Tây Ninh ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông

Để từng bước trở thành trung tâm kết nối kinh tế vùng và quốc tế, Tây Ninh đang ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông kết nối liên vùng và đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông-logistics.

Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh khảo sát dự án giao thông kết nối Thành phố Hồ Chí Minh đến Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.
Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh khảo sát dự án giao thông kết nối Thành phố Hồ Chí Minh đến Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.

Tây Ninh nằm ở vị trí kết nối kinh tế giữa miền Đông và miền Tây Nam Bộ; nằm ngay cửa ngõ đi đồng bằng sông Cửu Long; tiếp giáp trung tâm kinh tế lớn của cả nước là Thành phố Hồ Chí Minh; có đường biên giới tiếp giáp với Vương quốc Campuchia, dài hơn 368km.

Hạ tầng thông suốt chính là đòn bẩy then chốt để Tây Ninh tạo đột phá vươn mình trong kỷ nguyên mới, tiến tới hiện thực hóa khát vọng phát triển bền vững trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Để khai thác có hiệu quả lợi thế chiến lược này, tạo đột phá cho quá trình hiện thực hóa “khát vọng” phát triển bền vững trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, Tây Ninh đang ưu tiên nguồn lực đầu tư các công trình trọng điểm của Trung ương và của tỉnh như: Đường vành đai 3, 4 Thành phố Hồ Chí Minh; đường tỉnh 830E; đường tỉnh 827E; xây dựng 3 cầu bắc qua sông Cần Giuộc, sông Vàm Cỏ Đông, sông Vàm Cỏ Tây nằm trên tuyến đường tỉnh 827E và các trục đường kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh để tháo nút thắt giao thông ngay khu vực cửa ngõ.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài giai đoạn 1 thuộc khu vực quy hoạch Khu Kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đây là dự án giao thông quan trọng kết nối Thành phố Hồ Chí Minh đến Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài, góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế-xã hội của Tây Ninh, nhất là phát triển kinh tế biên mậu.

ndo_br_z6737207296403-2dac3d283e81c2c4f97a2fdf8e9eaac4.jpg
Đường tỉnh 826E kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và khu tái định cư Thái Sơn (xã Cần Giuộc, tỉnh Tây Ninh) đã đưa vào sử dụng và khai thác, góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế-xã hội của Tây Ninh.

Sở Xây dựng Tây Ninh cho biết, Đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đi qua địa bàn tỉnh dài 8,81km, là công trình trọng điểm quốc gia đang thi công vượt tiến độ, sẽ thông xe kỹ thuật vào quý 3 năm 2025 và đưa vào khai thác vào đầu năm 2026, đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tại kỳ họp thứ 9, ngày 27/6/2025, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh. Dự án này đi qua tỉnh Tây Ninh dài khoảng 74,5km, quy mô hoàn chỉnh 8 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/giờ; đường song hành 2 làn xe, vận tốc thiết kế 60km/giờ.

Trong giai đoạn một, xây dựng 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh, tốc độ 100km/giờ, nền đường rộng 25,5m. Tổng mức đầu tư hơn 66.474 tỷ đồng, trong đó, ngân sách tỉnh đối ứng 25% vốn đầu tư, tương đương 10.000 tỷ đồng.

Bên cạnh các dự án được Trung ương hỗ trợ vốn, Tây Ninh đang triển khai song hành một số dự án trọng điểm có tính chất kết nối, lan tỏa như: Dự án đường tỉnh 827E, trục kết nối Thành phố Hồ Chí Minh-Long An-Tiền Giang. Tuyến đường này có chiều dài 55km, đoạn đi qua địa phận Long An dài 35,5km và 3 cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và Cần Giuộc nằm trên tuyến đường.

Năm 2025, tỉnh đã bố trí vốn 1.575 tỷ đồng trên tổng vốn đầu tư 1.607 tỷ đồng để thực hiện chi trả giải phóng mặt bằng đường dẫn vào 3 cầu nằm trên đường 827E, với tổng diện tích 89,35ha; đã giải ngân đạt trên 20% kế hoạch.

