Buổi lễ diễn ra trong không khí hưởng ứng kỷ niệm 115 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 (1910-2025) và 1985 năm Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40-2025).
Dự sự kiện có Tiến sĩ Đặng Thị Bích Liên, nguyên Thứ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch; bà Lê Thị Hồng Vân, Vụ trưởng Vụ ngoại giao văn hóa và UNESCO, Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Phó Giám đốc Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam...
![]() |
Áo dài Việt Nam là trang phục dành cho cả nữ và nam, không phân biệt lứa tuổi, vóc dáng, nghề nghiệp... |
Phát biểu tại sự kiện, bà Đặng Thị Bích Liên nhấn mạnh: "Trong đời sống đương đại, áo dài ngày càng lan tỏa sức sống mãnh liệt không chỉ ở các sự kiện lớn, mà còn trở thành thời trang công sở, tại các trường học, nhà hàng, khách sạn, sân bay...
Không chỉ dừng ở phạm vi trong nước, ngày nay, áo dài còn khẳng định tại các cuộc thi thời trang đẳng cấp thế giới, các đấu trường nhan sắc quốc tế, cuộc thi hoa hậu danh giá, các sự kiện ngoại giao lớn của đất nước, nước ngoài. Áo dài Việt Nam đang kiêu hãnh vai trò cùng kimono Nhật Bản, hanbok của Hàn Quốc, sườn xám của Trung Quốc, góp phần tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam".
Tiến sĩ Đặng Thị Bích Liên đề nghị Ban vận động, Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam tiếp tục phối hợp các cơ quan liên quan triển khai các hoạt động, mục tiêu thời gian tới với quyết tâm cao trong kỷ nguyên mới, góp phần bảo tồn và lan tỏa các giá trị văn hóa của áo dài Việt Nam.
![]() |
Bà Khúc Thị Dậu công bố Quyết định số 196/QĐ-BVHTTDL ngày 23/1/2025 của Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Ban Vận động thành lập Hiệp hội Văn hóa Áo dài Việt Nam. |
Theo đó, Ban vận động gồm 10 thành viên, trong đó bà Khúc Thị Dậu - Trưởng ban; bà Hoàng Thị Ngọc Mai – Phó Trưởng ban; các thành viên: bà Đinh Thị Hậu, bà Nguyễn Thị Sâm, bà Phùng Thị Thu Thủy, bà Hàn Thị Phượng, bà Đỗ Thị Minh Ngọc, ông Lê Quang Tuấn, bà Nguyễn Thị Lan Vy, bà Phan Thị Thu Vân. Ban Vận động có nhiệm vụ vận động công dân, tổ chức đăng ký tham gia Hiệp hội và hoàn chỉnh hồ sơ xin phép thành lập Hiệp hội theo quy định của pháp luật.
Áo dài Việt Nam có lịch sử lâu đời, phản ánh thẩm mỹ và trình độ cao của nhiều sản phẩm nghề thủ công truyền thống, gắn liền các không gian văn hoá đặc sắc của người Việt... Dù chưa có văn bản pháp lý quy định chính thức, áo dài vẫn được coi như quốc phục và được người dân lựa chọn trong nhiều dịp quan trọng lẫn đời sống thường ngày. Áo dài còn là một trong những biểu tượng của văn hóa, con người Việt Nam đối với công chúng quốc tế.