Theo chân những người lính Trường Sơn năm xưa, chúng tôi ghé thăm Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh. Những bàn tay run run khi chạm vào những chiếc xe vận tải. Những giọt nước mắt lặng lẽ rơi. Tiếng gọi tên đồng đội nơi khóe miệng... Tất cả là cảm xúc vô cùng chân thật của những người lính năm xưa khi gặp lại kỷ vật gắn bó với một thời hoa lửa của mình.
Bà Ngô Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Hội Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội xúc động chia sẻ: “Đã rất nhiều lần tới thăm bảo tàng, nhưng lần nào cũng vậy, tôi đều cảm thấy bồi hồi, xúc động, bao nhiêu ký ức ở Trường Sơn lại ùa về mãnh liệt. Mỗi lần đến tôi lại được thắp nén nhang thơm tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh, sống mãi với tuổi 20 trên tuyến đường Trường Sơn”.
Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh được quyết định thành lập vào năm 1995 trên cơ sở tiếp nối Bảo tàng Trường Sơn đã được thành lập từ năm 1968. Năm 1999, bảo tàng được khánh thành, đi vào hoạt động. Thượng tá Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Bảo tàng cho biết: Khi mới hoạt động, Bảo tàng chỉ có khoảng 3.000 hiện vật. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, đến nay đã có hơn 12.000 hiện vật, bao gồm cả hiện vật khối, hình ảnh, văn bản…
![]() |
Đoàn Cựu chiến binh tỉnh Thanh Hóa tham quan Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh |
Các hiện vật được trưng bày tại hai khu vực, gồm khu trưng bày trong nhà và khu trưng bày ngoài trời. Với diện tích hơn 2.700 m2, khu vực trưng bày trong nhà có những nội dung: Trường Sơn thuở ban đầu; Mở đường cơ giới lớn, tổ chức chiến đấu hợp đồng binh chủng chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chi viện miền nam, đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” (1963 - 1968); Đỉnh cao của chiến lược ngăn chặn và chống ngăn chặn (1969 - 1972); Thế trận Trường Sơn, tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh; …
Khu vực ngoài trời trưng bày, giới thiệu các loại xe, máy, phương tiện vận chuyển, bảo đảm giao thông, vũ khí chiến đấu bảo vệ tuyến đường Trường Sơn… Tất cả các hiện vật đều tập trung phản ánh quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Bộ đội Trường Sơn trong kháng chiến và trong công cuộc đổi mới đất nước; đồng thời khắc ghi tình đoàn kết chiến đấu của ba nước Đông Dương trên con đường huyền thoại - Đường Hồ Chí Minh.
Mỗi kỷ vật không chỉ thấm đẫm mồ hôi, nước mắt mà còn thấm cả máu của biết bao chàng trai, cô gái đã không tiếc máu xương hy sinh cho Tổ quốc. Lật mở cuốn sổ ghi cảm tưởng, thấy ở đó chứa chan biết bao tình cảm của du khách. Mỗi người một cảm xúc, nhưng tựu trung đều là sự khâm phục trước ý chí và tinh thần chiến đấu kiên cường của cha anh trước mưa bom bão đạn; họ đã “sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm” để góp sức làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Để góp phần tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc cho thế hệ trẻ, những năm qua, bảo tàng đã không ngừng đổi mới về cách thức tuyên truyền, tập trung nâng cao chất lượng trưng bày để thu hút du khách, nhất là giới trẻ.
![]() |
Hội Phụ nữ phường Trương Định (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tham quan Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh |
Theo chia sẻ của Giám đốc Bảo tàng, nhiều trường đã kết nối để tổ chức những buổi nói chuyện nhân các ngày truyền thống; tổ chức các tiết học lịch sử trực quan sinh động ngay tại bảo tàng, giúp việc học lịch sử trở nên hấp dẫn và thu hút học sinh.
Cùng với việc trưng bày hiện vật, năm 2016, bảo tàng xây dựng khu tưởng niệm ghi danh 19.243 liệt sĩ của các tỉnh, thành phố trên cả nước đã anh dũng hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Không gian linh thiêng này đã chứng kiến biết bao buổi lễ kết nạp đoàn viên, đội viên của các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trước anh linh của hàng nghìn liệt sĩ đã hy sinh cho độc lập dân tộc, buổi lễ kết nạp đội viên dường như trở nên ý nghĩa hơn rất nhiều.
Trường tiểu học Ban Mai, quận Hà Đông vừa tổ chức lễ kết nạp đội viên mới tại Bảo tàng vào những ngày cuối tháng 3. Thầy giáo Nguyễn Việt Phương, Tổng phụ trách Đội cho biết: “Trong không gian trang nghiêm của bảo tàng, đứng trước những hình ảnh và hiện vật quý giá của lịch sử, thể hiện tinh thần yêu nước của thế hệ cha ông, các em học sinh càng thấy tự hào, có thêm động lực để phấn đấu và rèn luyện để trở thành những đội viên gương mẫu”.
Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho các thế hệ. Mỗi năm, bảo tàng đón hàng trăm nghìn lượt khách tham quan, trong đó chủ yếu là học sinh, sinh viên - thế hệ trẻ, tương lai của đất nước. Từ những câu chuyện, hình ảnh, hiện vật được lưu giữ nơi đây, bản hùng ca về con đường huyền thoại - Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh sẽ mãi ngân vang trong trái tim mỗi người Việt Nam.