Sắc xanh quay lại thị trường hàng hóa thế giới

NDO - Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết lực mua đã quay lại chiếm áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong phiên giao dịch ngày hôm qua (6/5). Đóng cửa, chỉ số MXV-Index phục hồi hơn 1,2% lên mức 2.179 điểm. Đáng chú ý, trên thị trường nguyên liệu công nghiệp, giá cà-phê Arabica có phiên phục hồi nhẹ trong bối cảnh thời tiết diễn biến kém tích cực. Trong khi đó, thị trường kim loại cũng ghi nhận những tín hiệu khởi sắc với 8 trên 10 mặt hàng đồng loạt tăng giá.
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân thu hoạch quả ca-cao tại Yogyakata, Indonesia. (Ảnh THX/TTXVN)
Nông dân thu hoạch quả ca-cao tại Yogyakata, Indonesia. (Ảnh THX/TTXVN)

Giá ca-cao quay về vùng 9.000 USD/tấn

Mặt hàng ca-cao nổi bật trên bảng giá nguyên liệu công nghiệp trong phiên giao dịch hôm qua. Đóng cửa, giá mặt hàng này bật tăng 4,78% lên sát mốc 9.000 USD/tấn, nhờ sự suy yếu của đồng USD đã thúc đẩy hoạt động mua bù thiếu trên thị trường kỳ hạn. Thị trường cũng chịu tác động từ lo ngại về vụ thu hoạch giữa mùa tại Bờ Biển Ngà khi mưa đến muộn làm hạn chế sự phát triển của cây trồng. Theo Rabobank, sản lượng vụ giữa mùa năm nay tại Bờ Biển Ngà dự kiến chỉ đạt 400.000 tấn, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, thị trường cà-phê diễn biến trái chiều giữa hai mặt hàng, trong bối cảnh các yếu tố cung-cầu và thời tiết tiếp tục tác động mạnh đến giá cả.

Chốt phiên, giá cà-phê Arabica hợp đồng tháng 7 tăng 0,41% lên 8.595 USD/tấn, trong khi cà-phê Robusta giảm 0,66% xuống còn 5.256 USD/tấn.

Sắc xanh quay lại thị trường hàng hóa thế giới ảnh 1

Theo Somar Meteorologia, khu vực Minas Gerais - vùng trồng Arabica lớn nhất Brazil chỉ nhận được 1,5mm mưa trong tuần kết thúc ngày 26/4, tương đương 21% mức trung bình lịch sử và thấp hơn dự kiến. Thời tiết khô hạn tại Brazil có thể gây ảnh hưởng đến sản lượng cà-phê tại Brazil trong vụ tới, qua đó thúc đẩy lực mua trên thị trường.

Bên cạnh đó, một yếu tố khác cũng góp phần tác động lên giá cà-phê trong phiên hôm qua đến từ đảo Sumatra (Indonesia). Xuất khẩu cà-phê Robusta trong tháng 3 tại khu vực này đạt hơn 313.720 bao, tăng mạnh 476,8% so với cùng kỳ năm ngoái, nâng tổng xuất khẩu Robusta của đảo trong niên vụ 2024-2025 lên hơn 1,6 triệu bao, tăng 80% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng vừa nâng dự báo sản lượng cà-phê tại Guatemala - nước xuất khẩu Arabica lớn thứ 4 thế giới lên 3,53 triệu bao cho niên vụ 2024-2025, tăng 3,1% so với dự báo trước đó.

Lượng cà-phê Arabica đã qua chế biến ướt được chứng nhận và lưu trữ theo sàn giao dịch New York tính đến ngày 6/5 tiếp tục tăng 6.252 bao loại 60kg, nâng tổng tồn kho mặt hàng này lên mức trên 838.380 bao. Trong đó, 776.750 bao được lưu trữ tại Châu Âu, chiếm tới 92,6% tổng lượng tồn kho, 7,4% trữ tại Mỹ.

Trên thị trường nội địa, giá cà-phê nhân xô tại Tây Nguyên ngày 7/5 giảm nhẹ so với hôm qua, dao động trong khoảng 127.500-128.100 đồng/kg. Cụ thể, tại Lâm Đồng, giá cà-phê hôm nay được thu mua với mức 127.500 đồng/kg. Tại Đắk Lắk và Đắk Nông, giá cà-phê hôm nay ở mức 128.000 đồng/kg. Còn tại tỉnh Gia Lai, giá cà-phê hôm nay ở mức 127.800 đồng/kg.

Giá kim loại đồng loạt tăng

Theo ghi nhận của MXV, thị trường kim loại trải qua phiên giao dịch ngày hôm qua với những diễn biến tích cực khi có tới 8 trên 10 mặt hàng trong nhóm này tăng giá, chủ yếu nhờ nhu cầu trú ẩn gia tăng và lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường.

Chốt phiên, giá bạc bật tăng 2,79% lên 33,38 USD/ounce, trong khi bạch kim đảo chiều phục hồi mạnh 3,26%, đạt 992,1 USD/ounce.

Sắc xanh quay lại thị trường hàng hóa thế giới ảnh 2

Dòng tiền đổ mạnh vào nhóm kim loại quý khi nhu cầu phòng thủ tài sản tăng cao trước bối cảnh bất ổn tài chính toàn cầu. Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), tổng nợ toàn cầu đã tăng thêm khoảng 7.500 tỷ USD chỉ trong quý I, lên mức kỷ lục hơn 324.000 tỷ USD. Trung Quốc, Pháp và Đức là ba quốc gia đóng góp lớn nhất vào đà tăng này. Áp lực nợ toàn cầu tăng vọt làm dấy lên lo ngại về bất ổn tài chính, thúc đẩy nhà đầu tư tìm đến các tài sản an toàn như kim loại quý

Bên cạnh đó, thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 3 tăng lên 140,5 tỷ USD, vượt xa mức 123,2 tỷ USD của tháng trước, chủ yếu do xuất khẩu không tăng trong khi nhập khẩu tăng mạnh lên 419 tỷ USD. Diễn biến này phản ánh nhu cầu nội địa Mỹ vẫn cao nhưng động lực xuất khẩu suy yếu, làm gia tăng lo ngại về triển vọng kinh tế và tạo thêm động lực cho dòng tiền trú ẩn vào kim loại quý.

Ở nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX tăng 1,68% lên 10.533 USD/tấn, trong bối cảnh nguy cơ thiếu hụt nguồn cung cục bộ tại Mỹ khi các doanh nghiệp Canada - đối tác cung ứng đồng lớn thứ hai của Mỹ bắt đầu rút khỏi thị trường này để tìm kiếm cơ hội ở khu vực khác. Xu hướng này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ thu hẹp nguồn cung đồng tại Mỹ trong bối cảnh năng lực sản xuất nội địa chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Giá quặng sắt cũng tăng 0,98% lên 97,51 USD/tấn, nhờ tín hiệu tiêu thụ tích cực tại Trung Quốc. Theo Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA), tính đến ngày 30/4, tổng tồn kho của 5 mặt hàng thép thành phẩm chính tại 21 thành phố lớn đạt 8,85 triệu tấn, giảm 4,6% so với ngày 20/4. Đáng chú ý, tồn kho thép dây cuộn và thép cây - hai mặt hàng phản ánh sát nhu cầu xây dựng lần lượt giảm mạnh 7,5% và 5,5%, cho thấy lực tiêu thụ thực tế đang có dấu hiệu cải thiện rõ rệt.