Tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam - Rwanda

CH Rwanda nằm ở miền trung châu Phi, diện tích 26.338 km2, dân số gần mười triệu người. Rwanda là nước nông nghiệp với 90% dân số sống bằng nghề nông. Chè và cà-phê chiếm 90% giá trị hàng xuất khẩu. Năm 2007, mức tăng trưởng kinh tế đạt 6%.

Chính phủ Rwanda đang quyết tâm đưa đất nước thoát khỏi hậu quả của tình trạng xung đột sắc tộc và nạn diệt chủng, thực hiện hòa giải dân tộc, ổn định tình hình đất nước, tập trung xây dựng và phát triển kinh tế, đấu tranh chống tham nhũng và xóa đói, giảm nghèo.

Nhằm nâng cao năng lực đội ngũ quản lý và tập trung vào khôi phục kinh tế, Chính phủ Rwanda tập trung đầu tư cho giáo dục, đào tạo, y tế và tăng cường hợp tác với nước ngoài.

Chính phủ Rwanda đang nỗ lực nhằm đưa đất nước trở thành một quốc gia có nền kinh tế ổn định, là một trung tâm vận chuyển hàng hóa, trung tâm  truyền thông và công nghệ thông tin của khu vực. Rwanda là thành viên của LHQ, Phong trào Không liên kết, Liên minh châu Phi (AU), Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp, WTO, FAO, IMF và nhiều tổ chức quốc tế khác. Rwanda là quốc gia đầu tiên đưa 7.000 binh sĩ tới khu vực  Darfur ( Sudan) tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của AU.

Ngoài việc ưu tiên hợp tác với các nước trong khu vực, Rwanda chú trọng quan hệ với các nước công nghiệp phát triển, các tổ chức kinh tế quốc tế và các nước có nền kinh tế phát triển ở châu Á, nhằm tranh thủ vốn và kỹ thuật để khôi phục đất nước. 

Nước ta và Rwanda lập quan hệ ngoại giao từ năm 1975. Thành tựu của Việt Nam trong sản xuất nông nghiệp và những thành công của Việt Nam trong hợp tác nông nghiệp với một số nước châu Phi theo mô hình hợp tác ba bên (2+1) đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của Rwanda.

Chính phủ Rwanda đã bày tỏ đẩy mạnh quan hệ với Việt Nam. Tháng 6-2002, Bộ trưởng Ngoại giao Rwanda  A.Bumaya thăm chính thức nước ta.

Rwanda bày tỏ mong muốn học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam về giáo dục, đào tạo và phát triển nông nghiệp, nhất là về thủy lợi và trồng lúa nước. Rwanda mong muốn hợp tác  theo mô hình hợp tác  2+1 mà nước ta đang làm với một số nước châu Phi.

Rwanda muốn ta hợp tác trong lĩnh vực xuất khẩu  hàng dệt may và một số lĩnh vực khác. Hai bên đã ký Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học và công nghệ.

Năm 2006, quan hệ buôn bán hai chiều giữa hai nước đạt 1,5 triệu USD. Năm 2007, nước ta xuất khẩu sang Rwanda tổng giá trị gần 2,5 triệu USD, chủ yếu là hàng dệt may và nhập khẩu đạt giá trị 43,5 nghìn USD. Chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Rwanda Paul Kagame nhằm đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, trong đó đặc biệt chú trọng hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, y tế, xây dựng và công nghệ thông tin. Hai bên trao đổi phương hướng và biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác, nhất là trao đổi kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, xóa đói, giảm nghèo. 

Chúc chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Paul Kagame thành công tốt đẹp, đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Rwanda bước sang giai đoạn mới, góp phần tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và châu Phi.