Quản lý chất lượng hàng hóa bằng công nghệ số

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật (có hiệu lực từ 1/1/2026) sẽ chuyển từ quản lý hành chính với sản phẩm, hàng hóa sang quản trị rủi ro, tạo nền tảng pháp lý cho môi trường thương mại minh bạch, an toàn.

Kiểm tra xuất xứ nguồn gốc của sản phẩm tại hội chợ hàng OCOP Hải Phòng. (Ảnh KHÁNH AN)
Kiểm tra xuất xứ nguồn gốc của sản phẩm tại hội chợ hàng OCOP Hải Phòng. (Ảnh KHÁNH AN)

Thay vì chia sản phẩm thành nhóm 1, nhóm 2 như trước, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa xác định 3 mức rủi ro: Thấp, trung bình và cao, với các cơ chế giám sát phù hợp cho từng nhóm.

Thí dụ, với hàng hóa rủi ro thấp, doanh nghiệp được quyền tự công bố tiêu chuẩn áp dụng.

Nhóm rủi ro trung bình phải tự đánh giá hoặc chứng nhận thông qua tổ chức được công nhận đánh giá hợp quy.

Nhóm rủi ro cao buộc phải đánh giá bởi tổ chức được chỉ định, nhằm bảo đảm chất lượng và an toàn tuyệt đối.

Ông Hà Minh Hiệp, Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia đánh giá, chuyển đổi mô hình quản lý chất lượng theo rủi ro có ưu tiên giám sát và hậu kiểm thay cho tiền kiểm nhằm tăng hiệu quả, giảm can thiệp hành chính. Cách tiếp cận này đã được nhiều nước ASEAN và quốc tế áp dụng.

Các sản phẩm rủi ro cao bắt buộc phải quản lý rất chặt. Điểm nhấn quan trọng của Luật là yêu cầu bắt buộc truy xuất nguồn gốc đối với toàn bộ hàng hóa thuộc nhóm rủi ro cao.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đặt trọng tâm vào việc ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) nhằm hiện đại hóa công tác quản lý, truy xuất, hậu kiểm và nâng cao hiệu quả thực thi.

Chia sẻ trong cuộc họp tại Bộ Khoa học và Công nghệ vào ngày 7/7, ông Hà Minh Hiệp thông tin: “Lần đầu tiên Luật xác lập khung pháp lý về hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI), là hệ sinh thái bao gồm tiêu chuẩn, đo lường, đánh giá sự phù hợp (bao gồm cả công nhận), kiểm tra và xây dựng chính sách.

Nhà nước sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng chất lượng quốc gia trên nền tảng công nghệ số và AI, bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan kiểm tra chất lượng, hải quan, truy xuất nguồn gốc, phản ánh người tiêu dùng và cảnh báo quốc tế để nâng cao năng lực giám sát và cảnh báo sớm”.

Việt Nam sẽ thiết lập Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, kết nối giữa các bộ, ngành, địa phương, hải quan, các hiệp hội doanh nghiệp và cả người tiêu dùng.

Để có thể kết nối dữ liệu giữa các cơ quan chức năng, tích hợp phản ánh người tiêu dùng, hỗ trợ hậu kiểm và cảnh báo sớm về rủi ro chất lượng, việc xây dựng hệ thống giám sát chất lượng cấp quốc gia cũng được yêu cầu triển khai sớm.

Theo Trung tâm Mã số, mã vạch quốc gia, có 3 loại hình hàng giả hiện nay trên thị trường, đó là giả thương hiệu, giả chất lượng và giả xuất xứ. Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2026, các sản phẩm kinh doanh trên sàn thương mại điện tử bắt buộc công bố chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng.

Để bảo đảm hiệu quả thực thi trong thực tế, bên cạnh hành lang pháp lý, cần có lộ trình cụ thể về đầu tư hạ tầng công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và cơ chế phối hợp liên ngành.

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định nhấn mạnh, Luật sửa đổi một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đánh dấu sự đổi mới toàn diện trong tư duy và phương thức quản lý lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng; trong đó, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa chuyển căn bản từ quản lý hành chính sang quản lý rủi ro, chuyển từ phương thức tiền kiểm sang hậu kiểm dựa trên dữ liệu và công nghệ, đồng thời chuyển từ cơ chế khuyến khích sang ràng buộc trách nhiệm, minh bạch và có chế tài xử lý nghiêm.

Việc triển khai đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp sẽ là chìa khóa để chuyển đổi mô hình quản lý chất lượng từ hành chính sang rủi ro không chỉ là cải cách trên giấy.

Có thể bạn quan tâm

back to top