Dấu ấn văn học, nghệ thuật ở thành phố mang tên Bác

Qua 50 năm xây dựng và phát triển, văn học, nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh luôn giữ gìn, phát huy truyền thống, tiên phong đi đầu trong quá trình hội nhập, tạo được nhiều thành tựu.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh trong vở “Dưới bóng giai nhân” của Nhà hát kịch Idecaf. (Ảnh MẠNH HẢO)
Cảnh trong vở “Dưới bóng giai nhân” của Nhà hát kịch Idecaf. (Ảnh MẠNH HẢO)

Dấu ấn 50 năm

Từ năm 1975, văn học, nghệ thuật thành phố tiếp tục phát huy các giá trị tốt đẹp truyền thống văn hóa, văn nghệ dân tộc, cách mạng của các văn nghệ sĩ trong Tiểu ban Văn nghệ khu Sài Gòn - Gia Định, T4, Văn công Giải phóng. Đáng chú ý, sau ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, lực lượng văn nghệ sĩ hoạt động nội thành tiếp tục sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh và sáng tác, hoạt động nghệ thuật đã tạo ra những tác phẩm giá trị để lại ấn tượng sâu sắc về nội dung và nghệ thuật trong lòng công chúng.

Trong giai đoạn này, những chiến sĩ đi đầu trên mặt trận tư tưởng văn hóa, bằng tài năng của mình đã mang tới làn gió mới cho đời sống văn hóa của người dân. Những ca khúc như “Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh” (Xuân Hồng), “Đất nước trọn niềm vui” (Hoàng Hà), “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” (nhạc: Cao Việt Bách, lời: Đăng Trung, Cao Việt Bách), “Thành phố tình yêu và nỗi nhớ” (nhạc: Phạm Minh Tuấn, thơ: Nguyễn Nhật Ánh)...; hay các vở cải lương nổi tiếng “Tiếng trống Mê Linh”, “Người ven đô”, “Tiếng sóng Rạch Gầm”, “Nàng hai Bến Nghé” gắn với tên tuổi của các nghệ sĩ Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Nam Hùng, Thành Được, Phượng Liên, Lệ Thủy, Thanh Tuấn… là những tác phẩm nghệ thuật không thể nào quên trong giai đoạn đầu xây dựng thành phố. Trên lĩnh vực điện ảnh, nhiều bộ phim đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả qua nhiều thế hệ như “Cánh đồng hoang” (đạo diễn Nguyễn Hồng Sến), “Ván bài lật ngửa” (đạo diễn Lê Hoàng Hoa), “Xa và gần” (đạo diễn Huy Thành), “Biệt động Sài Gòn” (đạo diễn Long Vân), hay “Vị đắng tình yêu” (đạo diễn Lâm Xuân Hoàng) được xem là phim “thị trường” đề tài tâm lý xã hội đã tạo nên cơn địa chấn về thu hút lượng lớn khán giả đến rạp.

Giai đoạn mở cửa hội nhập quốc tế, văn hóa, văn nghệ thành phố tiếp tục gặt hái nhiều thành công mới, khẳng định là trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội của cả nước. Thành phố có nhiều tác phẩm, tên tuổi của các văn nghệ sĩ được thế giới biết đến thông qua các kỳ liên hoan nghệ thuật quốc tế. Tiết mục “Khoảnh khắc tình yêu” của Hiển Phước và Thanh Hoa thuộc Nhà hát nghệ thuật Phương Nam (nay là Trung tâm nghệ thuật thành phố) đã gây ấn tượng cho khán giả quốc tế khi đoạt Huy chương vàng tại Liên hoan Xiếc quốc tế Kazakhstan vào năm 2023.

