Luật thúc đẩy kinh tế tư nhân vừa được Nhân đại toàn quốc Trung Quốc (Quốc hội) thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 20/5/2025. Đây là bộ luật đầu tiên về phát triển kinh tế tư nhân của Trung Quốc, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước Trung Quốc trong việc khuyến khích, ủng hộ và định hướng kinh tế tư nhân phát triển chất lượng cao.
Từ “thành phần bổ sung” đến “lực lượng quan trọng”
Sự phát triển của kinh tế tư nhân gắn với quá trình mở cửa, cải cách của Trung Quốc. Trong mấy chục năm qua, Đảng và Nhà nước Trung Quốc luôn nhất quán triển khai, thực hiện và cập nhật, bổ sung đường lối, chính sách về kinh tế tư nhân, từ nhận thức về vai trò, vị thế của kinh tế tư nhân trong sự nghiệp mở cửa, cải cách và xây dựng hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, đến phương châm, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.
Kể từ năm 1978 đến nay, mỗi giai đoạn, mỗi bước phát triển kinh tế tư nhân đều được định hướng bởi sự đột phá về quan điểm chỉ đạo và sáng tạo trong thực tiễn. Kinh tế tư nhân ban đầu được xác định là “thành phần bổ sung cần thiết”, tiếp đến là “thành phần bổ sung quan trọng” và sau đó được công nhận là “lực lượng quan trọng”. Kinh tế tư nhân luôn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì kinh tế tăng trưởng ổn định, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, góp phần bảo đảm đời sống dân sinh.
![]() |
Bốn giai đoạn phát triển kinh tế tư nhân ở Trung Quốc từ năm 1978 đến nay. |
Sau hơn 40 năm hình thành và phát triển, kinh tế tư nhân của Trung Quốc có bước vươn mình mạnh mẽ với những con số ấn tượng thể hiện ở ba tiêu chí: quy mô số lượng, trình độ sáng tạo và năng lực cạnh tranh.
Tính đến hết tháng 1/2025, về quy mô số lượng, Trung Quốc có 56.707.000 doanh nghiệp tư nhân, gấp 5,2 lần so với năm 2012, chiếm hơn 92% tổng số doanh nghiệp của cả nước. Tổng doanh thu của khối doanh nghiệp tư nhân tăng từ 1.469 tỷ nhân dân tệ (năm 2014) lên 4.191 tỷ nhân dân tệ (năm 2023), số tiền nộp ngân sách cũng tăng từ 570 tỷ nhân dân tệ (năm 2014) lên 1.290 tỷ nhân dân tệ (năm 2023).

Đóng góp ngày càng lớn của doanh nghiệp tư nhân cho kinh tế Trung Quốc
Về mức độ sáng tạo, hơn 70% thành quả sáng tạo kỹ thuật đến từ khu vực kinh tế tư nhân. Theo báo cáo về tình hình sáng tạo của 1.000 doanh nghiệp tư nhân năm 2024, tổng mức đầu tư cho nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp tư nhân năm 2024 là 1.390 tỷ nhân dân tệ, chiếm 41,88% tổng mức chi cho nghiên cứu phát triển, tăng 4,78% so năm trước; số lượng nhân viên nghiên cứu, phát triển là 1.926.500 người, tăng 7,4% so năm trước.
Năm 2024, Trung Quốc cấp 1.045.000 bằng sáng chế, trong đó doanh nghiệp trong nước chiếm 73,7%, và trong TOP10 doanh nghiệp trong nước thì có tới 7 doanh nghiệp tư nhân. TOP 500 doanh nghiệp tư nhân hàng đầu đã sở hữu 667.000 bằng sáng chế, chiếm hơn 70% số lượng bằng sáng chế trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, thông tin lượng tử, robot hình người. Trong đó công ty Huawei là doanh nghiệp đứng đầu thế giới về số lượng đăng ký bằng sáng chế quốc tế PCI với 6.600 bằng.
![]() |
Khách hàng trải nghiệm điện thoại thông minh Huawei. |
Về năng lực cạnh tranh quốc tế, quy mô ngành chế tạo Trung Quốc đứng đầu thế giới liên tục trong 14 năm, chiếm 30% giá trị gia tăng toàn cầu. Ba mặt hàng là ô-tô năng lượng mới, pin Lithium, tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc đã chiếm lĩnh thị trường toàn cầu, hơn 50% trong số đó là từ doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt sản phẩm của Công ty công nghệ năng lượng mới CATL của Trung Quốc đã chiếm 37,9% thị phần pin xe điện toàn cầu trong năm 2024, liên tục đứng đầu thế giới trong 8 năm.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp tư nhân năm 2024 đạt 24.330 tỷ nhân dân tệ, tăng 8,8% so cùng kỳ năm trước, chiếm 55,5% tổng giá trị thương mại cả nước. Trong sáu năm liên tiếp kể từ năm 2019, khối doanh nghiệp tư nhân luôn dẫn đầu trong hoạt động xuất nhập khẩu. Với 609.000 doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu thực tế, khối doanh nghiệp tư nhân đã tham gia sâu rộng vào thương mại toàn cầu.
Vai trò của kinh tế tư nhân trong thúc đẩy nền kinh tế phát triển chất lượng cao
Kinh tế tư nhân là một bộ phận trong thể chế kinh tế của Trung Quốc. Đây là yêu cầu tất yếu từ thực tiễn nội tại của nền kinh tế, tuân theo quy luật phát triển kinh tế, phù hợp với sự giải phóng và phát triển sức sản xuất của xã hội Trung Quốc.
Hơn 40 năm cải cách, mở cửa, tình trạng lạc hậu của lực lượng sản xuất đã được cải thiện, nhưng hiện trạng phát triển mất cân bằng chưa được khắc phục triệt để, do đó cần phải có những thành phần kinh tế khác để phù hợp với thực tiễn đó, như vậy mới có thể giải phóng và phát triển lực lượng sản xuất với các mức độ khác nhau.
“Phương châm, chính sách cơ bản của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân đã được đưa vào hệ thống chế độ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, sẽ được kiên định triển khai thực hiện, không thể thay đổi và cũng sẽ không thay đổi”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Với những ưu thế riêng, kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân tập trung vào những lĩnh vực khác nhau. Doanh nghiệp nhà nước là “hòn đá tảng”, “trụ cột chính” của nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò quyết định trong việc bảo đảm an ninh quốc gia và ổn định an sinh xã hội. Còn doanh nghiệp tư nhân là thành phần quan trọng của phát triển kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Sự linh hoạt, sáng tạo, chủ động của doanh nghiệp tư nhân đã tạo thêm sức mạnh cho kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, đa dạng hóa nguồn cung cho xã hội, góp phần nâng cao khả năng chống chịu rủi ro cho nền kinh tế.
Kinh tế tư nhân là nền tảng cũng là chủ thể quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển chất lượng cao và xây dựng hệ thống kinh tế hiện đại hóa. Kinh tế tư nhân đã trở thành bộ phận đóng góp quan trọng trong tự chủ sáng tạo công nghệ bằng chính sự nhạy bén với thị trường, động lực đổi mới, tinh thần dám đổi mới và sẵn sàng đổi mới.
![]() |
Một góc xưởng sản xuất thuộc Tập đoàn công nghệ cao Huaye, ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. |
Kinh tế tư nhân đã trở thành lực lượng chính trong sáng tạo công nghệ và là nguồn lực quan trọng để phát triển năng lực sản xuất chất lượng mới của Trung Quốc, có đóng góp quan trọng vào việc nâng cao trình độ phát triển kinh tế, thúc đẩy chuyển đổi, nâng cấp ngành nghề và xây dựng hệ thống kinh tế hiện đại hóa ở Trung Quốc. Doanh nghiệp tư nhân luôn đi đầu trong lĩnh vực chế tạo thông minh, Big Data, kho bãi logistics, chăm sóc sức khỏe.
