Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào tổ chức sản xuất cây ăn quả ở miền núi phía bắc

NDO - Ngày 22/5, Hội Làm vườn Việt Nam và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tuyên Quang phối hợp tổ chức diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất cây ăn quả miền núi phía bắc”.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu thảo luận tại diễn đàn.
Các đại biểu thảo luận tại diễn đàn.

Tham dự diễn đàn có đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La cùng đại diện 200 nhà vườn, trang trại cây ăn quả tiêu biểu.

Tính đến năm 2023, tổng diện tích cây ăn quả trong vùng trung du và miền núi phía bắc đạt gần 272.000ha, chiếm 21% diện tích cả nước. Trong 20 năm (2004-2024) diện tích 10 loại cây ăn quả chủ lực của vùng là vải, nhãn, cam, bưởi, chuối, xoài, na, mận, hồng giòn, chanh leo tăng trên 2,5 lần. Trong đó một số cây tăng mạnh như bưởi tăng 135%, na tăng 100%; cam tăng 77%; vải tăng 47,5%; nhãn tăng 50%; chuối tăng 50%...

Đã hình thành một số vùng cây ăn quả chủ lực hàng hóa tập trung ở các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình, Phú Thọ, Sơn La, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn… có quy mô lớn phục vụ chế biến, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào tổ chức sản xuất cây ăn quả ở miền núi phía bắc ảnh 1

Đại biểu tham dự Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp được tổ chức tại Tuyên Quang.

Diễn đàn sẽ là cầu nối quan trọng giữa nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân cùng đồng hành phát triển ngành cây ăn quả theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững.

Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và tổ chức sản xuất theo hướng an toàn sinh học nhằm giảm chi phí đầu vào, bảo đảm môi trường, tạo ra các sản phẩm an toàn, nâng cao hiệu quả kinh tế sẽ là chìa khóa để vùng miền núi phía bắc phát huy lợi thế nông nghiệp đặc thù, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân, góp phần phát triển kinh tế nông thôn gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào tổ chức sản xuất cây ăn quả ở miền núi phía bắc ảnh 2

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tuyên Quang phát biểu thảo luận.

Đồng chí Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tuyên Quang, cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 17.550ha cây ăn quả, với sản lượng đạt hơn 200.000 tấn/năm. Trong đó, cam và bưởi là những cây trồng chủ lực và các loại cây ăn quả có lợi thế như chuối, nhãn, na, hồng…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy sản xuất cây ăn quả trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Trình độ thâm canh của người dân chưa đồng đều, nhiều diện tích vẫn canh tác theo tập quán truyền thống, chưa chú trọng đầu tư chiều sâu, dẫn đến năng suất chưa ổn định. Diện tích sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn còn hạn chế; mô hình sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ còn khiêm tốn so với tiềm năng.

Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển bền vững cây ăn quả, Tuyên Quang đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ. Ưu tiên cải tạo vườn cây già cỗi bằng giống mới chất lượng cao, áp dụng quy trình canh tác tiên tiến, mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ.

Đồng thời, tăng cường hỗ trợ người dân đăng ký mã số vùng trồng, xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực bảo quản, chế biến và đóng gói sản phẩm.

Cùng với đó, chú trọng thúc đẩy liên kết giữa hợp tác xã và doanh nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường tiềm năng như Liên minh châu Âu, Anh, Mỹ… Qua đó, từng bước nâng cao giá trị nông sản và thu nhập cho người trồng cây ăn quả trên địa bàn.

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào tổ chức sản xuất cây ăn quả ở miền núi phía bắc ảnh 3

Các đại biểu đến thăm mô hình trồng bưởi Soi Hà xuất khẩu sang thị trường Anh tại xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Đồng chí Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sơn La, cho biết, trong giai đoạn 2016-2025, thực hiện chủ trương đề án và cơ chế chính sách của tỉnh về phát triển cây ăn quả trên đất dốc, tổng diện tích cây ăn quả và cây của Sơn La năm 2025 ước đạt 85.050ha, sản lượng quả năm 2025 ước đạt 510.000 tấn; so năm 2016 diện tích tăng 219%, sản lượng tăng 332%. Toàn tỉnh có hơn 4.700ha cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP và 5 vùng sản xuất được công nhận là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Hiện nay, có hơn 300 doanh nghiệp và hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, sơ chế, chế biến cây ăn quả; hơn 500 cơ sở sơ chế và gần 10 nhà máy chế biến quy mô lớn đã và đang vận hành hiệu quả.

