Tạo sinh kế bền vững cho người dân

Từ chủ trương đúng đắn và sự lãnh đạo quyết liệt, sát sao, linh hoạt của cấp ủy các cấp, nhiều khu vực rừng ở Tuyên Quang đã được bảo vệ hiệu quả, trở thành sinh kế bền vững cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Các chi bộ, đảng viên phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, luôn nghĩ trước, làm trước.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ kiểm lâm hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng cho người dân huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
Cán bộ kiểm lâm hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng cho người dân huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cùng các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy Tuyên Quang đã cụ thể hóa bằng nhiều nghị quyết quan trọng theo từng giai đoạn. Ngay từ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14, nhiệm kỳ 2005-2010, Đảng bộ tỉnh đã xác định rõ định hướng phát triển lâm nghiệp bền vững, đặt mục tiêu nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 65%. Năm 2021, tỉnh ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TU về phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2030, trong đó nhấn mạnh yêu cầu nâng cao giá trị rừng và bảo đảm sinh kế cho người dân. Tiếp đó, là Nghị quyết số 71-NQ/TU về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo của Trung ương theo hướng phù hợp hơn với tình hình thực tế địa phương.

Tại huyện Sơn Dương, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ 21, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định phát triển lâm nghiệp gắn với sinh kế bền vững cho người dân là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm. Thấm nhuần tinh thần ấy, Đảng bộ huyện đã ban hành kế hoạch phát triển rừng hằng năm, chỉ đạo đảng ủy các xã, thị trấn tích cực triển khai. Điển hình ở Đông Lợi, năm 2019, Đảng ủy xã ban hành Nghị quyết số 78-NQ/ĐU về phát triển kinh tế-xã hội, với trọng tâm là bảo vệ rừng gắn với sinh kế bền vững. Chi bộ thôn Cao Ngỗi đã tiên phong triển khai; cấp ủy và Bí thư Chi bộ Trần Văn Tập tích cực vận động đảng viên cam kết giữ rừng, thành lập tổ tuần tra, tuyên truyền đến từng hộ dân, tất cả các hộ dân đều tham gia bảo vệ rừng.

Từ chỗ nghèo đói, người dân chủ yếu sống dựa vào nghề rừng và làm nương với thu nhập năm 2018 dưới 10 triệu đồng/người/năm, đến năm 2024 thu nhập bình quân đạt 43,5 triệu đồng/người/năm. Rừng được bảo vệ, nguồn nước dồi dào, sinh kế mở rộng nhờ mô hình nuôi ong, trồng dược liệu và chăn nuôi gia súc dưới tán rừng.

Từ thành công của mô hình điểm tại thôn Cao Ngỗi, năm 2024, Đảng ủy xã Đông Lợi tiếp tục ban hành nghị quyết chuyên đề về bảo vệ và phát triển kinh tế dưới tán rừng, triển khai đồng bộ trên toàn xã. Bí thư Đảng ủy xã Vũ Xuân Hà cho biết: Đến nay, 4/4 chi bộ ở các thôn có rừng đều đã thành lập tổ bảo vệ rừng với đảng viên làm nòng cốt. Đảng ủy chủ trương hỗ trợ đảng viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn cập nhật chính sách mới, tạo điều kiện để áp dụng hiệu quả vào thực tiễn.

Đồng chí Phạm Hữu Tân, Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sơn Dương cho biết: Từ khi thành lập các tổ tuần tra, bảo vệ rừng do đảng viên làm nòng cốt, nhiều mô hình điểm phát triển kinh tế dưới tán rừng đã hình thành tại các địa phương. Từ thực tiễn sinh động này, huyện đang từng bước nhân rộng, gắn công tác bảo vệ rừng với phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập, góp phần đưa nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống một cách thiết thực, hiệu quả.

Tạo sinh kế bền vững cho người dân ảnh 2

Mô hình trồng lê trên núi đá kết hợp du lịch cộng đồng tại xã Hồng Thái, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.

Tại huyện Na Hang, Nghị quyết số 35-NQ/HU năm 2021 xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế quan trọng giai đoạn 2021-2025, gắn với mục tiêu đạt độ che phủ rừng 80%. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, bảo vệ và phát triển rừng là khâu đột phá chiến lược, giúp người dân thoát nghèo, làm giàu từ rừng. Tại xã vùng cao đặc biệt khó khăn Hồng Thái, Đảng ủy ban hành nghị quyết chuyên đề phát triển du lịch sinh thái gắn với trồng cây ăn quả, chăn nuôi và bảo vệ rừng.

Đảng viên làm trước, dân làm theo. Nhiều đảng viên trẻ như Đặng Văn Thuyết, Bàn Thị Thương khởi nghiệp tại quê nhà với các mô hình trồng rừng, triển khai mô hình du lịch cộng đồng (homestay), phục hồi nghề thổ cẩm, khai thác bản sắc văn hóa Dao Tiền. Gia đình đồng chí Đặng Xuân Cường phủ xanh đồi bằng hàng trăm gốc lê, thu về gần 100 triệu đồng/vụ. Nhiều hộ phát triển chè cổ thụ, ruộng bậc thang tạo chuỗi du lịch cộng đồng. Đến nay, Hồng Thái có nhiều homestay hoạt động hiệu quả, thu nhập bình quân đạt gần 50 triệu đồng/người/năm.

Không chỉ Sơn Dương hay Na Hang, định hướng phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với tạo sinh kế và xây dựng nông thôn mới được 6/6 huyện ủy trong tỉnh quán triệt xuyên suốt trong nhiều nhiệm kỳ. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã trồng mới 48.500 ha rừng; phát triển hơn 89.000 ha rừng gỗ lớn; sản lượng khai thác đạt trên 5,5 triệu m³; hơn 90.000 ha rừng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Tuyên Quang hiện có hơn 453.000 ha rừng, duy trì độ che phủ trên 65%, đứng thứ ba cả nước. Ngành lâm nghiệp tỉnh ghi nhận tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trên 9%/năm, hình thành nhiều mô hình du lịch sinh thái, phát triển sản phẩm gỗ thương hiệu quốc gia, hoàn thành đề án trồng 1 tỷ cây xanh.

Qua kiểm tra, đánh giá thực tiễn, để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 71-NQ/TU, Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo các giải pháp nhằm khai thác tối đa tiềm năng thiên nhiên, phát triển nông nghiệp hàng hóa, du lịch cộng đồng, đồng thời xác định bảo vệ rừng là giá trị cốt lõi trong chiến lược phát triển bền vững.