Kinh tế tư nhân là trụ cột quan trọng để giúp người dân hướng tới cuộc sống tốt đẹp. Nâng cao chất lượng cuộc sống là mục tiêu chính của phát triển chất lượng cao. Kinh tế tư nhân tham gia vào các ngành nghề, các lĩnh vực, liên quan mật thiết tới sinh kế và chất lượng cuộc sống của người dân. Kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Sự phát triển nhanh chóng về số lượng và quy mô của doanh nghiệp tư nhân đã đem lại sức sống và sự ổn định cho thị trường lao động. Sau khi mở cửa cải cách đến nay, số lượng công ăn việc làm mà kinh tế tư nhân tạo ra tăng trưởng ổn định, từ mức 0,2% năm 1978 lên hơn 80% như hiện nay. Tỷ trọng giá trị gia tăng của kinh tế tư nhân trong GDP cũng tăng từ mức dưới 1% giai đoạn đầu cải cách, mở cửa lên hơn 60% như hiện nay. Điều này cho thấy kinh tế tư nhân đã trở thành nguồn lực ổn định thị trường việc làm và là nguồn đóng góp quan trọng vào sự gia tăng tài sản xã hội.
Ưu thế và thách thức trong phát triển kinh tế tư nhân
Trong suốt thời gian qua, kinh tế tư nhân đã có nhiều đóng góp vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước, bảo đảm đời sống dân sinh. Trên cơ sở những thành quả đã được ghi nhận, kinh tế tư nhân sẽ được hưởng lợi từ bốn ưu thế về thể chế, ngành nghề, sáng tạo công nghệ và thị trường để tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp nhiều hơn nữa và khẳng định vị thế và vai trò của mình hơn nữa.
Ưu thế về thể chế là bảo đảm căn bản để kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ. Trung Quốc tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế cơ bản xã hội chủ nghĩa, luôn đặt kinh tế tư nhân vào vị trí quan trọng trong hệ thống chế độ chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển lên tầm cao mới.
Việc thông qua Luật thúc đẩy kinh tế tư nhân là câu trả lời tích cực cho những tâm tư của doanh nghiệp tư nhân về được đối xử bình đẳng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cụ thể về cạnh tranh bình đẳng, nhà nước sẽ thực hiện thống nhất danh mục cấm hoặc hạn chế đầu tư vào các lĩnh vực, ngành nghề, dịch vụ trong phạm vi cả nước; thực hiện cơ chế “cái gì không cấm thì được phép làm” và tiến hành thanh tra về cơ chế cạnh tranh bình đẳng.
Về tư liệu sản xuất, nhà nước bảo đảm các tổ chức kinh tế tư nhân được khai thác, sử dụng bình đẳng các yếu tố đầu vào sản xuất như nguồn vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, cơ sở dữ liệu, đất đai... và các nguồn dịch vụ công khác theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, những quyền và lợi ích hợp pháp như quyền lợi về nhân thân, tài sản và quyền tự chủ kinh doanh của tổ chức kinh tế tư nhân và doanh nhân cũng sẽ được pháp luật bảo vệ.
![]() |
Công nhân Công ty hợp kim Aitanmu ở tỉnh Sơn Đông đang kiểm tra sản phẩm. |
Trong khi đó, ưu thế ngành nghề là nền tảng để kinh tế tư nhân phát triển về cả chất và lượng. Vị thế của kinh tế tư nhân Trung Quốc trong chuỗi giá trị toàn cầu không ngừng được nâng lên nhờ vào sự hoàn thiện của hệ thống ngành công nghiệp nhờ và quy mô của nền kinh tế. Trung Quốc là quốc gia có hệ thống ngành công nghiệp và phân nhóm ngành nghề hoàn chỉnh nhất, chuỗi ngành đầy đủ nhất, do đó có thể cung cấp đầy đủ dịch vụ của ngành công nghiệp phụ trợ. Ngoài ra, quy mô của nền kinh tế, trữ lượng tài nguyên phong phú và thị phần rộng lớn đã đem lại những lợi thế giúp doanh nghiệp tư nhân dễ dàng xây dựng thương hiệu, cạnh tranh trên thị trường.
Tiếp đến là ưu thế về sáng tạo công nghệ sẽ tiếp thêm động lực để kinh tế tư nhân vươn mình mạnh mẽ hơn. Màn ra mắt ấn tượng của công cụ AI DeepSeek, robot hình người của Unitree đã cho thấy nội lực mạnh mẽ, năng lực sáng tạo, sự đầu tư bài bản, cũng như khả năng phát triển của các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc. Doanh nghiệp tư nhân luôn sẵn sàng đi đầu đổi mới, sáng tạo trong rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực từ dịch vụ tiêu dùng như trải nghiệm công nghệ VR/AR, đồ nội thất thông minh... đến chuyển đổi công nghiệp 4.0 như năng lượng xanh, y tế thông minh... Với những thành quả và tầm ảnh hưởng của mình, doanh nghiệp tư nhân sẽ trở thành lực lượng tiên phong về công nghệ và tham gia vào việc định hình tiêu chuẩn ngành.
![]() |
Lễ ký hợp kết hợp tác chiến lược giữa hai doanh nghiệp ô-tô Việt Nam và Trung Quốc. |
Cuối cùng, ưu thế thị trường là mảnh đất màu mỡ để kinh tế tư nhân phát triển. Trong đó, thị trường trong nước là nền tảng then chốt để kinh tế tư nhân tăng trưởng. Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, thị trường tiêu dùng với nhu cầu rất lớn và cơ cấu kinh tế đa đạng luôn là dư địa tăng trưởng cho kinh tế tư nhân. Thị trường quốc tế là động lực quan trọng để kinh tế tư nhân phát triển.
Trung Quốc là đối tác thương mại chính của hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã ký 22 hiệp định thương mại tự do với 29 quốc gia và vùng lãnh thổ. Doanh nghiệp tư nhân đã trở thành lực lượng chính thúc đẩy hoạt động thương mại của Trung Quốc. Năm 2024, xuất nhập khẩu sản phẩm công nghệ cao của doanh nghiệp tư nhân tăng 12,6%, chiếm 48,5% tổng giá trị xuất nhập khẩu mặt hàng này của cả nước. Trong đó công ty Visionox-nhà sản xuất và cung cấp màn hình điện thoại của Trung Quốc đứng đầu thế giới về sản lượng màn hình AMOLED dùng cho điện thoại thông minh.
“Tương lai phát triển của kinh tế tư nhân trong thời đại mới rất sán lạn, rất khả quan, đây là thời cơ để doanh nghiệp tư nhân và doanh nhân phát huy sức mạnh”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế tư nhân vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Phần lớn doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ vẫn tập trung vào những ngành nghề truyền thống, quy mô sản xuất hạn chế, thị phần nhỏ lẻ, giá trị thương hiệu chưa cao, lợi nhuận thấp, dẫn đến không đủ tiềm lực đầu tư vào đổi mới, sáng tạo công nghệ, ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tình hình kinh tế thế giới luôn biến động khó lường. Làn gió ngược trong toàn cầu hóa, chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang trỗi dậy mạnh mẽ, đã khiến cho doanh nghiệp xuất khẩu tư nhân của Trung Quốc hiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, buộc phải tải cơ cấu, tìm điểm tăng trưởng lợi nhuận mới.
Ngoài ra, môi trường kinh doanh vẫn cần tiếp tục được cải thiện. Doanh nghiệp tư nhân vẫn phải đối mặt với tiêu chuẩn khắt khe trong một số lĩnh vực hoặc ngành nghề. Tình trạng thủ tục hành chính rườm rà, tình trạng độc quyền, bảo hộ cục bộ ở địa phương vẫn còn tồn tại. Những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay do lãi suất cao, tiêu chuẩn về phòng ngừa rủi ro của hệ thống ngân hàng vẫn chưa được tháo gỡ hoàn toàn. Ngoài ra, vẫn còn địa phương, cơ quan chức năng lạm dụng chức trách, quyền hạn, làm ảnh hưởng đến doanh nhân và doanh nghiệp tư nhân, từ đó kìm hãm sự phát triển của kinh tế tư nhân.
Tuy nhiên, Trung Quốc xác định những khó khăn, thách thức trong việc phát triển kinh tế tư nhân chỉ mang tính cục bộ, tạm thời không phải là lâu dài, có thể khắc phục được trong tương lai.
(Theo Giang Tây nhật báo, Nhân Dân nhật báo, Tân Hoa xã)