Theo ngôn ngữ của người Thái “Xíp xí” có nghĩa là 14, vì vậy, Tết chỉ tổ chức duy nhất vào ngày 14 tháng 7 âm lịch hằng năm. Đây là dịp bà con dân tộc Thái trắng tổ chức lễ để cùng hướng về tổ tiên và chăm lo cho con trẻ. Trong những ngày này, ngoài việc thầy mo làm lễ cúng tưởng nhớ tổ tiên khai mường, lập bản thì trẻ em trong nhà không phải làm việc, được vui chơi, được mặc tấm áo mới… Do vậy, Tết Xíp xí còn được gọi là Tết Trẻ em. Dịp này, nhà nào càng có đông người càng may mắn, do vậy, người Thái trắng dù xa xôi hay bận bịu đều cố gắng sum họp với gia đình.
Cả ngày, góc bếp nhà nào cũng đỏ lửa, tấp nập, thơm phức. Ngoài các món ăn truyền thống như khẩu cắm (xôi nếp nhuộm mầu), thịt lợn, cải xào, cá nướng… thì có hai món không thể thiếu đó là thịt vịt và bánh ít. Người Thái trắng cúng thịt vịt với ước muốn con vịt ăn hết sâu bọ hại lúa; con vịt sẽ mang đi điều xấu, những điều không may mắn. Còn bánh ít gói theo cặp tượng trưng cho cuộc sống hạnh phúc lứa đôi.
Chiều chiều, khi má của các cô gái, chàng trai đã hây đỏ cũng là lúc mọi người lúng liếng, say sưa theo các điệu múa, điệu nhạc “khắp chúc muôn” (hát chúc mừng), “khắp báo sao” (hát giao duyên) rộn rã khắp núi rừng.
![]() |
Mâm cỗ Tết Xíp xí.
Duyên “bếp”.
Thầy mo làm lễ cúng tổ tiên.
Vui múa hát trong ngày Tết Xíp xí.