Thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giai đoạn 2019-2021, toàn tỉnh Phú Thọ đã tổ chức sáp nhập 80 ÐVHC cấp xã thuộc 10 huyện. Sau sáp nhập, các ÐVHC mới đã có bước phát triển trên tất cả các lĩnh vực; hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh.
Sự phát triển của các ÐVHC được sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 cùng những bài học về việc đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương chính là động lực để tỉnh tiếp tục triển khai một cách hiệu quả công tác sắp xếp ÐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.
Theo đó, giai đoạn 2023-2025, tỉnh Phú Thọ thực hiện sắp xếp 30 ÐVHC (bốn phường, một thị trấn, 25 xã) thuộc ba ÐVHC cấp huyện, gồm Ðoan Hùng, Cẩm Khê và thành phố Việt Trì để hình thành 12 ÐVHC (hai phường, một thị trấn, chín xã) sau sắp xếp. Số ÐVHC cấp xã của tỉnh sau sắp xếp còn 207 đơn vị, trong đó có 181 xã, 11 thị trấn và 15 phường, giảm 18 ÐVHC cấp xã...
Huyện Ðoan Hùng là một trong những địa phương tiến hành sắp xếp ÐVHC cấp xã nhiều nhất của tỉnh Phú Thọ. Giai đoạn 2019-2021, huyện đã sắp xếp chín ÐVHC cấp xã để thành lập ba ÐVHC cấp xã mới. Giai đoạn 2023-2025, huyện Ðoan Hùng tiếp tục sáp nhập 14 xã, thị trấn để thành lập sáu ÐVHC mới. Như vậy, trước khi sáp nhập toàn huyện có 22 xã, thị trấn; sau khi sáp nhập, đến nay, toàn huyện chỉ còn 14 xã, thị trấn.
Trong quá trình sắp xếp, toàn huyện có 53 cán bộ, công chức, viên chức của các địa phương về hưu trước tuổi, trong đó có 16 đồng chí là Bí thư, Chủ tịch, Phó Bí thư, Phó Chủ tịch xã, thị trấn. Tất cả các đồng chí về hưu trước tuổi đều có tư tưởng thoải mái, tự nguyện nghỉ theo quy định và không có trường hợp nào cấp ủy, chính quyền địa phương phải vận động.
Bí thư thị trấn Ðoan Hùng, huyện Ðoan Hùng Phạm Chí Hà cho biết, mấu chốt trong sắp xếp ÐVHC cấp xã là cán bộ, đảng viên, người dân phải thấu hiểu và đồng thuận. Muốn vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp phải làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức rõ nhiệm vụ chính trị, lợi ích của việc sáp nhập xã và phải sắp xếp, bố trí công tác cho đội ngũ cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã hợp lý, nhất là diện dôi dư sau sáp nhập.
Tại thị trấn Ðoan Hùng, sau khi được tuyên truyền, nghiên cứu các chính sách hỗ trợ, nhiều cán bộ, công chức đã quyết định về hưu trước tuổi trong tâm thế tự nguyện, nêu gương, với suy nghĩ tạo cơ hội cho lớp cán bộ trẻ phát triển.
Còn tại thành phố Việt Trì, việc sắp xếp ÐVHC cấp phường được triển khai một cách bài bản, đồng bộ. Theo Ðề án, giai đoạn 2023-2025, Thành phố Việt Trì sẽ tiến hành sáp nhập bốn phường gồm: Thọ Sơn, Bến Gót, Nông Trang, Vân Cơ thành hai phường mới là Thọ Sơn và Nông Trang.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Việt Trì Phạm Xuân Hiệp chia sẻ, sau khi rà soát yếu tố đặc thù và dự kiến quy hoạch thành phố Việt Trì đến năm 2045; việc sắp xếp ÐVHC cấp phường được thành phố chủ động triển khai theo đúng hướng dẫn cho nên tạo được sự đồng thuận trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Ðối với cán bộ chủ chốt cấp phường, thành phố đã rà soát, nếu đồng chí nào đến tuổi sẽ vận động để về hưu trước tuổi.
Tại các phường thuộc diện phải sáp nhập, cấp ủy, chính quyền xem xét đồng chí nào không đủ tuổi tái cử vận động về hưu trước tuổi để bảo đảm đủ cơ cấu, số lượng. Ðối với số cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau sáp nhập, thành phố sẽ điều chuyển sang các xã, phường khác. Thành phố cũng nghiên cứu xem dân số của phường nào có đông dân cư sinh sống sẽ giữ lại tên gọi của phường đó.
Ðơn cử như phường Thọ Sơn và Bến Gót, sau sáp nhập sẽ lấy tên gọi của phường mới là Thọ Sơn vì đây là phường có đông dân cư sinh sống; hai phường Nông Trang và Vân Cơ, sau sáp nhập lấy tên gọi phường mới là Nông Trang. Với cách làm này thì chỉ có người dân của một phường phải thay đổi giấy tờ nếu có nhu cầu. Trước mắt, trụ sở của các phường sau sáp nhập vẫn hoạt động bình thường đến khi có hướng dẫn mới của cấp có thẩm quyền.
Việc sắp xếp, sáp nhập các ÐVHC cấp xã được tỉnh Phú Thọ triển khai đồng bộ, nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Các ÐVHC cấp xã sau sắp xếp, sáp nhập đã hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Ðây là tiền đề quan trọng góp phần cải cách thủ tục hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Tuy nhiên, việc sắp xếp ÐVHC cấp xã sẽ ít nhiều gây ảnh hưởng đến phong tục, tập quán, sinh hoạt, sản xuất của một bộ phận dân cư; thiết chế văn hóa; phải tiến hành chuyển đổi nhiều giấy tờ có liên quan. Nhiều ÐVHC cấp xã phải sắp xếp từ ba đơn vị cho nên tác động lớn đến tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị cơ sở, khó khăn trong quá trình bố trí chức danh lãnh đạo chủ chốt, cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách.
Ngoài ra, việc giải quyết chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư ở ÐVHC cấp xã sau sắp xếp cũng là một vấn đề rất khó khăn (do số cán bộ, công chức sau sắp xếp dôi dư hơn 301 cán bộ, công chức, trong khi số công chức dôi dư do sắp xếp ÐVHC cấp xã giai đoạn 2019-2021 vẫn còn 209 công chức).
Việc giải quyết trụ sở dôi dư ở các ÐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp cũng là một trong những khó khăn của địa phương. Sau sắp xếp số lượng trụ sở dôi dư dự kiến là 18 trụ sở, trong khi đó trụ sở dôi dư do sắp xếp ÐVHC cấp xã giai đoạn 2019-2021 còn 14 trụ sở chưa giải quyết...
Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Phú Thọ Nguyễn Quang Vinh cho biết: Thực hiện việc sắp xếp ÐVHC theo Quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỉnh Phú Thọ đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị căn cứ quy định của Trung ương, hướng dẫn của tỉnh và yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan mới để xây dựng đề án sắp xếp cán bộ, thực hiện đánh giá, phân loại cán bộ và khả năng đáp ứng yêu cầu để bố trí sắp xếp cho phù hợp; đối với những trường hợp dôi dư thì thực hiện bố trí công tác khác hoặc động viên, khuyến khích thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác theo yêu cầu. Ngoài chính sách của Trung ương, tỉnh cũng ban hành chính sách hỗ trợ đối với trường hợp dôi dư nghỉ công tác để bảo đảm điều kiện tốt nhất cho hoạt động của mỗi địa phương.