Công an Nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ

Với phong trào "Rèn cán bộ, lập chiến công" trong nội bộ, từ khẩu hiệu "Ba không" và cuộc vận động phong trào "Bảo mật phòng gian" và các hình thức tổ chức "Ngũ gia liên bảo", "Thập gia liên bảo", lực lượng Công an đã tạo nên sức mạnh to lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ phòng gian - trừ gian, bảo vệ căn cứ cách mạng, bảo vệ các khu du kích và căn cứ du kích, các kho tàng, công xưởng, lực lượng vũ trang, bảo đảm vũ khí nằm trong tay những người tin cậy. Ðồng thời, ta đã đẩy mạnh bao vây kinh tế địch gây cho chúng khó khăn lớn; đẩy mạnh công tác phá tề, trừ gian, phá chính quyền, hệ thống đồn bốt địch, củng cố và xây dựng chính quyền cách mạng. Nhiều tên đầu sỏ nguy hiểm, ác ôn đã phải đền tội trước nhân dân.

Với phong trào quần chúng kết hợp công tác nghiệp vụ, lực lượng công an đã khám phá bóc gỡ mạng lưới gián điệp của thực dân Pháp cài cắm ở các vùng tranh chấp giữa ta và địch, vùng căn cứ và tự do, phát hiện và bắt hàng chục tên nội gián địch đánh vào nội bộ, thực hiện âm mưu "đi sâu leo cao" để phá ta. Chúng ta đã tiến hành công tác điệp báo để điều tra nắm tình hình, âm mưu, kế hoạch càn quét, đánh chiếm của địch, phục vụ kịp thời cho lãnh đạo của Ðảng, chủ động đối phó một cách thắng lợi với mọi âm mưu hoạt động phá hoại của địch. Ðiển hình là vụ chiếc Thông báo hạm A-mi-ô Ðanh-vin bị Công an đánh chìm tại vịnh Bắc Bộ, chôn vùi hơn 200 sĩ quan và thủy thủ Pháp; vụ ba tên Việt gian cấp ủy viên Trung ương Quốc dân đảng bị kéo ra vùng tự do và bị bắt giữ, đã đánh dấu một thất bại nhục nhã của các cơ quan tình báo gián điệp Pháp, đồng thời khẳng định bước trưởng thành của nghiệp vụ điệp báo Công an Nhân dân.

Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới Thu - Ðông 1950 đã làm cho cục diện chiến tranh thay đổi. Ðịch càng đánh càng  sa lầy, thất bại. Ta càng đánh, càng thắng lợi. Ðảng và Nhà nước quyết định mở các chiến dịch: Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào, tây nam Ninh Bình, bắc Tây Nguyên, Ðiện Biên Phủ, để kết thúc cuộc kháng chiến.

Thực hiện quyết tâm chiến lược của Ðảng, Nhà nước, lực lượng công an đã đẩy mạnh phong trào quần chúng, đồng thời đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng cơ sở, mạng lưới bí mật, lực lượng công an cơ sở, xây dựng thêm các đồn, trạm công an, tăng cường công tác bảo vệ các cơ quan của Ðảng, chính quyền, căn cứ cách mạng, các kho tàng, công xưởng, bảo vệ lực lượng quân đội, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Ðảng, chính quyền, đặc biệt phối hợp với bộ đội bảo vệ an toàn bộ chỉ huy các chiến dịch, bảo vệ các đoàn dân công phục vụ các chiến dịch. Công an Nhân dân đã đẩy mạnh công tác trừ gian, phá tề, diệt ác ôn, biến hậu phương địch thành tiền phương của ta, buộc địch phải phân tán lực lượng, không tập trung đối phó với ta ở các chiến trường chính.

Trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ, công an đã thành lập "Ban Công an tiền phương", huy động toàn lực lượng tham gia bảo vệ thắng lợi chiến dịch lịch sử Ðiện Biên Phủ.

Sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, miền bắc được hoàn toàn giải phóng, nhân dân ta tiến hành công cuộc khôi phục kinh tế, cải tạo XHCN và xây dựng miền bắc thành hậu phương lớn của cả nước, chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền nam và làm trọn nghĩa vụ quốc tế đối với Lào, Campuchia.

