Thái Bình: Đặt tên các xã, phường sau sắp xếp ngắn gọn, khoa học, có giá trị lịch sử

NDO - Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đang được triển khai rất quyết liệt và khẩn trương tại tỉnh Thái Bình. Cấp ủy, chính quyền địa phương rất quan tâm đến việc đặt tên gọi đơn vị hành chính mới sao cho dễ hiểu, dễ nghe và gắn liền với tập quán, văn hóa, lịch sử truyền thống của địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Tỉnh Thái Bình có hướng dẫn cụ thể trong việc đặt tên gọi xã, phường mới sau sắp xếp theo tinh thần chung là ngắn gọn, khoa học và mang giá trị truyền thống lịch sử.
Tỉnh Thái Bình có hướng dẫn cụ thể trong việc đặt tên gọi xã, phường mới sau sắp xếp theo tinh thần chung là ngắn gọn, khoa học và mang giá trị truyền thống lịch sử.

Bà Phạm Thị Như Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vũ Thư chia sẻ: "Địa phương chúng tôi dành nhiều thời gian, công sức để lựa chọn đặt tên gọi những xã mới sao cho cô đọng, súc tích, có ý nghĩa nhất.

Theo như đề án xây dựng, huyện Vũ Thư được chia thành 6 xã gồm: Vũ Thư, Thư Trì, Tân Thuận, Thư Vũ, Vũ Tiên và Vạn Xuân. Sở dĩ đặt tên gọi là xã Thư Trì, hay như xã Vũ Tiên bởi đây chính là hai huyện được sáp nhập thành huyện Vũ Thư ngày 17/6/1969.

Thái Bình: Đặt tên các xã, phường sau sắp xếp ngắn gọn, khoa học, có giá trị lịch sử ảnh 1

Nhà lưu niệm Chi bộ Thư Vũ tại thôn Hưng Nhượng, xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

Còn xã Thư Vũ là lấy tên chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Vũ Thư ra đời năm 1929. Đây cũng là 1 trong 6 chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Thái Bình. Cũng như vậy, đặt tên xã mới là Vạn Xuân bởi tại đây có Miếu Hai Thôn thuộc xã Xuân Hòa đã được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia năm 1986. Ngôi miếu cổ thờ vua Lý Nam Đế, hằng năm có lễ hội Vạn Xuân nức tiếng gần xa.

Tại huyện Hưng Hà dự kiến được chia thành 8 xã. Chính quyền địa phương ở đây cũng rất quan tâm đến việc đặt tên gọi sao cho khoa học và thật ý nghĩa. Như xã mới mang tên Tiên La là do tại đây có Cụm di tích cấp quốc gia đền Tiên La quy mô bề thế. Hơn nữa, lễ hội Tiên La cũng đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016 và rất gắn bó với đời sống tín ngưỡng của nhân dân.

Thái Bình: Đặt tên các xã, phường sau sắp xếp ngắn gọn, khoa học, có giá trị lịch sử ảnh 3

Lễ hội Tiên La tại huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Ông Trần Hữu Nam, Bí thư Huyện ủy Hưng Hà phân tích: Việc đặt tên cho xã mới được lãnh đạo địa phương “nâng lên đặt xuống” nhiều lần sao cho chặt chẽ, khoa học, nghiêm túc và mang nét văn hóa của miền đất, vùng quê đó.

Chính vì vậy, sau khi sáp nhập xã Minh Tân, Độc Lập và Hồng An với nhau, huyện cân nhắc, suy tính rồi đi đến quyết định đặt tên chung cho xã mới là Lê Quý Đôn. Sở dĩ có tên gọi này là do tại xã Độc Lập có Khu lưu niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn - đây cũng là nơi sinh thành ra ông.

Tại Hưng Hà còn có những tên xã mới rất có ý nghĩa lịch sử, gắn liền trong tiềm thức bao người dân quê như: Xã Ngự Thiên gợi nhớ huyện Ngự Thiên thời Lê sơ trên đất Hưng Hà; xã Long Hưng gợi nhớ tên gọi một phủ nổi tiếng thời nhà Trần cũng nằm trên đất Hưng Hà ngày nay.

Thái Bình: Đặt tên các xã, phường sau sắp xếp ngắn gọn, khoa học, có giá trị lịch sử ảnh 4

Thành phố Thái Bình ngày nay.

Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Thái Bình Phạm Đồng Thụy cho biết: Lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh rất chú trọng đến đặt tên gọi xã, phường sau sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Do đó, trong thời gian qua có hướng dẫn rất cụ thể, chi tiết đến các địa phương để thống nhất rõ chủ trương, quan điểm của tỉnh trong triển khai, thực hiện vấn đề này.

Tinh thần chung của Thái Bình là tên gọi và trụ sở chính của các xã, phường phải dễ nhận diện, ngắn gọn, khoa học, có giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa và nhân vật lịch sử.