Sông Ô Môn-dòng chảy văn hóa

Ô Môn - dòng sông quen thuộc với người dân thành phố Cần Thơ. Sông bắt nguồn từ huyện Thới Lai, các dòng kênh Đứng, kênh Xáng Ô Môn và kênh Xẻo Sào hợp lại tạo thành dòng chảy qua quận Ô Môn trước khi hòa vào sông Hậu. Không chỉ là tuyến sông chính mang lại nguồn thủy sản dồi dào, dòng Ô Môn còn là niềm tự hào của người dân nơi đây bởi vùng đất ven hai bờ là nơi sinh ra của nhiều nhạc sĩ tên tuổi.
0:00 / 0:00
0:00
Một khúc sông Ô Môn.
Một khúc sông Ô Môn.

Sông Ô Môn đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông thủy của thành phố Cần Thơ. Lưu lượng tàu, thuyền qua lại khá đông đúc. Dọc hai bên bờ sông là khu dân cư, chợ búa sầm uất xen lẫn các công trình tín ngưỡng uy nghi. Tiêu biểu là chùa Pôthi Somrôn, ngôi chùa Khmer cổ nổi tiếng được xây dựng từ năm 1735. Sau này, hòa thượng trụ trì giai đoạn 1950-1988 đã đi sang thủ đô Phnom Penh (Campuchia) thỉnh bản thiết kế mới từ các kiến trúc sư. Chùa được trùng tu theo kiến trúc truyền thống, khởi công vào tháng 6/1950, đến năm 1952 thì hoàn tất. Tên gọi chùa xuất phát từ việc khuôn viên trồng nhiều cây Somrôn. Đáng chú ý là tháp cốt có tuổi đời hơn 200 năm mà rất ít chùa Khmer khác có được. Tháp cốt ngay trước chánh điện, được xây dựng bằng ô dước, đá ong, gạch thẻ. Bên trong là hài cốt của nhiều Phật tử đã được gìn giữ qua nhiều đời.

Chùa có nhiều cổ vật như cánh én bằng gỗ chế tác năm 1856 chạm trổ các câu chuyện về Đức Phật Thích Ca Mâu Ni; hơn 100 bộ kinh Satra (sách lá), 17 tượng gỗ gần 200 tuổi, bức tượng Đức Phật ở Trung tâm Chính điện được tạc vào năm 1885… Chùa được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố năm 2006, là địa điểm tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Khmer tại nhiều địa phương thuộc Đồng bằng sông Cửu Long. Chùa cũng là nơi khởi nguồn nhiều hoạt động văn hóa xã hội do Mặt trận Tổ quốc, Thành hội Phật giáo và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động.

Người dân ở đây tự hào về bốn nhạc sĩ nổi tiếng sinh ra ở vùng đất ven sông Ô Môn. Các nhạc sĩ đó là: Lưu Hữu Phước, Trần Kiết Tường, Đắc Nhẫn và Triều Dâng. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã được trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhất (năm 1987), Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1 (năm 1996). Ông sinh ngày 12/9/1921 tại quận Ô Môn, được biết đến với các ca khúc “Non sông gấm vóc”, “Bạch Đằng Giang”, “Hát Giang trường hận” (sau đổi tên là “Hồn tử sĩ”)…

Còn nhạc sĩ Trần Kiết Tường (sinh năm 1924), nổi tiếng với các ca khúc “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người”, “Anh Ba Hưng”, “Chiến sĩ vô danh”, “Áo bà ba”... Các tác phẩm của nhạc sĩ Trần Kiết Tường đậm đà bản sắc dân tộc. Nhạc sĩ Đắc Nhẫn (sinh năm 1923), ông để lại các sáng tác “Việt Nam ngàn dặm”, “Nhắn về Thành”… và nhiều bản nhạc cho cải lương. Ông đóng góp cho âm nhạc Nam Bộ qua nhiều công trình nghiên cứu, dịch thuật âm nhạc nước ngoài và cải lương. Nhạc sĩ Triều Dâng nổi tiếng qua những bài hát về thanh niên Việt Nam, nhất là ca khúc “Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ”.

Dòng sông Ô Môn với những chuyến ghe thuyền và tiếng hò đã truyền cảm hứng cho ông ngay từ thuở thiếu thời. Những giọng hò trên sông Ô Môn chính là nguồn cảm hứng để những nhạc sĩ có được ca khúc thiết tha, sâu lắng, đi vào lòng bao thế hệ người nghe.

Tại một quán nước ven sông, người chủ thường mở bài hát: “Nắng chiều tỏa xuống sông Ô Môn quê em/ Làng xóm vui đầm ấm/ Lòng em bao thầm nhớ/ Hỡi dòng sông mang mối tình dùm ta tới người thương…”. Người chủ quán cười bảo tôi: “Bài hát “Chiều trên sông Ô Môn” của nhạc sĩ Triều Dâng đó chú!”. Rồi ông đưa mắt nhìn về dòng sông đang thao thiết chảy ngoài kia dòng Ô Môn đã nuôi dưỡng cả về vật chất và tinh thần cho người dân hai bên bờ.