Tháng tư, trời A Lưới xanh biếc, gió nhẹ nhàng quấn lấy bước chân chúng tôi khi trở lại xã Hồng Bắc, nơi đồi A Biah sừng sững. Những con đường đất đỏ gập ghềnh ngày nào giờ nhường chỗ cho những con đường bê-tông phẳng phiu, dẫn lối về những bản làng trù phú. Đồi A Biah không chỉ hồi sinh từ quá khứ, mà còn vươn mình kiên cường, trở thành biểu tượng bất khuất của miền biên cương A Lưới, nơi mỗi viên đá, mỗi ngọn cỏ đều là chứng nhân của những câu chuyện về sự kiên nhẫn, lòng dũng cảm của quân, dân Việt Nam.
A Biah - “Đồi thịt băm”
Mặc cho thời gian có thay đổi diện mạo của A Biah, nơi đây vẫn luôn in sâu trong ký ức những người từng sống qua những tháng ngày hào hùng. Dù không còn tiếng bom, tiếng đạn, nhưng đứng giữa đồi cao, gió lồng lộng, dường như vẫn có thể nghe thấy những bước chân rầm rập của các chiến sĩ năm xưa. Một phần lịch sử dù đau thương nhưng vĩ đại vẫn hiện hữu, nhắc nhở rằng, cuộc sống thanh bình hôm nay chúng ta có được là nhờ sự hy sinh anh dũng của những thế hệ đi trước.
A Lưới - vùng biên viễn phía tây thành phố Huế, một thời là chảo lửa chiến tranh. Nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyết mạch, nơi đây trở thành mục tiêu tấn công liên tiếp của kẻ thù nhằm ngăn chặn con đường chi viện từ bắc vào nam. Địch đã dốc toàn lực đánh phá, hòng chặn đứng những đoàn quân, những chuyến hàng băng rừng vượt suối tiến về chiến trường.
Trận đánh ác liệt nhất diễn ra ngay trên đồi A Biah - cao điểm 937. Mười ngày đêm khói lửa, từ ngày 10 đến ngày 20/5/1969, quân Giải phóng miền nam Việt Nam và lực lượng dân quân, du kích các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy, Vân Kiều đã kiên cường đối đầu với Sư đoàn dù 101 tinh nhuệ của Mỹ. Sau những trận giáp lá cà, giành giật từng tấc đất, quân ta đã giành chiến thắng. Người Mỹ đã gọi nơi đây bằng cái tên ám ảnh: “Hamburger Hill” - “Đồi Thịt Băm”. Một bộ phim tài liệu về trận đánh này đã tái hiện phần nào sự khốc liệt, nhưng có lẽ vẫn không diễn tả hết sự hy sinh, tinh thần chiến đấu kiên cường của các chiến sĩ trên đỉnh A Biah năm ấy.
Chúng tôi bước vào nhà trưng bày chứng tích dưới chân đồi A Biah. Giữa không gian tĩnh lặng, các hiện vật cũ kỹ vẫn kể lại câu chuyện xưa: những mảnh vỡ máy bay, vỏ đạn hoen gỉ, những bức ảnh đã ố mầu. Mỗi vật dụng dường như mang một phần ký ức về chiến tranh, về nỗi đau và sự hy sinh. Điều khiến chúng tôi xúc động nhất chính là câu chuyện về sự đoàn kết của quân dân A Lưới. Trong những ngày tháng cam go, không chỉ có súng đạn làm nên chiến thắng, mà còn có những bàn tay lặng lẽ vác từng gùi đạn, mang từng nắm cơm qua suối tiếp tế cho các chiến sĩ, những đôi chân rắn rỏi băng rừng đưa thương binh ra hậu cứ. Những con người bình dị ấy đã khắc tên mình vào trang sử vàng của dân tộc.
Chúng tôi gặp ông Hoàng Xuân Tình (86 tuổi), nguyên Xã đội trưởng xã Hồng Bắc, người từng chỉ huy du kích trong trận chiến A Biah. Vừa nhen bếp lửa trong căn nhà sàn, ông kể cho chúng tôi nghe về những trận đánh ác liệt năm xưa.
Dù tuổi đã cao, đôi mắt ông vẫn ngời sáng khi nhắc đến chiến thắng A Biah và những đồng đội đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. “Chúng tôi chiến đấu không chỉ vì quê hương này, mà vì đất nước, vì tương lai của thế hệ sau”, ông chia sẻ, giọng nghẹn lại khi nhớ về những đồng đội đã ngã xuống.
Một trong những câu chuyện ông tự hào nhất là việc du kích xã Hồng Bắc đã giúp bộ đội vận chuyển vũ khí và lương thực qua những con đường hiểm trở. “Dù điều kiện rất khó khăn, nhưng những người du kích luôn bảo đảm mọi vật tư, quân trang, lương thực đến tay bộ đội đúng hẹn, để mọi hoạt động chiến đấu diễn ra suôn sẻ”, ông kể lại.