Hội đồng nhân dân phê duyệt chủ trương đầu tư đường dẫn vào 3 cầu, với tổng vốn 1.433 tỷ đồng. Tỉnh đã bố trí vốn thực hiện trong năm 2025 là 200 tỷ đồng, đã giải ngân được 3,87%, đang thực hiện công tác đấu thầu, sẽ khởi công trước ngày 19/8/2025.

ndo_br_z6737206892081-dc2295f83732fa2ca2e493aa9c744035-8418.jpg
Đường tỉnh 823D, trục mở mới tây bắc kết nối Tây Ninh-Thành phố Hồ Chí Minh đã thông xe đưa vào sử dụng và khai thác.

Đối với 3 cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Đông, Vàm cỏ Tây và Cần Giuộc có tổng mức đầu tư hơn 4.797 tỷ đồng, nguồn vay vốn ODA Hàn Quốc. Trong đó, Trung ương cấp phát 90%, địa phương vay lại từ Trung ương 10%. Dự kiến khởi công đường dẫn và khởi công 3 cầu vào cuối tháng 8 năm 2025.

Đối với đường tỉnh 830E đang được các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ để đưa vào khai thác vào cuối năm 2025. Dự án này hoàn thành sẽ kết nối giao thông với đường Vành đai 3, 4 Thành phố Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1A, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương và Bến Lức-Long Thành…

Ngoài ra, tỉnh Tây Ninh đang tập trung hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài bảo đảm điều kiện để khởi công dự án, hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư thuộc Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen và khu vực phụ cận; chuẩn bị các mỏ khoáng sản đá, đất phục vụ các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh; chuẩn bị chặt chẽ nội dung trình Trung ương cho ý kiến Đề án thí điểm một số cơ chế, chính sách áp dụng cho khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, kết nối hai nền kinh tế Việt Nam–Campuchia.

Để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư và khai thác hiệu quả tiềm năng của tỉnh, Tây Ninh đang tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư vào hạ tầng giao thông kết nối các khu, cụm công nghiệp với Cảng quốc tế Long An.

Tỉnh cũng đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông–logistics, từng bước định vị mình là trung tâm kết nối kinh tế vùng và quốc tế nhằm hướng đến mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống cho người dân.

Trên nền tảng kế thừa và phát huy hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, Tây Ninh quyết tâm cùng hành động vì mục tiêu phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, hiện đại hóa hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư xanh; sẽ tập trung phát triển kinh tế-xã hội theo hướng toàn diện, bền vững và thích ứng với xu thế mới.

ndo_br_z6594572447420-c9751b568049809202f4977bfa2a6217.jpg
Đơn vị thi công đang đầy nhanh tiến độ dự án đường Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Tuy nhiên, để hệ thống hạ tầng giao thông hoàn chỉnh theo hướng đồng bộ, kết nối thông suốt giữa Vùng đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh và Vùng Đông Nam Bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và của hai vùng, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh kiến nghị Chính phủ sớm bố trí vốn, đẩy nhanh tiến độ nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 62 để mở rộng không gian phát triển kinh tế-xã hội khu vực Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Tây Ninh và Đồng Tháp.

Thực chất, Quốc lộ 62 đã đưa vào sử dụng trên 25 năm, đang xuống cấp nghiêm trọng, mặt đường nhỏ hẹp, gây mất an toàn giao thông và cản trở thu hút đầu tư vùng Đồng Tháp Mười, phát triển kinh tế khu vực biên giới giáp với Campuchia.

Đồng thời, tỉnh cũng kiến nghị Trung ương xem xét bố trí vốn đầu tư nâng cấp Quốc lộ N2 đạt quy mô 6 làn xe theo quy hoạch trong giai đoạn 2026–2030.

Cùng với đó, Tây Ninh kiến nghị Bộ xây dựng xem xét, trình Chính phủ bố trí vốn đầu tư xây dựng Quốc lộ N1, giai đoạn 2026-2030. Quốc lộ N1 có vai trò đặc biệt quan trọng trong bảo đảm an ninh quốc phòng, nằm trong hành lang biên giới đi từ Tây Ninh đến An Giang. Hiện tại, tuyến này mới đầu tư phần đường thuộc địa phận An Giang, còn lại 100km đoạn qua tỉnh Tây Ninh và tỉnh Đồng Tháp chưa được đầu tư.

Tất cả các công trình trọng điểm của Trung ương và tỉnh đã, đang và sẽ triển khai thực hiện là lực đẩy then chốt để Tây Ninh tạo đột phá vươn mình trong kỷ nguyên mới, tiến tới hiện thực hóa trung tâm kết nối kinh tế vùng và quốc tế để phát triển bền vững trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Có thể bạn quan tâm

back to top