không đủ không gian cấp cứu khi xảy ra dịch bệnh hay ngộ độc hàng loạt. Khoa U bướu - Y học hạt nhân tuy mới thành lập năm 2012 với 27 giường bệnh theo kế hoạch, cơ sở vật chất ghép chung với nhiều khoa khác ở nhiều tầng khác nhau. Do không đồng bộ cộng với số người bệnh điều trị quá tải thường xuyên ở mức xấp xỉ 300% đã gây khó khăn cho việc thăm khám và điều trị. Chưa hết, do phải đặt máy phóng xạ SPECT ngay trong khu vực người bệnh điều trị, nên các phòng bệnh ở phía trên khu vực để máy đều phải đổ thêm một lớp bê-tông dày 20 cm để bảo đảm an toàn cho người bệnh.

Theo bác sĩ chuyên khoa hai, Phó Giám đốc Sở Y tế kiêm Giám đốc BVĐK tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Viết Đồng: So sánh với bệnh viện của một số tỉnh trong khu vực thì khuôn viên của BVĐK tỉnh Hà Tĩnh quá khiêm tốn, nếu không muốn nói là nhỏ bé. Thời gian tới, tỉnh vẫn chưa có điều kiện để chuyển bệnh viện đi nơi khác để xây dựng cho khang trang, trong khi đó nhu cầu nâng cấp, mở rộng bệnh viện và nhất là việc tách và thành lập một số khoa mới với trang, thiết bị hiện đại theo yêu cầu phát triển là điều cần kíp. Đáng chú ý, do khuôn viên bệnh viện chật hẹp cho nên việc quy hoạch, đầu tư xây mới các khoa mới đang gặp không ít trở ngại. Hiện, bệnh viện đang chuẩn bị đầu tư xây mới hai tòa nhà năm và bảy tầng cho Khoa U bướu - Y học hạt nhân quy mô gần 100 giường bệnh và Khoa Truyền nhiễm 70 giường bệnh nhưng vướng nhất là chưa có địa điểm để xây mới.

Trong khi đó, theo bác sĩ Nguyễn Viết Đồng: Hiện chung quanh bệnh viện đang còn số diện tích đất đang được sử dụng để ươm cây và xây ki-ốt cho thuê. Đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ BVĐK Hà Tĩnh rất mong sự ủng hộ, hỗ trợ từ chính quyền và các ban, ngành liên quan của tỉnh giúp bệnh viện có thể mở rộng thêm. Lúc đó bệnh viện mới có quỹ đất để xây dựng mới các khoa điều trị cũng như thành lập các khoa mới có tính chuyên sâu cao phục vụ tốt nhu cầu điều trị và chăm sóc sức khỏe cho 1,3 triệu dân trong tỉnh cùng hàng chục nghìn công nhân và chuyên gia làm việc tại Vũng Áng - một trong khu kinh tế lớn của khu vực.