Những chương trình À ố show, Ballet Kiều,… đã trở thành những tác phẩm tiêu biểu được khán giả trong nước và quốc tế yêu thích. Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh được xem là trung tâm điện ảnh của cả nước, hiện nay trên địa bàn thành phố có hơn 100 cơ sở đăng ký và sản xuất phát hành phim, trong đó có khoảng 30 cơ sở hoạt động thường xuyên. Toàn thành phố có 38 cụm rạp chiếu phim với hơn 200 phòng chiếu, phục vụ hơn 4.000.000 lượt khán giả/năm. Thành công của điện ảnh thành phố trong thời gian qua là phát huy tốt nguồn lực xã hội hóa. Liên hoan phim quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh lần đầu tiên tổ chức với sức hút lớn từ các nhà làm phim quốc tế có tên tuổi, với số lượng phim tham gia lên đến hơn 400 phim từ các quốc gia. Bên cạnh đó, Liên hoan phim ngắn thành phố lần thứ nhất và các cuộc thi phim sinh viên, học sinh đã tạo nên nhiều không gian sáng tạo, góp phần phát hiện và bồi dưỡng tài năng điện ảnh.

Tiếp nối tương lai

Có thể khẳng định, lãnh đạo thành phố trong từng thời kỳ đều dành sự quan tâm đặc biệt cho văn học, nghệ thuật. Ngay sau năm 1975 dù còn rất nhiều khó khăn, lãnh đạo thành phố đã xác định văn hóa, văn nghệ là một giải pháp tinh thần thúc đẩy sự nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn, lạc quan để xây dựng đời sống mới. Các thiết chế văn hóa mới dành cho văn học, nghệ thuật tuy còn nhiều khó khăn nhưng cơ bản đáp ứng được nhu cầu thưởng thức, thụ hưởng của người dân. Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố luôn tôn trọng tự do trong sáng tạo nghệ thuật của văn nghệ sĩ, chính vì thế, nhiều tác giả, nghệ sĩ trẻ liên tục xuất hiện và từng bước khẳng định tài năng, phong cách của mình. Thành phố hiện quy tụ một lực lượng sáng tác và biểu diễn hết sức hùng hậu, phong phú; đồng thời là một môi trường hoạt động nghệ thuật lớn nhất cả nước, là nơi ươm mầm phát triển cho nhiều thế hệ văn nghệ sĩ. Các chương trình biểu diễn nghệ thuật được tổ chức với quy mô ngày càng lớn hơn, có chất lượng nghệ thuật tốt với sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới. Có thể kể đến các chương trình như: Lễ hội Văn hóa thế giới Thành phố Hồ Chí Minh - Gyeongju năm 2017, Lễ hội Âm nhạc quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh “Hò dô”; các chương trình biểu diễn cá nhân của các nghệ sĩ nổi tiếng trong nước... Những mô hình tổ chức sự kiện mới được định hình tại thành phố đã góp phần xây dựng thương hiệu về sự kiện, lễ hội như Lễ hội Âm nhạc quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh “Hò dô”, Lễ hội Sông nước, live concert “Anh trai say hi”, “Anh trai vượt ngàn chông gai”… Các sự kiện, lễ hội này đang củng cố thêm vị thế trung tâm của thị trường âm nhạc tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Song song đó, công tác bảo tồn và phát huy đối với các di sản văn hóa phi vật thể thuộc loại hình nghệ thuật, đặc biệt là các di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh đạt được những kết quả thiết thực. Việc kết hợp đưa sản phẩm nghệ thuật truyền thống vào du lịch thành phố đang được quan tâm đẩy mạnh. Thành phố đã có những chính sách phát huy vai trò của các Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân dân gian trong việc thực hành, phổ biến và truyền dạy văn hóa, văn nghệ dân gian. Theo Phó Giáo sư, tiến sĩ Lâm Nhân, Hiệu trưởng Trường đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thông qua nghệ thuật biểu diễn đã trở thành một xu hướng quan trọng, giúp lan tỏa bản sắc địa phương đến với công chúng trong nước và quốc tế. Thành phố Hồ Chí Minh cần thực hiện tốt công tác này để có thể xây dựng những chương trình đặc sắc mang đặc trưng riêng của thành phố trong tương lai.

Phát huy những thành tựu đạt được, Thành phố Hồ Chí Minh đang bước vào kỷ nguyên mới với nhiều khát vọng mới. Tin rằng, những người nghệ sĩ - chiến sĩ sẽ tiếp tục sống, lao động, cống hiến hết mình cho văn học, nghệ thuật để tạo ra những dấu son mới, vì sự phát triển chung của thành phố và đất nước ■