Xây dựng cơ quan truyền thông đa phương tiện, đi đầu trong chuyển đổi số

Thời gian qua, các cơ quan báo chí của thành phố Hà Nội đã làm tốt công tác tuyên truyền, đáp ứng được nhiệm vụ chính trị của thành phố. Các tờ báo đã đẩy mạnh nhiều loại hình truyền thông mới phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay. Trước sự phát triển nhanh chóng của xã hội, yêu cầu đặt ra với các cơ quan báo chí Hà Nội ngày càng cao, nhất là trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, để đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của bạn đọc.

 Bản tin truyền hình in-tơ-nét của Báo Kinh tế & Đô thị phát sóng ngày 18-5 vừa qua. Ảnh: HÀ THU
Bản tin truyền hình in-tơ-nét của Báo Kinh tế & Đô thị phát sóng ngày 18-5 vừa qua. Ảnh: HÀ THU

Thành phố Hà Nội vừa thông qua “Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí thành phố Hà Nội đến năm 2025”. Đề án nhằm sắp xếp hệ thống báo chí của thành phố gắn với đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí; xây dựng cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng dư luận xã hội, thông tin đối ngoại. Song song đó là xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong tình hình mới... Theo đề án này, việc triển khai sắp xếp các cơ quan báo chí của thành phố sẽ thực hiện theo hai giai đoạn: Giai đoạn 1, từ khi đề án được phê duyệt đến hết năm 2020, thực hiện sắp xếp còn sáu cơ quan báo chí gồm: Hà Nội Mới; Kinh tế và Đô thị; Phụ nữ Thủ đô; Lao động Thủ đô; Tuổi trẻ Thủ đô; Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội; Giai đoạn 2, hoàn thành việc sắp xếp các cơ quan báo chí theo đúng chỉ đạo của Trung ương, thực hiện từ ngày 1-1-2021 đến năm 2025. Trên thực tế, thời gian qua, để thông tin được phản ánh ngày càng chân thực, nhanh nhạy, đa dạng, nhiều cơ quan báo chí Thủ đô đã xây dựng mô hình tòa soạn đa phương tiện bao gồm nhiều chủ thể: báo in, báo mạng, phát thanh, truyền hình..., trong đó, lấy báo điện tử làm trung tâm, đồng thời, không ngừng đổi mới kết cấu nội dung, hình thức trình bày, cách chuyển tải thông tin… để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh.

Theo đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông, báo chí Hà Nội hiện nay hoạt động cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ chính trị của thành phố. Các tờ báo đã đẩy mạnh nhiều loại hình truyền thông mới để phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay. Nhiều báo còn tăng cường tiếp cận thị trường để bảo đảm tự chủ, bằng việc tổ chức các chương trình, sự kiện... Tuy nhiên, nhìn chung các báo, tạp chí của Thủ đô vẫn chưa kịp thời đổi mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến để theo kịp xu thế phát triển của báo chí hiện đại; chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.

Tại buổi làm việc với đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí Hà Nội bàn các giải pháp tăng cường hiệu quả công tác truyền thông, cũng như việc tham gia của báo chí vào những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố, nhất là trong bối cảnh thành phố đang thực hiện nhiệm vụ “kép”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định, thành phố rất yên tâm về vấn đề tư tưởng chính trị, định hướng, tôn chỉ mục đích, chức năng nhiệm vụ đối với các cơ quan báo chí Hà Nội. Truyền thông báo chí Thủ đô không sa vào các vụ việc mang tính giật gân, câu khách, mà tập trung tuyên truyền những nhiệm vụ chính trị của thành phố. Tuy nhiên, đồng chí cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của báo chí Thủ đô như: Tính năng động, sáng tạo, độ sắc bén, hiệu quả, tính chiến đấu, lan tỏa còn hạn chế, chưa được như mong muốn. Để báo chí truyền thông phát triển tương xứng tiềm năng, vị thế của Thủ đô, Bí thư Thành ủy đề nghị các cơ quan báo chí của Thủ đô cần tiếp tục đi sâu khai thác, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao chất lượng, qua đó thu hút độc giả và tạo sự lan tỏa. Đặc biệt, các cơ quan báo chí Thủ đô cần phải đi đầu trong quá trình chuyển đổi số. Thành phố sẽ đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ việc này, từ khâu tư vấn, kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ nền tảng... Thành phố cũng sẽ hỗ trợ hoàn thiện hệ thống giao ban trực tuyến ở các cơ quan báo chí. Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy đề nghị hệ thống truyền thông báo chí của thành phố cần có kế hoạch phối hợp với mạng viễn thông, kết hợp với mạng xã hội Việt Nam như Zalo, Lotus... để tuyên truyền thông tin của thành phố...

Các chuyên gia trong lĩnh vực thông tin và truyền thông cho rằng, thành phố Hà Nội cần định hướng tập trung phát triển các cơ quan báo chí, nhà xuất bản trọng điểm, tương xứng vị thế là cơ quan truyền thông của trung tâm đầu não của quốc gia về chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục, có vai trò dẫn dắt truyền thông cả nước. Muốn vậy, thành phố cần xây dựng đề án riêng về một cơ quan truyền thông đa phương tiện của Thủ đô, trong đó Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội đóng vai trò nòng cốt. Nội dung kênh truyền hình có thể đưa lên web, mobile, app OTT, thậm chí là mạng xã hội hay các nền tảng xuyên biên giới khác. Ngoài ra, quan tâm nhiều hơn tới chuyển đổi số báo chí; đầu tư công nghệ số một cách thỏa đáng cho các báo, đài...