Lực lượng Công an Nhân dân với nhiệm vụ phục vụ công tác quản lý xã hội, đã vận dụng nhiều hình thức đấu tranh sáng tạo, phong phú. Phát động mạnh mẽ, rộng rãi phong trào "Bảo vệ trị an" ngoài xã hội, phong trào "Bảo mật phòng gian" trong cơ quan, xí nghiệp, trường học, bệnh viện... kết hợp chặt chẽ với các mặt công tác nghiệp vụ đã góp phần phục vụ đắc lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Ðảng, Nhà nước và nhân dân giao. Các lực lượng công an nhân dân đã góp phần tích cực giải quyết những tàn dư, tệ nạn của xã hội cũ để lại, thiết lập trật tự xã hội mới ở vùng mới giải phóng, đấu tranh quyết liệt ngăn chặn âm mưu, hoạt động dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào, đặc biệt là đồng bào Thiên chúa giáo di cư vào miền nam. Ðẩy mạnh đấu tranh chống âm mưu, hoạt động phá hoại, tập hợp lực lượng hòng gây bạo loạn của bọn phản cách mạng.

Nhiều tổ chức gián điệp do đế quốc Mỹ - Pháp cài lại, với hàng tấn trang bị, vũ khí, điện đài chôn giấu để phá hoại đất nước ta đều bị phát hiện. Ðiển hình là vụ gián điệp "C30" do Trần Minh Châu (tức Cập) cầm đầu; những vụ âm mưu gây bạo loạn ở miền núi bị nhanh chóng dập tắt và những vụ tổ chức nhen nhóm phản động đều bị phát hiện, trừng trị hàng trăm toán gồm hàng nghìn tên gián điệp do Mỹ tung ra với đầy đủ phương tiện kỹ thuật hiện đại đều bị quét sạch. Công tác cải tạo người phạm tội đạt kết quả cao. Công an Nhân dân đã sát cánh cùng các lực lượng vũ trang, các ngành, các đoàn thể, nhân dân chiến đấu kiên cường đánh thắng hai đợt chiến tranh phá hoại miền bắc của đế quốc Mỹ, giữ vững an ninh chính trị, đồng thời tích cực bảo vệ nội bộ, bảo vệ tài sản XHCN, bảo vệ tài sản và tính mạng của nhân dân, giải quyết tốt các mặt tiêu cực trong đời sống xã hội, các hậu quả chiến tranh phá hoại của Mỹ và đã làm tốt công tác bảo vệ quốc phòng, bảo vệ các lực lượng vũ trang, bảo vệ việc chi viện cho tiền tuyến lớn. Công an Nhân dân miền bắc tích cực chi viện hàng trăm tấn phương tiện, vũ khí và hơn chục nghìn cán bộ, chiến sĩ cho an ninh miền nam phục vụ tích cực cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trong hơn 20 năm, mặc dù đế quốc Mỹ và bọn tay sai đã dùng nhiều âm mưu thâm độc, nhiều thủ đoạn xảo quyệt, nhiều phương tiện kỹ thuật tối tân, hiện đại trong các hoạt động gián điệp và trong chiến tranh tâm lý nhằm phá hoại miền bắc, nhưng chúng đã bị thất bại thảm hại. Nhân dân ta vẫn giữ vững an ninh, trật tự trong mọi tình huống, kể cả lúc chiến tranh phá hoại ác liệt nhất. Ðó là một thắng lợi to lớn, kỳ diệu của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân ta.

Ở miền nam, đồng bào và chiến sĩ vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, hy sinh mất mát, kiên cường và bất khuất tiếp tục cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, quân và dân ta đã tiến hành đồng khởi toàn miền nam, tạo thế và lực tổng tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công đánh bại bốn chiến lược chiến tranh của năm đời tổng thống Mỹ. An ninh miền nam đã ra sức bảo vệ Ðảng, bảo vệ phong trào cách mạng, bảo vệ vùng giải phóng, bảo vệ các cơ quan của Ðảng, bảo vệ các căn cứ cách mạng, bảo vệ lực lượng vũ trang, tích cực tham gia chống bình định, chống chiêu hồi, chống chiến tranh tâm lý, tiến hành xây dựng mạng lưới cơ sở, công tác tình báo, nắm tình hình, đề phòng và phát hiện nội gián, trừ gian, diệt ác ngay cả ở các đô thị, các cơ quan và các trung tâm quân sự, tình báo gián điệp của địch và cả Ðại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn, hỗ trợ đắc lực cho nhân dân nổi dậy và tiến công quân sự, góp phần đập tan bộ máy chiến tranh và bộ máy kìm kẹp của Mỹ - ngụy, góp phần giành thắng lợi vĩ đại trong mùa xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh.

Lịch sử 30 năm chiến tranh cách mạng giải phóng dân tộc (1945-1975) đã minh chứng một cách sáng tỏ rằng: Thắng lợi to lớn kỳ diệu trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự của Tổ quốc là thuộc về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, thuộc về Ðảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, thuộc về nhân dân Việt Nam Anh hùng, thuộc về các lực lượng vũ trang Anh hùng mà Công an Nhân dân là lực lượng nòng cốt.

Ðại tá PHẠM VĂN QUYỀN
Viện trưởng Lịch sử Công an

Có thể bạn quan tâm

back to top