Sản xuất nông sản sạch, thân thiện môi trường

Thời gian qua, các mô hình trồng chanh không hạt đạt chuẩn VietGAP gắn với bao tiêu sản phẩm tại xã Huyền Hội, huyện Càng Long; chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, xã Phước Hảo, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, đạt hiệu quả cao cả ba tiêu chí kinh tế, xã hội, môi trường.
0:00 / 0:00
0:00
Trồng lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh, mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường của huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.
Trồng lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh, mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường của huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.

Gắn kết hợp tác xã, nông dân, doanh nghiệp

Thực hiện Nghị quyết số 08- NQ/TU ngày 23/1/2017 của Tỉnh ủy Trà Vinh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030, các địa phương trong tỉnh đẩy nhanh việc ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, gắn với chuỗi liên kết giá trị, cải thiện sinh kế cho người dân. Ông Phan Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thành Chí cho biết, hợp tác xã được thành lập vào tháng 10/2022, có 10 thành viên đều là hội viên hội nông dân, vốn điều lệ 500 triệu đồng, với diện tích ban đầu là 3,6 ha trồng chanh không hạt, chủ yếu trồng tại xã Huyền Hội, huyện Càng Long. Sau hơn hai năm hoạt động, hợp tác xã mở rộng diện tích trồng chanh không hạt được 147 ha, kết nạp thêm 102 thành viên liên kết, là hội viên nông dân trên địa bàn các huyện: Càng Long, Tiểu Cần, Châu Thành, Cầu Ngang, Trà Cú. Hiện nay, vùng nguyên liệu chanh của hợp tác xã đang cho trái và thu hoạch ổn định 24 ha, có 53 ha cho thu hoạch lứa trái đầu, diện tích còn lại mới trồng, chưa ra bông, cho trái.

Hằng tháng, Hợp tác xã nông nghiệp Thành Chí thu gom khoảng 20 tấn chanh không hạt từ các thành viên liên kết để cung ứng cho Công ty The Fruit Republic, tại Cần Thơ xuất khẩu trực tiếp sang thị trường châu Âu. Hợp tác xã đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương, nông dân trong tỉnh để xây dựng vùng nguyên liệu chanh không hạt, phấn đấu đến năm 2030, đạt diện tích 400 ha, đăng ký mã số vùng trồng, xuất khẩu nông sản sang thị trường châu Âu, Trung Đông, Niu-di-lân, Hàn Quốc.

Hướng đến mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành đã thành lập Chi hội nghề nghiệp chanh không hạt, thu hút 29 hội viên. Theo đó, các hội viên liên kết với Hợp tác xã nông nghiệp Thành Chí trồng 20 ha chanh không hạt, gắn với hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Anh Lưu Văn Tài (xã Lương Hòa A) chia sẻ, nhờ có hợp đồng bao tiêu đầu ra sản phẩm nông sản, năm 2022, gia đình anh đã chuyển 0,5 ha đất lúa sang trồng chanh không hạt. Sau hơn hai năm trồng, vườn chanh cho thu hoạch hơn 1,5 tấn/tháng. Gia đình đã có lợi nhuận hơn 150 triệu đồng/năm, từ trồng chanh không hạt cung ứng cho thị trường xuất khẩu.

Nhờ áp dụng nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, từ khâu chọn giống, xử lý bông, làm trái, phòng trị dịch bệnh theo chỉ dẫn của kỹ thuật viên Công ty The Fruit Republic, vườn chanh 1,3 ha của gia đình ông Lâm Văn Quốc, ấp Giồng Mới, xã Huyền Hội, thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Thành Chí, đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu.

Trồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp

Triển khai Đề án 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chọn 7 hợp tác xã nông nghiệp điển hình tham gia mô hình thí điểm tại các tỉnh: Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Tháp, thành phố Cần Thơ.

Hợp tác xã nông nghiệp Phước Hảo, xã Phước Hảo (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh), được chọn thực hiện mô hình thí điểm của đề án. Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Phước Hảo Phùng Duy Truyền cho biết, 46 thành viên hợp tác xã tham gia thực hiện mô hình thí điểm với diện tích 50 ha, có 46 hộ tham gia. Nhiều năm qua, hợp tác xã đã đầu tư hệ thống thiết bị phục vụ sản xuất tương đối đầy đủ, gồm lò sấy lúa, máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân, máy xay xát gạo, máy sạ hàng theo cụm. Hợp tác xã hiện có 330 thành viên; trong đó, 60 thành viên chính thức, 270 thành viên liên kết, với diện tích sản xuất lúa 560 ha. Mô hình thí điểm canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp của Hợp tác xã nông nghiệp Phước Hảo áp dụng phương thức sạ thưa, sử dụng máy sạ hàng, gieo sạ lúa theo cụm, với lượng giống sử dụng từ 60 đến 70 kg/ha, giảm sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm nước tưới. Giống lúa được các thành viên sử dụng là ST 24, thuộc nhóm lúa chất lượng cao, có thời gian sinh trưởng trung bình khoảng 105 ngày. Kết quả, năng suất lúa cao hơn khoảng 0,5 tấn/ha, chi phí sản xuất giảm từ 10 đến 15% so với mô hình đối chứng, giúp nông dân tăng lợi nhuận từ 6 đến 9 triệu đồng/ha/vụ lúa.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Hoàng Văn Hồng cho rằng, các mô hình thí điểm canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đã có sự thay đổi tích cực trong kỹ thuật sản xuất như: giảm lượng giống gieo sạ, tưới ngập khô xen kẽ, cơ giới hóa đồng bộ, rơm rạ được tái sử dụng làm phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi, góp phần hình thành hệ sinh thái nông nghiệp xanh, sạch. Theo Kế hoạch số 54/KH-UBND ngày 7/6/2024 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh về việc tham gia thực hiện đề án, cụ thể năm 2025 diện tích đăng ký là 10.550 ha và đến năm 2030 là 30.736 ha. Chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng quy trình sản xuất bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo, nâng cao thu nhập và đời sống người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tiến sĩ, Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Trà Vinh cho hay: Trước sức ép ngày càng lớn về tài nguyên, môi trường, nhu cầu thị trường, các mô hình liên kết sản xuất nông sản sạch đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về kỹ thuật canh tác và khâu tổ chức sản xuất. Vì thế, ngành nông nghiệp tích cực tuyên truyền, vận động các địa phương, nông dân trong tỉnh nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất nông sản sạch, thân thiện với môi trường, góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân