Tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của kinh tế tri thức

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có chất lượng nguồn nhân lực cao nhất trong cả nước. Tuy nhiên, nguồn nhân lực hiện nay vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế, nhất là thiếu nhóm nhân lực tinh hoa, đóng vai trò dẫn dắt.
0:00 / 0:00
0:00
Ðào tạo nguồn nhân lực tự động hóa tại Trung tâm Ðào tạo Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.
Ðào tạo nguồn nhân lực tự động hóa tại Trung tâm Ðào tạo Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo thống kê, hiện Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 4,9 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm hơn 8,6% số người lao động cả nước, với năng suất lao động gấp 1,7 trung bình toàn quốc. Ðây là nguồn nhân lực giữ yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Tính đến năm 2024, số lao động đã qua đào tạo của thành phố chiếm hơn 87% tổng số lao động đang làm việc với gần 4,3 triệu người, cao nhất cả nước. Trong đó, bậc đại học chiếm cao nhất với 87% tổng số lao động qua đào tạo, bậc cao đẳng chiếm 7% và bậc trung cấp là 6%.

Theo Tiến sĩ Vũ Thị Mai Oanh, Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực, nhân tài Việt Nam-Thành phố Hồ Chí Minh, quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững thì phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ ưu tiên, là bước đột phá mang yếu tố chiến lược.

Nhiều năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh là địa chỉ tin cậy của các tỉnh, thành phố phía nam cũng như của cả nước trong việc đào tạo nhân lực trình độ cao. Với nhiều ưu thế vượt trội về cơ sở vật chất, đội ngũ chuyên gia có bề dày kinh nghiệm trong công tác giáo dục-đào tạo, nơi đây trở thành lựa chọn hàng đầu của người học, cũng như các địa phương, doanh nghiệp đến đặt hàng.

Hệ thống đào tạo với khoảng 370 cơ sở giáo dục nghề nghiệp góp phần quan trọng đào tạo đội ngũ lao động chất lượng cao cho thành phố. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực kể cả ở khu vực doanh nghiệp và nhân lực khu vực công còn hạn chế, bất cập.

Nguyên nhân được cho là do điều kiện kinh tế, giáo dục của Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng còn đang trong giai đoạn phát triển; giáo dục-đào tạo nặng về lý thuyết, chưa tập trung cho phát triển thực hành; trình độ khoa học kỹ thuật còn lạc hậu; hệ thống chính sách quản lý của Nhà nước trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực còn chậm, chưa giữ chân, thu hút được người tài.

Với mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực phải đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thành phố đã và đang tập trung đẩy mạnh đào tạo nhân lực trình độ cao theo hướng hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 2673/QÐ-UBND ngày 29/6/2023 về ban hành Kế hoạch đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm cung ứng, nhu cầu tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực kinh tế trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu chung của kế hoạch này là đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố; tập trung đẩy mạnh đào tạo nhân lực trình độ cao, theo hướng hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, cung cấp nguồn nhân lực sau đào tạo có chất lượng cho thành phố và các địa phương trong khu vực Nam Bộ.

Ðồng thời, gắn kết chặt chẽ với đề án Tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế (tám ngành: Công nghệ thông tin-truyền thông; Cơ khí-Tự động hóa; Trí tuệ nhân tạo; Quản trị doanh nghiệp; Tài chính-Ngân hàng; Y tế; Du lịch; Quản lý đô thị) giai đoạn 2020-2035; nâng tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo đến cuối năm 2025 đạt 87% trong tổng số lao động đang làm việc, đến năm 2030 đạt tỷ lệ 89%...

Theo các chuyên gia, để trở thành trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao của khu vực và cả nước, thành phố cần tiếp tục phát triển và cải cách toàn diện giáo dục-đào tạo từ mục tiêu đến nội dung, phương pháp giảng dạy, tổ chức, quản lý nhằm hướng tới một nền giáo dục chuyên nghiệp, dạy nghề tương đồng với thế giới.

Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục-đào tạo bổ sung tay nghề công nhân kỹ thuật cho lao động phổ thông; tiếp tục đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ cao, mở rộng đối tượng theo học các chương trình thạc sĩ, tiến sĩ để phục vụ cho các ngành kinh tế trọng điểm; thực hiện chế độ đãi ngộ xứng đáng thu hút các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước làm việc trong các cơ sở nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới.

Ðồng thời, xây dựng một hệ chuẩn nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế, trước hết là những ngành mũi nhọn đột phá của thành phố, phục vụ quá trình chuyển đổi số ở tất cả các ngành nghề. Hệ chuẩn này sẽ xác định và xây dựng những tiêu chí phải đạt được về trình độ, tay nghề, kỹ năng, khả năng, phẩm chất… cho người lao động, làm căn cứ để xây dựng đội ngũ nhân lực.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Luyện, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ cho biết: Thành phố cần có giải pháp đồng bộ không chỉ riêng cho giáo dục-đào tạo mà cho cả sự điều chỉnh về cơ chế chính sách, cũng như sự vào cuộc của các doanh nghiệp, đơn vị đào tạo và cả chính người lao động.

Trong đào tạo, bên cạnh đào tạo “trí lực”, cần đặc biệt chú trọng tiêu chí đào tạo về “tâm lực” nhằm hình thành ý thức thái độ lao động đúng đắn, kỷ luật và khả năng vượt khó cao cùng tâm thế cống hiến, có tinh thần hợp tác, xây dựng vì hiệu quả lao động. Các cơ sở đào tạo cần tăng cường hơn nữa việc kết hợp với doanh nghiệp trong nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh chương trình và phương pháp giảng dạy để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.