Tây Ninh và Long An tập trung bảo vệ “lá phổi xanh”

Nam Bộ đang vào cao điểm mùa khô, hạn đã làm nhiều cánh rừng đặc dụng, phòng hộ, sản xuất ở Tây Ninh trong tình trạng “cảnh báo đỏ” - cấp cảnh báo cực kỳ nguy hiểm; Long An đang thuộc cấp “cảnh báo vàng” - cấp nguy hiểm. Chi cục Môi trường và Kiểm lâm hai địa phương đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô 2025.
Lực lượng Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (Tân Hưng, Long An) kiểm tra thiết bị chữa cháy rừng.
Lực lượng Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (Tân Hưng, Long An) kiểm tra thiết bị chữa cháy rừng.

Tây Ninh có tổng diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng trên 73.272 ha, trong đó rừng đặc dụng chiếm 43,8%, rừng phòng hộ 41,8% và rừng sản xuất 14,4%. Đặc biệt là 33.000 ha rừng phòng hộ Dầu Tiếng có vai trò quan trọng trong việc điều hoà nguồn nước, ngăn chặn lũ quét, lũ ống…

Vào thời điểm này, tại Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát, nơi có gần 30.000 ha rừng và khoảng 50 km giáp biên giới Campuchia nắng như lửa đốt, ngành chức năng cảnh báo có từ 7 đến 10 khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao.

Trong mùa khô năm 2024, nơi đây đã xảy ra cháy rừng trên diện tích 8 ha tại khoảnh 3 và 6, Tiểu khu 5 (khu vực cầu 15). Lực lượng chức năng đã phải huy động 107 người cùng nhiều phương tiện, công cụ tham gia chữa cháy. Nguyên nhân ban đầu xác nhận là do người dân đốt thực bì cháy lan vào vườn quốc gia.

Long An có gần 19.500 ha rừng, trong đó rừng đặc dụng hơn 1.833 ha; Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (Tân Hưng) gần 2.000 ha, chủ yếu là rừng tràm từ 10-20 năm tuổi; rừng sản xuất trên 15.578 ha, độ che phủ 3,89%.

Diện tích rừng của Long An có trên 50% là của hộ gia đình, cá nhân được nhà nước giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng và tự bỏ vốn trồng rừng sản xuất. Hiện tại, lớp thực bì cộng với các thảm thực vật đã khô cằn, rất dễ cháy khi gặp lửa.

Để bảo vệ các cánh rừng quốc gia và của nhân dân, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do lửa gây ra, Chi cục Môi trường và Kiểm lâm hai tỉnh Tây Ninh, Long An đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng cháy, chữa cháy trong mùa khô 2025, bằng cách bố trí các phương tiện chữa cháy và lực lượng túc trực 24/24 giờ; bố trí camera quan sát lửa tại tháp canh, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn người dân không sử dụng lửa trong rừng và khu vực vùng đệm; nhất là những người sống bằng nghề lấy củi, bắt ong, đốt rẫy gần rừng... Tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng lửa và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Môi trường và Kiểm lâm Tây Ninh, Tạ Văn Tình cho biết: Mùa khô năm 2025, lần đầu tiên đơn vị tổ chức diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng cấp tỉnh tại Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát.

Để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng cháy rừng, ngành kiểm lâm đã chủ động xây dựng các nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng, tăng cường đội, nhóm hộ quản lý, bám sát địa bàn 24/24 giờ để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm mới phát sinh… Công tác phòng cháy, chữa cháy bảo đảm thực hiện theo đúng phương châm “bốn tại chỗ”: Lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Môi trường và Kiểm lâm Long An Trịnh Hùng Cường, tất cả các cánh rừng trên địa bàn tỉnh đang ở mức cảnh báo cháy cấp 4, cấp nguy hiểm. Để bảo vệ tài sản của quốc gia và nhân dân, ngành kiểm lâm, công an, quân đội, Ủy ban nhân dân các địa phương có rừng và các chủ rừng đã chuẩn bị sẵn sàng 83 máy chữa cháy chuyên dụng với 1.679 cuộn dây phun nước vòi, có tổng 33.580m…

Cùng với đó là các công trình bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy với 42 tháp canh lửa, giữ nước trong 3.620 km kênh nội đồng, lắp 99 biển báo cấm lửa tại các vùng trọng điểm... Đối với các chủ rừng có diện tích lớn, phải thường xuyên tổ chức lực lượng tuần tra ngăn không cho người lạ vào săn bắt chim, lấy mật ong; phân công người trực phòng cháy, chữa cháy và quan sát trên các tháp canh nhằm phát hiện sớm các điểm cháy rừng.

Phó Giám đốc Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (Tân Hưng, Long An) Nguyễn Công Toại chia sẻ, để kịp thời ứng phó khi sự cố cháy xảy ra, đơn vị đã trang bị các thiết bị chuyên dụng, chủ động phát, dọn thực bì dễ cháy tại những bờ kênh, bờ bao chung quanh khu vực rừng tràm; bơm nước bổ sung vào rừng để giữ ẩm lớp thực bì; bố trí lực lượng trực 24/24 giờ trong thời gian cao điểm nắng nóng; 100% người dân sống trong khu vực có rừng đã ký cam kết thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy...

Để bảo vệ lá phổi xanh trong mùa khô hạn, Ủy ban nhân dân hai tỉnh Tây Ninh và Long An đã chỉ đạo các huyện có rừng, Chi cục Môi trường và Kiểm lâm tổ chức lực lượng trực phòng cháy, chữa cháy rừng 24/24 giờ, kể cả các ngày nghỉ, ngày lễ để kịp thời ứng cứu khi có sự cố xảy ra.

Chủ động phương án di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi cần thiết, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước. Kiên quyết điều tra, làm rõ nguyên nhân các vụ cháy rừng, xác định đối tượng vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Tăng cường kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân, chủ rừng không thực hiện đầy đủ biện pháp phòng cháy rừng; sớm khắc phục hậu quả và phục hồi diện tích rừng bị cháy trong thời gian nhanh nhất.

Có thể bạn quan tâm

back to top