Năm 2024, hai bên đã triển khai 17 hoạt động hợp tác và 12 hoạt động đã hoàn thành, nghiệm thu (71%); ba hoạt động đang triển khai (18%); hai hoạt động chưa triển khai và kiến nghị sẽ triển khai trong năm 2025 (11%). Cụ thể, trong năm 2024, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã đào tạo 327 sinh viên đến từ tỉnh Tây Ninh ở tất cả các lĩnh vực ngành nghề; trong đó, Trường đại học Bách khoa đào tạo 72 sinh viên, Trường đại học Khoa học Tự nhiên đào tạo 82 sinh viên, Trường đại học Quốc tế đào tạo 23 sinh viên, Trường đại học Kinh tế-Luật với 38 sinh viên, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có 45 sinh viên, Trường đại học Công nghệ thông tin có 23 sinh viên, Trường đại học Khoa học Sức khỏe có 44 sinh viên.
Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh còn phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức kỳ thi Đánh giá năng lực tại cụm thi Trường cao đẳng Tây Ninh cho 2.070 thí sinh. Trường đại học Khoa học Sức khỏe cũng phối hợp SởY tếtriển khai đào tạo bác sĩ y khoa cho 30 sinh viên theo đặt hàng của tỉnh, giai đoạn 2023-2029. Viện Phát triển Năng lực lãnh đạo Đại học Quốc gia thành phố phối hợp Sở Nội vụ tổ chức lớp bồi dưỡng tiếng Anh giao tiếp về văn hóa, du lịch cho học viên là cán bộ, công chức, viên chức trong lĩnh vực du lịch của tỉnh. Kết quả khảo sát cho thấy, chương trình được đánh giá cao, với tỷ lệ hài lòng đạt từ 90-94%.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Tứ, Chánh Văn phòng Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thêm: Các trường thuộc Đại học Quốc gia thành phố còn có nhiều hoạt động kết hợp cụ thể với từng đơn vị của tỉnh Tây Ninh, mang lại nhiều kết quả ấn tượng trong hợp tác. Đó là, việc Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thành phố phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức tập huấn cho 15 học viên là cán bộ khuyến nông, cán bộ phụ trách sản phẩm OCOP và đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ công tác thư viện cho 25 nhân viên chuyên trách và viên chức kiêm nhiệm tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trong thực hiện các chương trình, đề tài khoa học và công nghệ, Trường đại học Bách khoa phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2024 về “Xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của tỉnh Tây Ninh” (đề xuất này đã được sự chấp thuận chủ trương từ Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh); phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cùng Trung tâm Khuyến nông tổ chức đào tạo cho 40 học viên về quy trình chế biến sâu rau quả địa phương và sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp…
Từ góc độ địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh cho biết: Trường đại học Kinh tế-Luật đang kiến nghị thực hiện hai đề tài nghiên cứu với tỉnh gồm: “Khảo sát khả năng chi tiêu trong giáo dục của hộ gia đình” và “Tổng quan về nguồn nhân lực của địa phương”. Việc triển khai hai đề tài này được dời sang năm 2025 do cần thêm thời gian để hoàn thiện khung nghiên cứu, bảo đảm phương pháp khảo sát phù hợp với thực tiễn địa phương. Hai bên còn hợp tác trong nhiều lĩnh vực mà các bên có thế mạnh hay cần thiết trong điều hành, quản lý nhà nước.
Theo lãnh đạo hai đơn vị, địa phương, hai bên cần phân công đầu mối kết nối, theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện, kịp thời báo cáo lãnh đạo ban chuyên môn của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và các sở, ban, ngành của tỉnh Tây Ninh; đồng thời, đề xuất cơ chế, giải pháp tháo gỡ khó khăn...