Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đồng Nai xác định, phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo phúc lợi xã hội cho các đối tượng yếu thế, tạo điều kiện cho mọi người dân dễ dàng tiếp cận các cơ hội phát triển và thụ hưởng tốt nhất thành quả của công cuộc đổi mới.
LO CHO NGƯỜI DÂN CÓ CHỖ Ở
Trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nơi có làng đồng bào Chơ Ro, ấp Lý Lịch, luôn bám làng, bám rừng, bám căn cứ Chiến khu Đ, cùng Bộ đội Cụ Hồ kháng chiến cho đến ngày thống nhất đất nước, đầu tháng 4, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã chính thức phát động lễ khởi công xây dựng 265 căn nhà tặng người có công, người nghèo, người yếu thế trong toàn tỉnh. Theo đó, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ 80 triệu đồng; gia đình có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ, kinh phí hỗ trợ 120 triệu đồng. Số nhà này nằm trong đợt cao điểm thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, được tăng tốc thi công đồng loạt, kịp thời bàn giao cho người dân đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước. Chị Thái Ngọc Giàu, một trong những hộ dân được hỗ trợ xây tặng nhà ở đợt đầu tiên tại huyện Vĩnh Cửu bày tỏ: “Tôi rất cảm ơn chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho gia đình có căn nhà mơ ước, để chúng tôi có động lực đi làm, nuôi dạy con cái trưởng thành”. Đồng chí Võ Tấn Đức, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai yêu cầu tập trung triển khai xây dựng nhà bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng công trình và hoàn tất trước ngày 30/4. Đồng thời, đồng chí kêu gọi cộng đồng xã hội tiếp tục chung tay góp sức cơ bản xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh để người nghèo có mái ấm khang trang, an toàn, hạnh phúc hơn; từ đó, yên tâm “an cư lạc nghiệp”.
Chỉ tính từ năm 2021 đến năm 2024, đã có 1.085 căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết được xây mới và sửa chữa trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Cao Văn Quang cho biết: Cả hệ thống chính trị đang đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tăng cường chăm lo các gia đình chính sách có mức sống bằng mức trung bình cao của dân cư cùng khu vực, kiến thiết chỗ ở ổn định lâu dài cho người dân, hướng tới xóa dứt điểm nhà tạm, nhà dột nát, không còn người có công phải ở nhà tạm. Quá trình thực hiện, tỉnh đặt mục tiêu không bỏ sót trường hợp nào cần trợ giúp theo quy định.
LÀM GIÀU ĐỜI SỐNG VẬT CHẤT, TINH THẦN
Nửa thế kỷ sau đại thắng mùa Xuân 1975, địa danh Xuân Lộc được biết đến là “cánh cửa thép” của địch, chằng chịt hố bom, xác pháo năm nào, vùng đất vinh dự hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng giờ đây gặt hái nhiều hoa thơm, trái ngọt, trỗi dậy ngoạn mục thành hình mẫu mang lại sự hài lòng cho người dân. Anh Văn Thành Toàn, chủ mô hình “Nông trại trái cây” ở xã vùng sâu Xuân Bắc chia sẻ: “ Xuất phát từ ý tưởng tạo dựng không gian khác biệt cho trẻ em trải nghiệm thực tế từ hơn 10 năm trước, được tiếp thêm sức bật từ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông trại đã thu hút nhiều du khách đến tham quan, đã có công ty du lịch hợp tác đầu tư thành điểm đến. Để tạo “sức mạnh” cho mình đi tiếp, hiện giờ chủ trương, chính sách của Nhà nước định hướng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới là cơ sở, động lực cho điểm du lịch cũng như địa phương phát triển mô hình du lịch sinh thái vườn”. Dám nghĩ, dám làm, anh Toàn là điển hình nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền. Với vai trò là Tổ trưởng Tổ Hợp tác du lịch sinh thái vườn xã Xuân Bắc, anh chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp theo liên kết chuỗi, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi sang sản xuất an toàn.
Nguyên nhân cốt lõi tạo nên bước ngoặt giúp thay đổi hoàn toàn diện mạo Xuân Lộc, hình thành dáng dấp của những đô thị trong tương lai, xuất phát từ mục tiêu cao cả cũng là đích đến cuối cùng của chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đó là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Từ xuất phát điểm thu nhập bình quân khoảng 50 triệu đồng/người/ năm, đã tăng lên gấp hai lần trong vòng 10 năm qua, hiện tại đạt xấp xỉ 100 triệu đồng/người/ năm. Đời sống tinh thần của người dân cũng nâng lên rõ rệt, với các thiết chế văn hóa trang bị tới từng ấp, khu phố, gắn với nhiều hoạt động văn hóa, thể dục thể thao được duy trì thường xuyên, liên tục. Xuân Lộc giữ vững vị thế lá cờ đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới: Là huyện đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2014; là một trong ba địa phương đầu tiên của cả nước đạt huyện nông thôn mới nâng cao năm 2023; và gần đây nhất là một trong những địa phương đi đầu cả nước cấp huyện về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Mắt ánh lên niềm tự hào, ông Nguyễn Mạnh Khởi, có hơn 30 năm gắn bó sinh sống tại thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc, cho rằng: “Phải có kế hoạch, có đầu tư, có chăm chỉ, có đoàn kết, thống nhất thì mới đạt được danh hiệu như vậy. Kết quả càng cao, thì nhân dân càng phấn khởi. Đảng bộ, chính quyền huyện Xuân Lộc rất nhanh nhạy, động viên tinh thần nhân dân vươn lên xây dựng cuộc sống mới”. Còn theo Bí thư Huyện ủy Lê Kim Bằng, đó là minh chứng sinh động khẳng định, ý nghĩa Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã thật sự thấm sâu, lan tỏa vào máu thịt của cán bộ, đảng viên và từng người dân Xuân Lộc. Nhấn mạnh bài học làm nên kỳ tích, đem lại cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc cho các tầng lớp nhân dân, đồng chí Lê Kim Bằng đúc kết: “Truyền thống đoàn kết từ rất nhiều các thế hệ trong hệ thống chính trị và toàn dân là sức mạnh nội sinh giúp cho Xuân Lộc vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Vốn dĩ người dân Xuân Lộc luôn chịu khó học hỏi, tiếp thu những thành tựu mới của khoa học-kỹ thuật, công nghệ để ứng dụng vào sản xuất ở tất cả các khâu mà năng suất, chất lượng luôn đạt được ở mức cao nhất”.
Cán bộ, đảng viên, nhân dân Đồng Nai luôn tâm niệm những việc làm, thành quả ngày hôm nay có được là món quà quý giá đền đáp sự hy sinh vô cùng to lớn của biết bao cán bộ, chiến sĩ trên mảnh đất “miền đông gian lao mà anh dũng” năm xưa. Nhờ hành động quyết liệt đưa hàng loạt nghị quyết nhân văn mà Tỉnh ủy Đồng Nai ban hành đi vào cuộc sống một cách thực chất, đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,1%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 91,5%; thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 148,9 triệu đồng, phấn đấu nâng lên 158,7 triệu đồng/ người vào cuối năm 2025.