Sau vụ "rừng Tánh Linh", tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp ở Bình Thuận diễn biến vẫn rất phức tạp. Tại các huyện Tánh Linh; Hàm Thuận Nam; Hàm Tân, nhất là vùng rừng giáp ranh với các tỉnh Ðồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Ðồng, các đối tượng phá rừng tập trung khá đông và khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép rất liều lĩnh.
Ông Nguyễn Ngọc Sang - Chi cục trưởng Cục Kiểm lâm Bình Thuận cho biết: Trong thời gian dài, các băng nhóm phá rừng có tổ chức, số đầu nậu, chủ vựa lâm sản hoạt động thường xuyên, táo tợn, nhưng chính quyền các địa phương và các ngành chức năng không có biện pháp kiểm tra, ngăn chặn hữu hiệu. Hiện tượng lâm tặc chống lại lực lượng chống phá rừng ngày càng gia tăng.
Triển khai thực hiện Chỉ thị 12, Bình Thuận tập trung vào ba biện pháp chính nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác bảo vệ rừng ở địa phương. Ðó là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục trong nhân dân, nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ rừng, các địa phương có rừng; tăng cường kiểm tra, truy quét các điểm nóng phá rừng và kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm.
Trước hết, Bình Thuận tập trung củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo chống phá rừng của tỉnh và các huyện; 43 xã trọng điểm phá rừng của tỉnh cũng đã thành lập Ban chỉ đạo của cấp mình. Ðể làm nòng cốt trong công tác chống phá rừng, Bình Thuận đã tăng cường biên chế kiểm lâm, thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ, giáo dục phẩm chất, đạo đức cho lực lượng này.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh bố trí 60 kiểm lâm viên địa bàn về 60 xã trọng điểm phá rừng trực tiếp tham mưu cho chính quyền địa phương công tác quản lý nhà nước về rừng. Ngoài việc tổ chức quán triệt, học tập Chỉ thị 12 cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, quần chúng nhân dân, Bình Thuận đã vận động gần 2.000 hộ dân cam kết tham gia bảo vệ rừng; xây dựng quy ước bảo vệ rừng tại 61 thôn, bản và thành lập 215 tổ phòng cháy, chữa cháy rừng với hơn 2.000 người tham gia. Ðặc biệt, đã giao hơn 98.517 ha rừng cho 2.690 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhận khoán bảo vệ.
Ðến nay, phần lớn các chủ rừng đã xác định rõ hơn trách nhiệm của mình; cấp ủy đảng, chính quyền các xã trọng điểm phá rừng thể hiện trách nhiệm tốt hơn trong việc quản lý địa bàn, phối hợp hiệu quả với lực lượng kiểm lâm rà soát, phân loại đối tượng phá rừng chuyên nghiệp để vận động, giáo dục.
Theo thống kê của các địa phương: Nếu như năm 2003, toàn tỉnh có 2.862 đối tượng chuyên nghiệp phá rừng, thì đến cuối năm 2005, có 2.158 người trong số này đã bỏ nghề, hoặc tạm bỏ nghề.
Trên cơ sở xác định các điểm nóng phá rừng, các tụ điểm tàng trữ, mua bán lâm sản trái phép, Bình Thuận đã tiến hành hơn 500 đợt kiểm tra, truy quét và phát hiện, bắt giữ 7.319 vụ vi phạm. Tang vật tịch thu trong các vụ này, riêng gỗ các loại gần 7.100 m3; 215 xe ô-tô và hàng nghìn phương tiện, công cụ khác tham gia khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Các ngành chức năng ở Bình Thuận đã xử phạt vi phạm hành chính 6.918 vụ; khởi tố hình sự 129 vụ và đã đưa ra xét xử 53 vụ gồm 130 bị cáo với tổng mức án phạt hơn 176 năm tù.
So với trước đây ba năm, tình trạng phá rừng ở hầu hết các địa phương ở Bình Thuận đã giảm rõ rệt cả về số vụ, quy mô, tính chất và mức độ. Ðặc biệt, tỉnh đã cơ bản triệt phá tụ điểm phá rừng ở khu vực Nha Hai - Núi Lùm giáp ranh giữa hai huyện Hàm Thuận Nam và Tánh Linh, vốn tồn tại dai dẳng nhiều năm trước đây.
Số cầm đầu, chủ mưu khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ trái phép khét tiếng tại các xã Hàm Cần, Mỹ Thạnh, Hàm Kiệm (huyện Hàm Thuận Nam) cũng đã bị triệt phá. Tất nhiên, hiệu quả chống phá rừng ở Bình Thuận sẽ cao hơn nếu sự phối hợp giữa các lực lượng đồng bộ và việc quản lý địa bàn của các địa phương thực hiện chặt chẽ hơn. Một số xã hiện nay vẫn không quản lý được dân di cư tự do, để cho diện tích rừng tiếp tục bị xâm hại.
Mới đây, Tỉnh ủy Bình Thuận có chỉ thị và UBND tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm thực hiện đạt kết quả Chỉ thị 08 (ngày 8-3-2006) của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái phép.
Theo đó, xác định trách nhiệm bảo vệ rừng là của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, mà nòng cốt là lực lượng kiểm lâm, công an, quân sự địa phương, chủ tịch UBND các huyện, xã chịu trách nhiệm trực tiếp về tài nguyên rừng trên địa bàn mình quản lý. Bình Thuận cũng đang phối hợp các tỉnh giáp ranh ban hành chung quy chế về quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời, khẩn trương rà soát lại quy hoạch ba loại rừng trên địa bàn tỉnh.
Mục đích cuối cùng trong công tác bảo vệ rừng là phải giữ được cây đứng, ngăn chặn không cho tác động trái phép vào diện tích rừng và đất lâm nghiệp. Do vậy, phải quản lý, bảo vệ rừng từ gốc. Một kinh nghiệm khá hay từ Bình Thuận, đó là giao rừng cho nhân dân nhận khoán bảo vệ. Cụ thể ở đây là đồng bào dân tộc thiểu số vốn gắn bó nhiều đời nay với núi rừng và một trong những nguồn thu nhập chính của đồng bào cũng từ rừng.
Hiện nay, bình quân mỗi hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Thuận nhận bảo vệ hơn 36 ha rừng. Với mức thù lao 100.000 đồng/ha/năm (gấp hai lần mức quy định chung của cả nước), mỗi hộ có thêm thu nhập chính đáng gần bốn triệu đồng mỗi năm. Nhờ thế đã hạn chế rất nhiều tình trạng đốt, phá rừng làm nương rẫy và khai thác lâm sản trái phép. Sắp tới, Bình Thuận sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, thực hiện tốt việc xã hội hóa nghề rừng và bảo vệ rừng.
Ông Huỳnh Tấn Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết: Căn cứ vào các quy định hiện hành, đối chiếu với tình hình thực tế địa phương, chậm nhất đến cuối quý II năm nay, tỉnh sẽ ban hành chính sách hưởng lợi để áp dụng cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng.