Những năm gần đây, thị trường TPCN tại nước ta phát triển nhanh chóng. Theo thống kê, năm 2000, cả nước chỉ có 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN với 63 sản phẩm; đến năm 2013 đã có 3.512 cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN với 6.851 sản phẩm, trong đó có 1.333 sản phẩm sản xuất trong nước. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, 64 cơ sở sản xuất, 215 cơ sở kinh doanh TPCN.
Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), chỉ trong tháng 1-2015, đơn vị này đã phát hiện, xử phạt 15 cơ sở vi phạm về quảng cáo TPCN và năm ngày đầu tháng 2, phát hiện tám trường hợp vi phạm về quảng cáo TPCN… Các vi phạm chủ yếu là quảng cáo khi chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung; quảng cáo không đúng với nội dung đã đăng ký; gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh; không phù hợp nội dung đã được cơ quan chức năng xác nhận.
Không ít trường hợp tin vào quảng cáo TPCN được thổi phồng công dụng dẫn tới tiền mất nhưng bệnh không thuyên giảm. Tại hội thảo TPCN dưới góc độ quản lý, sản xuất, tiêu dùng, bảo đảm sức khỏe và kiểm nghiệm do Ủy ban MTTQ Việt Nam vừa tổ chức, một đại biểu đã chia sẻ câu chuyện của cá nhân ông. Một lần xem chương trình truyền hình về sức khỏe do một bác sĩ của một bệnh viện lớn tư vấn điều trị chứng suy nhược thần kinh và bác sĩ đã giới thiệu một sản phẩm TPCN hỗ trợ điều trị căn bệnh này. Tin tưởng vào bác sĩ, vợ chồng ông tìm mua loại TPCN được giới thiệu và uống hơn sáu tháng nhưng vẫn không thấy tác dụng. Qua tìm hiểu, ông mới biết sản phẩm này không được lưu hành ở quốc gia được quảng cáo là nơi nghiên cứu phát minh sản phẩm.
Không ít nhà sản xuất cố tình mập mờ giữa TPCN và thuốc khiến người tiêu dùng bị nhầm lẫn thông qua nhiều hình thức quảng cáo khác nhau. Phó Chi Cục trưởng An toàn Vệ sinh thực phẩm TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho rằng, khó khăn hiện nay là hình thức quảng cáo TPCN rất phức tạp, trong đó có quảng cáo qua website, facebook, tờ rơi… không qua kiểm soát của các cơ quan chức năng, nhiều quảng cáo thổi phồng với tác dụng “trên trời". Trong khi đó, công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý chưa chặt chẽ, việc xét nghiệm xác định các hoạt chất trong TPCN còn hạn chế. Bà Mai cho rằng, Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông cần sớm ban hành thông tư liên tịch về các nội dung quảng cáo TPCN trên các phương tiện truyền thông. Bộ Y tế cần có quy định cụ thể về việc tư vấn sử dụng sản phẩm TPCN của các cơ sở kinh doanh, đại lý phân phối.
Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc, Mỹ phẩm, Thực phẩm TP Hồ Chí Minh Ngô Hoa Lư cho biết, từ năm 2012 đến 2014, trung tâm đã lấy 114 mẫu TPCN để kiểm nghiệm và phát hiện 27 mẫu không đạt. Nhiều sản phẩm ghi rất nhiều hoạt chất nhưng khi kiểm tra chỉ có một vài hoạt chất, có những hoạt chất không được công bố lại có trong sản phẩm.
Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP Hồ Chí Minh Chu Phạm Ngọc Sơn kiến nghị, thành phố nên đầu tư các thiết bị kiểm nghiệm đầy đủ để đánh giá chất lượng, tính an toàn của TPCN. Bên cạnh đó, phải kiên quyết xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chương trình quảng cáo TPCN có sai phạm so với công bố tiêu chuẩn, chất lượng.
Trên thực tế, việc sử dụng TPCN nhằm nâng cao sức khỏe là xu hướng chung của thế giới. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là nhiều người tiêu dùng chưa hiểu đúng về TPCN, coi đây là thuốc chữa bệnh, thậm chí là “thần dược”. Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP Hồ Chí Minh Đỗ Thị Ngọc Diệp lưu ý, người tiêu dùng cần biết TPCN không phải là thuốc, không có chức năng chữa bệnh. TPCN chỉ hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ gây bệnh...