Các hợp tác xã trên địa bàn đã từng bước chuyển giao và áp dụng rộng rãi các quy trình canh tác tiên tiến như hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước, bón phân cân đối theo quy trình VietGAP, và đặc biệt chú trọng đến quản lý dịch hại tổng hợp.

Các thành viên hợp tác xã được tập huấn về kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, phòng trừ sâu bệnh bằng các biện pháp sinh học, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, nhằm bảo đảm an toàn cho sản phẩm và người tiêu dùng.

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào tổ chức sản xuất cây ăn quả ở miền núi phía bắc ảnh 4

Đại diện nhà vườn trồng cây ăn quả đặt câu hỏi thảo luận tại diễn đàn.

Tại diễn đàn, các đại biểu, hợp tác xã, doanh nghiệp và các nhà vườn đã tập trung thảo luận và đề xuất nhiều nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển cây ăn quả vùng miền núi phía bắc. Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng đồng bộ các quy trình VietGAP, hữu cơ, công nghệ tưới tiết kiệm, quản lý dinh dưỡng và dịch hại tổng hợp, số hóa quy trình sản xuất.

Hoàn thiện cơ sở hạ tầng và vùng nguyên liệu tập trung, đầu tư hệ thống giao thông, thủy lợi, kho lạnh, sơ chế, đóng gói đạt chuẩn. Tăng cường vai trò của hợp tác xã xây dựng chuỗi liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến, nâng cao năng lực tổ chức sản xuất. Tăng cường đào tạo và khuyến nông cộng đồng; các chính sách hỗ trợ người trồng cây ăn quả để tiếp cận khoa học và kỹ thuật canh tác hiện đại. Điều chỉnh các cơ chế ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp vùng khó khăn, nhất là đầu tư công nghệ cao và chuyển đổi số.

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào tổ chức sản xuất cây ăn quả ở miền núi phía bắc ảnh 5

Các hộ dân, đại diện nhà vườn tham quan gian hàng trưng bày phân bón vi sinh.

Ông Phan Huy Thông, Phó Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam cho rằng, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững cây ăn quả tại miền núi phía bắc, các cấp, ngành cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng trồng cây ăn quả phù hợp với điều kiện sinh thái, đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, thủy lợi, bảo quản, chế biến.

Cùng với đó, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, nâng cao năng lực chuyển đổi số trong quản trị vùng và quản lý chất lượng nông sản. Công tác cấp mã số vùng trồng, chứng nhận chất lượng và truy xuất nguồn gốc cần được đẩy nhanh và giám sát thường xuyên để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Các cơ quan nghiên cứu, khuyến nông và hội nghề nghiệp cần tăng cường phối hợp trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tập huấn cho nông dân, hướng dẫn quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, nông nghiệp sinh thái. Việc tuyên truyền, tư vấn mô hình hợp tác hiệu quả và liên kết chuỗi giá trị cũng cần được đẩy mạnh.

Đối với doanh nghiệp và hợp tác xã, cần chủ động tham gia đầu tư vào vùng nguyên liệu, bảo quản, chế biến, bao tiêu sản phẩm, đồng thời kết nối thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, doanh nghiệp cần đồng hành cùng người dân trong xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị phần xuất khẩu.

Người dân và chủ trang trại cần nâng cao nhận thức, tích cực học hỏi kỹ thuật canh tác tiên tiến, chuyển đổi giống cây trồng chất lượng cao, tuân thủ quy trình sản xuất an toàn và chủ động tham gia vào các mô hình hợp tác, liên kết sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập ổn định.