Những gian khổ khi đối mặt với sự tấn công dồn dập của kẻ thù không thể làm nhụt chí người dân nơi đây. “Mỗi bước chân đi là một cuộc đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù. Chúng tôi hiểu rằng, dù gian khổ đến đâu, chiến thắng sẽ đến với dân tộc anh hùng, không bao giờ chịu khuất phục trước mọi kẻ thù...”.
Cuộc sống hồi sinh
Chiến tranh đi qua, A Lưới từng có lúc chỉ còn lại những vết thương. Những cánh rừng xơ xác vì chất độc hóa học, những thửa ruộng bom đạn cày xới, những ngôi làng hoang vắng sau ngày hòa bình lập lại. Nhưng trên vùng đất đau thương ấy, sự kiên cường của con người đã thắp lên trên mảnh đất này diện mạo mới. Từ gian khó, A Lưới từng bước hồi sinh, trở thành một miền đất đầy sức sống.
Ông Tình, người con của vùng đất này đầy tự hào khi nhắc đến sự đổi thay của quê hương. Những con đường bê-tông rộng rãi, những ngôi nhà mới vững chãi, những vườn cây trĩu quả dưới chân đồi A Biah… Tất cả như minh chứng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của người dân nơi đây.
Dù tuổi đã cao, ông vẫn mong con cháu tiếp nối truyền thống, không chỉ phát triển kinh tế mà còn giữ gìn những giá trị lịch sử thiêng liêng của mảnh đất anh hùng.
Cựu chiến binh Lê Minh Rói (xã Hồng Bắc) cũng chung niềm tự hào ấy. Ông sinh ra trong một gia đình cách mạng, có cha là cụ Võ Át từng là Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến miền tây Thừa Thiên trong những năm tháng chống Mỹ. Hòa bình, gia đình ông trở về sinh sống dưới chân đồi A Biah. Những câu chuyện về trận đánh năm xưa không chỉ là ký ức, mà còn trở thành động lực để ông cùng bà con dựng xây quê hương.
“Đây là mảnh đất thấm máu bao anh hùng liệt sĩ. Tôi luôn nhắc nhở con cháu về những hy sinh ấy và mong chúng sẽ giữ gìn, phát huy truyền thống mà thế hệ đi trước để lại”, ông Lê Minh Rói xúc động chia sẻ. Không chỉ nói, ông gương mẫu đi đầu. Ông hướng dẫn bà con phát triển kinh tế, trồng cây ăn trái, chăn nuôi, mở rộng mô hình sản xuất.
Với ông, dựng xây cuộc sống ấm no chính là cách thiết thực nhất để tiếp nối tinh thần cách mạng, để A Lưới không chỉ kiên cường trong chiến tranh mà còn vững mạnh trong thời bình.
Thế hệ trẻ ở A Lưới cũng đang tiếp nối truyền thống bằng cách riêng của mình. Chị Pêke Chưng, bác sĩ, Trưởng trạm Y tế xã Hồng Bắc là một trong những tấm gương tiêu biểu. Hết lòng tận tâm với nghề y, chị còn học hỏi và ứng dụng các mô hình nông nghiệp bền vững, giúp bà con trong vùng phát triển kinh tế. Với chị, làm kinh tế không chỉ để lo cho gia đình, mà còn là cách đóng góp vào sự phát triển chung của quê hương.
Nhờ những người như ông Rói, chị Pêke Chưng và bao người con A Lưới khác, vùng đất này đang thay da đổi thịt từng ngày. Bí thư Huyện đoàn A Lưới Trần Toàn khẳng định: “Chúng tôi tự hào được tiếp bước cha ông, đặc biệt là những người đã chiến đấu và hy sinh trên đồi A Biah năm xưa. Chúng tôi cố gắng giữ gìn truyền thống, truyền lửa cho thế hệ trẻ, để mỗi đoàn viên, thanh niên đều mang trong mình niềm tự hào về mảnh đất đã đổi bao xương máu để có được hòa bình hôm nay”.
Sự phát triển của A Lưới không chỉ đến từ những nỗ lực của người dân, mà còn là kết quả của sự quan tâm, đầu tư từ chính quyền địa phương. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Chúng tôi không ngừng đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển du lịch sinh thái, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông sản sạch… Những dự án này đã mở ra cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân”.
Nhờ sự chung sức, đồng lòng ấy, A Lưới đã chính thức thoát khỏi danh sách huyện nghèo quốc gia vào tháng 7/2024, một cột mốc đáng nhớ sau gần 50 năm giải phóng.
Nửa thế kỷ sau chiến tranh, A Lưới đã khoác lên mình diện mạo mới, đầy sức sống. Một ngày không xa, đồi A Biah và vùng đất này sẽ là điểm đến du lịch hấp dẫn, trở thành nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, nhắc nhở về sự hy sinh, về sức mạnh, niềm tự hào dân tộc.