Quản lý chặt các cơ sở y, dược tư nhân

Hà Nội hiện có 29 bệnh viện, 2.736 phòng khám tư nhân và hàng nghìn cơ sở kinh doanh dược tư nhân. Các cơ sở này đã đóng góp tích cực vào việc khám, chữa bệnh cho người dân và giảm tải cho các bệnh viện công lập.

Tuy nhiên, thời gian qua, cũng có tình trạng nhiều cơ sở y, dược tư nhân đã vi phạm pháp luật về những quy định, điều kiện kinh doanh, hành nghề, có trường hợp vi phạm nghiêm trọng đe dọa, ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng người bệnh và gây nguy hại môi trường. Trong năm 2015, các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý ba cơ sở kinh doanh dược lưu hành hơn nửa triệu đơn vị viên thuốc tân dược hết hạn sử dụng được “làm mới lại” date, để bán cho người tiêu dùng; phạt các cơ sở dược tư nhân 600 triệu đồng (có nhà thuốc bị phạt 50 triệu đồng), tước giấy phép hành nghề có thời hạn, thu hồi giấy phép hành nghề của hàng chục cơ sở sai phạm. Cùng với đó, nhiều cơ sở y tế tư nhân bị phạt, xử lý do vi phạm các quy định về khám, chữa bệnh, hồ sơ, bệnh án, phạm vi cung cấp dịch vụ kỹ thuật, chứng chỉ hành nghề, quảng cáo, niêm yết giá… Để khắc phục, hạn chế tình trạng vi phạm nêu trên, mới đây, Sở Y tế Hà Nội đã triển khai kế hoạch hậu kiểm các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập. Từ nay đến cuối năm, ngành y tế sẽ tập trung kiểm tra trọng điểm, đột xuất các cơ sở hành nghề tại các khu vực gần bệnh viện công lập. Tập trung kiểm tra các loại phòng khám, nhà thuốc, quầy thuốc, công ty kinh doanh dược phẩm. Qua công tác kiểm tra, ngành y tế chấn chỉnh, hướng dẫn các cơ sở hành nghề thực hiện tốt các quy định, quy chế chuyên môn trong hoạt động khám, chữa bệnh và kinh doanh thuốc. Đồng thời, đề xuất các biện pháp xử lý khi phát hiện các cơ sở có vi phạm các quy định về hành nghề y, dược, như xử phạt hành chính, thu hồi chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc… Kế hoạch kiểm tra các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập của ngành y tế Hà Nội nhằm đưa các cơ sở hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ sức khỏe, quyền lợi chính đáng của người bệnh. Nhưng điều người dân quan tâm là chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra. Do đó, hoạt động kiểm tra phải được chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực, phương tiện, thiết bị, cơ sở pháp lý, bảo đảm tính đột xuất khách quan… Cần thiết có thể phối hợp bằng những phương thức phù hợp với các lực lượng chức năng khác như công an, quản lý thị trường, thuế. Ngoài kiểm tra thực hiện quy định về chuyên ngành, công tác kiểm tra còn phát hiện những sai phạm liên quan. Sau phát hiện, xác định vi phạm, các lực lượng chức năng, cơ quan có thẩm quyền cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, nhất là đối với những vi phạm nghiêm trọng, như bán thuốc quá hạn sử dụng, không có chứng chỉ hành nghề, chuyên môn, xử lý rác thải nguy hiểm sai quy định, bán thuốc không được phép, giá cao gấp nhiều lần giá nhập, giá trần quy định, trốn lậu thuế… CÙNG với công tác kiểm tra, ngành y tế cần quan tâm tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm xã hội, ý thức chấp hành pháp luật về hành nghề y, dược tư nhân trong nhân dân. Động viên, tổ chức thu nhận thông tin phản ánh của người dân về những sai phạm, vi phạm pháp luật của các cơ sở y, dược ngoài công lập. Nhất là phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, sự hợp tác đã ký kết với ngành y tế trong giám sát, tư vấn về hoạt động của các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân.