Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đô thị, Hà Nội phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, giao thông quá tải và rác thải đô thị… Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, mỗi năm, thành phố phát thải hàng triệu tấn CO2, chủ yếu từ hơn 8 triệu phương tiện giao thông cá nhân. Chất lượng không khí thường xuyên ở mức báo động, nhất là vào mùa đông và mùa xuân, với chỉ số AQI (một chỉ số báo cáo chất lượng không khí hằng ngày) tại nhiều khu vực vượt ngưỡng an toàn.
Trước thực trạng này, Hà Nội đã ban hành hàng loạt kế hoạch hành động, như Kế hoạch số 149/KH-UBND về tăng trưởng xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 131/ KH-UBND ngày 13/5/2025 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải đến năm 2030. Các chương trình trồng cây xanh, phát triển điện mặt trời áp mái và khuyến khích phương tiện giao thông sạch cũng được đẩy mạnh. Đáng chú ý, Luật Thủ đô năm 2024 được ban hành với những quy định cụ thể về bảo vệ môi trường và phát triển đô thị bền vững. Luật đặt ra mục tiêu tăng cường diện tích không gian xanh, cải thiện chất lượng môi trường sống và bảo vệ đa dạng sinh học.
Với mục tiêu đưa Hà Nội trở thành một trong những hình mẫu của đô thị xanh, thông minh, quy hoạch của thành phố đã chú trọng phát triển đồng bộ không gian xanh, không gian công cộng, không gian ngầm, không gian trên cao và không gian số. Mọi dự án phát triển đều lấy tiêu chí xanh làm nền tảng. Các không gian xanh không chỉ làm gia tăng chất lượng môi trường sống, mà còn giúp gắn kết cộng đồng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, với Hà Nội, chiến lược phát triển đô thị xanh bền vững cần tập trung vào ba trụ cột chính: Phát triển không gian xanh, năng lượng tái tạo và giao thông bền vững.
Tiến sĩ, kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định: “Hà Nội đang chuyển mình từ một đô thị mở rộng bằng bê-tông sang phát triển dựa trên chất lượng không gian sống. Cốt lõi của đô thị bền vững là sinh thái, công bằng và nhân văn”. Các đồ án quy hoạch lớn của Thủ đô đã thể hiện tầm nhìn chiến lược, gắn kết giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Hai đồ án lớn, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, đều thể hiện khát vọng của hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô là hướng tới xây dựng một Hà Nội phát triển bền vững và là hình mẫu đi đầu trong phát triển đô thị xanh, thông minh.
Để hiện thực hóa mục tiêu xanh, Hà Nội đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, thành phố tập trung kiểm soát nguồn phát thải lớn nhất từ các phương tiện giao thông. Tiến sĩ Khuất Việt Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội cho rằng, cần đẩy nhanh chuyển đổi sang xe buýt điện, phát triển tuyến xe buýt nhanh (BRT) và metro; xây dựng các bãi đỗ xe thông minh ngoại ô kết hợp thu phí phương tiện vào nội đô. Cùng với đó, thành phố tăng cường thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo; các tòa nhà hành chính, trường học, bệnh viện được khuyến khích lắp đặt điện mặt trời áp mái; quản lý rác thải cũng là một ưu tiên cấp bách; kế hoạch phân loại rác tại nguồn và giảm rác thải nhựa đang được triển khai tới cộng đồng dân cư.
Tuy nhiên, để trở thành một “thành phố đáng sống” của châu Á, Hà Nội cần sự đồng hành của toàn xã hội, từ chính quyền, doanh nghiệp đến từng người dân. Mục tiêu xanh không thể đạt được nếu thiếu sự tham gia của cộng đồng. Thành phố đã đẩy mạnh truyền thông, nhằm thay đổi hành vi người dân. Các chương trình giáo dục môi trường trong trường học, khuyến khích sử dụng sản phẩm xanh và hạn chế rác thải nhựa được triển khai rộng rãi.
Nhiều doanh nghiệp của Thủ đô đã bắt đầu áp dụng công nghệ sản xuất sạch. Các mô hình kinh tế tuần hoàn, như tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón, được khuyến khích. Theo thống kê từ Sở Công thương Hà Nội, hơn 300 doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tham gia chương trình sản xuất sạch hơn trong năm 2024, giúp giảm 15% lượng phát thải từ hoạt động công nghiệp.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, Hà Nội vẫn đối mặt với không ít thách thức: Dân số hơn 8 triệu người, tốc độ đô thị hóa nhanh và hạ tầng chưa theo kịp đang tạo áp lực lớn lên môi trường; nguồn lực tài chính và nhân lực cũng còn nhiều khó khăn. Để vượt qua những thách thức, ông Trần Ngọc Chính cho rằng, Hà Nội cần kiểm soát chặt chẽ mật độ xây dựng nội đô, mở rộng không gian xanh và hồ điều hòa để tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.
Như vậy, từ quy hoạch đến triển khai các dự án, chương trình, nỗ lực thực hiện lộ trình xanh hóa của chính quyền đô thị cùng với hành động, ý thức của mỗi người dân; sự quan tâm, đầu tư vào đổi mới công nghệ của doanh nghiệp… đã và đang góp phần xây dựng đô thị Hà Nội xanh, phát triển bền vững.