Sáp nhập cơ quan, đơn vị chung nhiệm vụ
Ngày 15-1-2018, Tỉnh ủy Bến Tre ban hành Chương trình hành động số 28-CTr/TU về sắp xếp tinh giản bộ máy. Một loạt mô hình sáp nhập được triển khai. Đối với các cơ quan Đảng, thực hiện sáp nhập Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh. Đồng thời, sắp xếp các cơ quan tham mưu của Đảng ủy Khối còn ba đầu mối: Văn phòng, Ủy ban Kiểm tra, Ban Xây dựng Đảng. Đối với các cơ quan chính quyền, tiến hành sắp xếp thu gọn đầu mối các phòng, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc và giảm số lượng phó trưởng phòng trong từng cơ quan. Hiện tại, đã sáp nhập các đơn vị sự nghiệp như: Trung tâm Y tế, Trung tâm Dạy nghề, Trung tâm Giáo dục thường xuyên cấp huyện; sáp nhập Trường cao đẳng Bến Tre, Trường trung cấp Y tế, Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật thành Trường cao đẳng Bến Tre. Trong năm 2018, sẽ thành lập Trung tâm Hành chính công, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng phục vụ của hệ thống hành chính.
Với cấp huyện, từ năm 2018, tỉnh Bến Tre tiến hành hợp nhất Văn phòng cấp ủy với Văn phòng HĐND và UBND, dự kiến hoàn thành vào năm 2019, đồng thời thí điểm hợp nhất các ban đảng thành ba cơ quan: Văn phòng, Ủy ban Kiểm tra, Ban Xây dựng Đảng. Công việc này sẽ được thực hiện khi xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp huyện nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng chí Lê Văn Răng, Chủ tịch UBND huyện Bình Đại, cho biết: Việc tinh gọn bộ máy đang được địa phương quán triệt và xây dựng đề án để theo lộ trình đến năm 2021 sẽ giảm 10% số biên chế, sắp xếp, tinh gọn từ hệ thống Đảng, Nhà nước, MTTQ, đoàn thể. Dự kiến từ năm 2022 đến 2024 sẽ sắp xếp tám đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, sáp nhập lại còn bốn xã và sẽ giảm khoảng 100 biên chế. Hiện tại, huyện đã sáp nhập một số đơn vị như: Trung tâm Y tế với Bệnh viện huyện, Trung tâm Giáo dục thường xuyên với Trung tâm Dạy nghề...
TP Cần Thơ cũng là một trong những địa phương triển khai quyết liệt các nghị quyết của T.Ư về tinh giản, sắp xếp tổ chức, bộ máy và đạt nhiều kết quả tích cực, nhất là trong tinh giản biên chế. Giai đoạn 2015-2017, các cơ quan trong hệ thống chính trị TP Cần Thơ đã cắt giảm và tinh giản 379 biên chế. Trong đó khối Nhà nước và đơn vị sự nghiệp nhà nước 245 trường hợp; khối Đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội 131 biên chế; giải quyết về hưu sớm 150 trường hợp. Hiện nay, Thành ủy Cần Thơ đang sắp xếp, tổ chức lại Văn phòng Thành ủy theo hướng văn phòng phục vụ chung cho các cơ quan tham mưu giúp việc (các ban Đảng, Đảng ủy trực thuộc). Theo đó, các vị trí phục vụ như: văn phòng, lái xe, thủ quỹ, kế toán… của các ban Đảng chuyển về Văn phòng Thành ủy để phục vụ chung. Việc này sẽ giảm số lượng biên chế, đầu mối văn phòng ở bốn ban Đảng và hai Đảng ủy khối trực thuộc Thành ủy. Thành ủy Cần Thơ sắp xếp giảm từ ba Đảng ủy khối xuống còn hai đơn vị trên cơ sở giữ nguyên Đảng ủy Khối Các cơ quan Dân chính đảng, sáp nhập Đảng ủy Khu chế xuất và Khu công nghiệp và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp; tổ chức lại và đổi mới hoạt động Ban Bảo vệ sức khỏe Thành ủy theo lộ trình…
Chuyển biến và những vấn đề đặt ra
