Diễn đàn năm nay có sự tham gia của Thành viên Nghị viện Hàn Quốc - Lãnh đạo Đảng Công lý; Ủy viên Thường trực - Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội; Đại diện tổ chức Green Korea United, Hàn Quốc; Đại diện Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới tại Trung Quốc; năm cơ quan T.Ư; 18 Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố; Đại sứ quán Mỹ, Đức; sáu tổ chức hoạt động về gấu và động vật hoang dã tại Việt Nam và châu Á.
Việt Nam từng là điểm nóng về tình trạng nuôi nhốt gấu, tuy nhiên trong hơn 13 năm qua, công tác bảo vệ gấu đã đạt được những thành tựu đáng kể. Tháng 7-2017, Chính phủ Việt Nam đã một lần nữa cam kết đóng cửa các trại nuôi nhốt gấu lấy mật.
Đặc biệt, ngày càng có nhiều chủ nuôi nhốt gấu tự nguyện chuyển giao gấu cho Nhà nước mà không đòi hỏi bất kỳ một khoản hỗ trợ nào, cho thấy sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của chính các chủ cơ sở nuôi nhốt gấu về sự cần thiết phải chấm dứt hoạt động này.
Đại biểu từ Nghị viện Hàn Quốc và tổ chức Green Korea United (GKU) chia sẻ kinh nghiệm và những chính sách hỗ trợ việc chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật của Hàn Quốc. Trong đó, nổi bật là chương trình khuyến khích chủ gấu triệt sản cho gấu để bảo đảm không có gấu mới phát sinh tại các cơ sở nuôi nhốt gấu đã được hoàn thành vào đầu năm 2017 vừa qua.
Vụ Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ - Tổng cục Lâm nghiệp cũng đưa ra những số liệu mới nhất về công tác quản lý gấu nuôi nhốt tại Việt Nam. Hiện nay, vẫn còn 842 cá thể gấu bị nuôi nhốt tại 268 cơ sở (16 tổ chức và 252 hộ gia đình) trên 42 tỉnh. Mặc dù đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trên chặng đường tiến tới không còn gấu nuôi nhốt.
Kết thúc diễn đàn, ông Trần Thế Liên, Vụ trưởng Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tin tưởng, Việt Nam sẽ sớm chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật trong một tương lai không xa.