Trên công trường thi công tuyến đường bộ cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang giai đoạn 1, đoạn qua tỉnh Tuyên Quang, không khí lao động hối hả ngay từ trước, trong và sau Tết Nguyên đán để bảo đảm tiến độ công trình. Các đơn vị thi công nêu cao tinh thần trách nhiệm, tranh thủ thời tiết thuận lợi, huy động máy móc, nhân công để thi công các hạng mục xuyên Tết.
Dự án đường cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang giai đoạn 1 có chiều dài 104,5 km, đoạn qua địa phận tỉnh Tuyên Quang dài 77 km, tổng mức đầu tư 6.800 tỷ đồng. Ðến nay, các nhà thầu đã triển khai 90 mũi thi công; tổng số lượng máy móc thiết bị trên tuyến là 660 thiết bị, thực hiện thi công ba ca, bốn kíp; các địa phương đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công hơn 64 km, đạt hơn 92%; tổng sản lượng giải ngân đạt 1.234,6/4.789,7 tỷ đồng, đạt gần 26%...
Ông Nguyễn Ðức Thanh, Công ty cổ phần Tập đoàn Ðèo Cả cho biết: Ðể cán bộ yên tâm làm việc xuyên Tết thì đơn vị đã bố trí cho anh em ăn Tết tại chỗ, chuẩn bị cành đào, bánh chưng, giò và các thực phẩm khác. Ðiều này giúp công trường vui tươi hơn và có không gian đón Tết cho mọi người cảm thấy phần nào cảm giác được ăn Tết ở quê nhà. Nhờ đó, mỗi công nhân đều nỗ lực hằng ngày, hằng giờ để công trình bảo đảm tiến độ theo đúng kế hoạch đề ra.
Có mặt tại Khu công nghiệp Long Bình An, thành phố Tuyên Quang, công nhân của các nhà máy, doanh nghiệp đã trở lại làm việc đầy đủ để sớm hoàn thiện các đơn hàng đầu năm 2025.
Theo Phó Giám đốc Công ty TNHH Sao Việt Tuyên Quang Cao Thị Cẩm Tú, hiện nay, toàn bộ công nhân Nhà máy gỗ ván ép của công ty đã quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Mặc dù năm 2024, tình hình sản xuất, kinh doanh gặp không ít khó khăn, nhưng công ty vẫn luôn bảo đảm các chế độ cho người lao động và nộp ngân sách nhà nước hơn 14,8 tỷ đồng. Cùng với đó, công ty luôn quan tâm, tạo sự gần gũi, gắn kết với người lao động, giúp môi trường làm việc hài hòa, hiệu quả.
"Ngoài ra nhà máy thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách, chi trả lương, thưởng Tết để người lao động yên tâm gắn bó lâu dài với đơn vị. Không khí và tiến độ sản xuất những ngày đầu xuân tại các phân xưởng của nhà máy rất nhộn nhịp, ai nấy đều phấn khởi, tích cực làm việc, để hoàn thành những đơn hàng cũ và các đơn hàng mới của năm 2025 cho các đối tác", bà Tú cho biết.
Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh Tuyên Quang có kế hoạch gieo cấy hơn 18.000 ha lúa. Ngay sau Tết, tranh thủ thời tiết nắng ấm, nông dân đã hối hả ra đồng làm đất, cấy lúa, mong một vụ mùa mới bội thu. Tại cánh đồng thôn Sài Lĩnh, xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương, không khí sản xuất vui như hội.
Bà Âu Thị Mỳ cho biết: "Tranh thủ hồ thủy điện xả nước, thủy nông viên điều tiết nước về, tôi và nhiều hộ dân có diện tích đất canh tác khẩn trương xuống đồng bắt tay vào làm đất, để gieo cấy lúa xuân. Cũng theo bà Mỳ và nhiều nông dân trong xã Quyết Thắng, ngay từ đầu vụ, thời tiết đã bất lợi, trời không có mưa, nguồn nước trông hoàn toàn vào việc xả nước của hồ thủy điện, bơm điều tiết của ban quản lý cho nên người dân phải tranh thủ tối đa thời gian gieo cấy. Nước về đến đâu, người dân làm đất ngay tới đó để có thể gieo cấy lúa xuân trong khung thời vụ tốt nhất".
Chủ tịch UBND xã Thái Bình (huyện Yên Sơn) Nguyễn Mạnh Dũng, cho biết: Toàn xã hiện có hơn 100 ha lúa, đến thời điểm hiện tại, người dân đang dẫn nước về các cánh đồng để phục vụ cấy lúa vụ xuân. Mặc dù bão số 3 tàn phá nhiều diện tích lúa, ao cá, gây thiệt hại khá lớn, song, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và được các cấp giúp cây giống, con giống tổng trị giá hơn một tỷ đồng cho nên người dân yên tâm sản xuất.
Không khí lao động sản xuất hăng say ngay từ những ngày đầu năm với phương châm "Không để đầu năm thong thả, cuối năm vất vả" là tiền đề, niềm hy vọng cho một năm mới sản xuất, kinh doanh với nhiều thành công và thắng lợi mới.