Việc sáp nhập, tinh gọn cùng nhiều giải pháp khác đã tạo chuyển biến trong thực hiện nhiệm vụ nhiều cơ quan, đơn vị ở các địa phương. Năm 2017, Sở Y tế TP Cần Thơ chọn Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ là đơn vị công lập trực thuộc ngành y tế tự chủ về tài chính để tự bảo đảm chi thường xuyên và đã được kết quả tích cực. Năm đầu, ngân sách đã không còn phải cấp 15 tỷ đồng để chi thường xuyên (chủ yếu là lương cán bộ, viên chức bệnh viện), cắt giảm toàn bộ 308 biên chế. Bệnh viện đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại, triển khai nhiều kỹ thuật cao, nâng cao trách nhiệm, thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ cho nên thu hút đông người bệnh, nguồn thu bảo đảm chi thường xuyên, thu nhập tăng lên, không phải sử dụng tiền ngân sách. Bác sĩ Bùi Thị Lệ Phi, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết: Năm 2018, ngành y tế Cần Thơ tiếp tục thực hiện tự chủ tài chính tám đơn vị, gồm sáu bệnh viện và hai trung tâm trực thuộc, cắt giảm 1.127 biên chế và hơn 53 tỷ đồng từ ngân sách. Ngành y tế Cần Thơ đã thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) để trong năm 2018, sáp nhập Trung tâm Y tế dự phòng và Trung tâm Giáo dục sức khỏe vào CDC. Theo kế hoạch đến năm 2020, có thêm ba đơn vị gồm: Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản sẽ sáp nhập vào CDC Cần Thơ.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ cũng sáp nhập, tinh giản từ chín phòng chuyên môn còn sáu phòng, về nhân sự giảm được ba trưởng phòng; sáp nhập Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Trung tâm Giáo dục hướng nghiệp dạy nghề giao về cho các quận, huyện quản lý. Theo kế hoạch năm 2018, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sáp nhập Trung tâm Bảo trợ xã hội và Trung tâm Công tác xã hội thành Trung tâm Trợ giúp xã hội, đồng thời tự chủ về tài chính Trung tâm Dịch vụ việc làm và Trường trung cấp nghề Thới Lai… Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ Trần Thị Xuân Mai, việc kiện toàn chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, tinh gọn bộ máy đã giảm được các khâu trung gian và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở; nâng cao hiệu quả sử dụng biên chế, hoạt động của các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc, tăng hiệu quả thực thi nhiệm vụ của cơ quan, giảm chi phí hoạt động hành chính. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện gặp một số khó khăn như: văn bản hướng dẫn của Trung ương chưa kịp thời, cụ thể; chính sách, chế độ cho công chức, viên chức sau khi sáp nhập; phụ cấp của cán bộ quản lý sau khi sắp xếp không còn giữ các chức vụ chỉ bảo lưu sáu tháng. Vì thế, Sở đang kiến nghị UBND thành phố Cần Thơ xem xét tăng thời gian hưởng phụ cấp cho số cán bộ này là 5 năm sau khi sáp nhập.
Đồng chí Mai Thanh Dân, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Cần Thơ cho biết, trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy, Thành ủy Cần Thơ gặp một số vướng mắc như: Việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, viên chức về hưu trước tuổi theo Nghị định 108 của Chính phủ gặp khó vì quy định bó hẹp làm nhiều đối tượng muốn nghỉ trước tuổi nhưng không thực hiện được. Cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước theo quy định của pháp luật, nghị định của Chính phủ muốn thực hiện phải sửa luật cho nên mất nhiều thời gian, vì thế việc thực hiện chưa theo kịp chủ trương của Đảng trong công tác này. Đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ chia sẻ: Tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy là việc khó, phức tạp vì liên quan đến con người. Trong triển khai mỗi cơ quan, đơn vị cần quan tâm công tác xây dựng đề án vị trí việc làm cụ thể, tránh vướng mắc nảy sinh. Theo đồng chí Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre khi sắp xếp tổ chức, bộ máy, trước hết phải bảo đảm làm tốt công tác chính trị, tư tưởng để những đối tượng liên quan yên tâm, không gây ra sự bất ổn tâm lý. Các cấp ủy cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Khi phát hiện vấn đề vướng mắc cần đề xuất phương án giải quyết kịp thời để bảo đảm việc triển khai theo đúng kế hoạch, lộ trình đề ra.