Một trong những “chìa khóa” để mở cánh cửa, khơi thông nguồn lực từ các nhà đầu tư vào Bình Phước là chiến lược phát triển hạ tầng đồng bộ, liên thông, tổng thể, hài hòa giữa hạ tầng giao thông, đô thị, nông nghiệp với khu công nghiệp.
Để Bình Phước phát triển mạnh mẽ hơn nữa, tỉnh đang nỗ lực thực hiện các bước để sớm thi công các tuyến giao thông trọng điểm, nhất là hai tuyến đường cao tốc qua địa phận tỉnh Bình Phước. Mới đây nhất, tỉnh Bình Phước đã khởi công tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành, đoạn qua địa phận tỉnh.
Dự án là một phần quan trọng trong trục giao thông bắc-nam, kết nối Bình Dương và Bình Phước với các tuyến đường huyết mạch như đường Vành đai 2, 3, 4 Thành phố Hồ Chí Minh, đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước), các sân bay và cảng biển lớn.
Dự án xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành đoạn đi qua tỉnh Bình Phước có tổng chiều dài khoảng 6,6 km, quy mô 6 làn xe, tổng mức đầu tư 1.474 tỷ đồng, do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Phước làm chủ đầu tư. Tổng diện tích đất sử dụng là 84 ha, trong đó tại phường Minh Thành, thị xã Chơn Thành có 291 thửa đất của khoảng 160 hộ dân bị ảnh hưởng cần được thu hồi.
Để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, chủ đầu tư dự án đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp tổ chức họp dân nhằm phổ biến thông tin, tiếp nhận ý kiến người dân. Nhờ đó, công tác kiểm kê, giải phóng mặt bằng diễn ra nhanh chóng.
Ông Nguyễn Văn Đức, Khu phố 1, phường Minh Thành, thị xã Chơn Thành phấn khởi nói: “Tôi rất mừng khi dự án đường cao tốc đi qua. Gia đình tôi ảnh hưởng nhà ở và khoảng 1 ha đất. Tuy vậy, chúng tôi rất háo hức chờ thực hiện dự án. Tôi nghĩ đường thông thì kinh tế sẽ phát triển".
Tương tự, ông Nguyễn Văn Sơn, ở cùng địa bàn, tin tưởng: “Dự án đường cao tốc đi qua sẽ kết nối giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống người dân, tương lai con cháu sau này sẽ phát triển vượt bậc. Do vậy, chúng tôi đồng thuận cao. Chúng tôi đề nghị Nhà nước có chính sách bồi thường phù hợp, đồng thời hỗ trợ tạo việc làm cho những hộ bị ảnh hưởng đất sản xuất”.
Trong chuyến thị sát công tác giải phóng mặt bằng phục vụ cho tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành đoạn đi qua địa bàn tỉnh Bình Phước, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Tôn Ngọc Hạnh nhấn mạnh: Đây là 1 trong 8 dự án trọng điểm quốc gia về giao thông vận tải, sau khi hoàn thành sẽ kết hợp với tuyến đường cao tốc bắc-nam phía tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước) tạo thành các trục giao thông kết nối vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, rút ngắn thời gian di chuyển, chi phí vận tải và bảo đảm an toàn giao thông, tạo động lực để Bình Phước đạt các mục tiêu tăng trưởng trong kỷ nguyên vươn mình.
Do đó, các cơ quan, đơn vị chức năng cần tăng cường phối hợp, vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, nhất là công tác tuyên truyền nhằm tạo sự ủng hộ của người dân để hoàn thành hồ sơ thẩm định và triển khai thực hiện dự án sớm nhất.
Bình Phước cũng đang triển khai Dự án đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước), đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng trong thúc đẩy liên kết vùng giữa Tây Nguyên với Đông Nam Bộ, phá thế độc đạo về kết nối giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển đoạn từ Đắk Nông đi Bình Phước, Thành phố Hồ Chí Minh. Thiết kế ban đầu được phê duyệt, dự án có chiều dài 128,8 km, trong đó đoạn đi qua Đắk Nông dài 27,8 km, đi qua Bình Phước 101 km.
Tổng mức đầu tư sơ bộ dự kiến 25.540 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước 12.770 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư 12.770 tỷ đồng. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết, dự án là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần tập trung thời gian, trí tuệ, bố trí sắp xếp nhân, vật lực để tham gia tích cực, chủ động với tinh thần trách nhiệm cao; triển khai các nhiệm vụ được giao với tư tưởng "dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”. Khi triển khai dự án, Bình Phước hết sức chú trọng đến công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Song song với công tác giải phóng mặt bằng, Bình Phước chỉ đạo các đơn vị, chính quyền các cấp triển khai dự án tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án đi qua. Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Phước Nguyễn Anh Tuấn cho biết:
Xác định tầm quan trọng của dự án đường cao tốc qua địa bàn, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm việc sắp xếp các khu tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng, qua đó đã tổ chức rà soát lại quỹ đất tái định cư hiện có, đồng thời lựa chọn vị trí thuận lợi cho người dân. Riêng dự án đường cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã bố trí sáu khu tái định cư với diện tích 27,5 ha cho người dân bị ảnh hưởng.
Còn dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành bố trí một khu tái định cư và nhà ở xã hội tại phường Thành Tâm, thị xã Chơn Thành với diện tích quy hoạch hơn 34 ha.
Bình Phước xác định mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ, có quy mô kinh tế khá; không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền trong tỉnh. Khi hạ tầng giao thông nội tỉnh, liên vùng và các tuyến đường cao tốc đi qua địa bàn tỉnh được hoàn thành kết nối, chắc chắn những mục tiêu Bình Phước đặt ra sẽ trở thành hiện thực.