Tháp Mười: Nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Phát triển nông nghiệp hữu cơ thích ứng biến đổi khí hậu là xu hướng tất yếu trong sản xuất. Tại huyện Tháp Mười, những năm gần đây đã triển khai, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đây được xem là một trong những giải pháp sản xuất bền vững cho nông dân huyện.
Nông dân xã Láng Biển, huyện Tháp Mười tham gia mô hình thí điểm “Canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh”. Ảnh: HỮU NGHĨA
Nông dân xã Láng Biển, huyện Tháp Mười tham gia mô hình thí điểm “Canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh”. Ảnh: HỮU NGHĨA

Mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ được thực hiện trên diện tích gần 40ha của 3 hộ dân ở xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười. Đây cũng được xem là một trong những mô hình đầu tiên áp dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2022 - 2024, trên địa bàn huyện Tháp Mười.

Ông Huỳnh Tấn Lộc, ngụ ấp 4, xã Hưng Thạnh cho biết, gia đình ông có 10 ha đất ruộng, trước đây canh tác lúa, ông sử dụng phân hóa học, sau khi thu hoạch thì bán cho thương lái. Những năm qua, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, việc bán lúa cho thương lái lại gặp nhiều khó khăn, giá cả không ổn định.

“Khi được vận động sử dụng phân hữu cơ để giảm chi phí và có thể liên kết đầu ra với các doanh nghiệp, tôi đã mạnh dạn tham gia. Trong suốt quá trình canh tác, tôi thấy lúa giữ màu lá rất tốt, cứng cây. Năng suất đạt được cũng cao hơn những vụ trước, khi mà chưa sử dụng phân hữu cơ”, ông Huỳnh Tấn Lộc khẳng định.

Ngành hàng sen cũng là một trong những ngành hàng thế mạnh được huyện Tháp Mười tập trung phát triển. Huyện quan tâm quy hoạch và phát triển vùng sản xuất sen với quy mô lớn, tạo vùng nguyên liệu tập trung phục vụ cho một số ngành nghề liên quan như: công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ.

Chính vì thế mà ngành nông nghiệp tỉnh thực hiện và hoàn thiện mô hình điểm với quy mô 20 ha sen chuyển đổi sang hữu cơ, ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ 4.0 gắn với liên kết tiêu thụ. Mô hình đã thực hiện thành công tại xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười với quy mô 20 ha, có 7 hộ tham gia.

Anh Huỳnh Văn Cưỡng, ngụ ấp 2A, xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười cho biết: “Việc bà con nông dân chúng tôi chuyển đổi trồng sen theo hướng hữu cơ là hướng đi tất yếu, cần thiết. Cũng từ đây, nông dân chúng tôi có nhiều ưu thế hơn trong việc thực hiện chuỗi liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp”.

Tháp Mười: Nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ ảnh 2
Nông dân Tháp Mười thu hoạch sen.

Theo Ủy ban nhân dân huyện Tháp Mười, giai đoạn 2022 - 2024, ngoài sen và một số loại cây ăn trái, trên địa bàn huyện đã thực hiện 16 mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ.

Cụ thể, giai đoạn 2022 - 2024, trên địa bàn huyện đã thực hiện 16 mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Vụ thu đông năm 2022, tại ấp 2, xã Thạnh Lợi, mô hình này được thực hiện với diện tích 2 ha.

Kết quả thực hiện mô hình, chi phí sản xuất của ruộng mô hình là 24.100.500 đồng/ha, năng suất là 6.600 kg/ha với giá bán là 5.750 đồng/kg. Tổng thu là 37.950.000 đồng/ha, trừ đi chi phí sản xuất, ruộng mô hình có lãi 13.849.500 đồng/ha.

Ruộng đối chứng có chi phí sản xuất là 25.308.500 đồng/ha, năng suất là 6.600 kg/ha với giá bán là 5.750 đồng/kg. Tổng thu là 37.950.000 đồng/ha, trừ đi chi phí sản xuất, nông dân có lãi là 12.641.500 đồng/ha.

Như vậy, khi áp dụng mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, nông dân sẽ thu được lợi nhuận cao hơn so với đối chứng là 1.208.000 đồng/ha.

Năm 2024, huyện Tháp Mười đã triển khai thực hiện 15 mô hình thực hiện từ nguồn kinh phí bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ, với tổng diện tích 1.544,4 ha tại các xã Thạnh Lợi, Láng Biển, Mỹ Quý, Tân Kiều, Mỹ Hòa, Thanh Mỹ, Mỹ Đông, Hưng Thạnh và Trường Xuân. Tham gia mô hình, nông dân được hỗ trợ 50% chi phí vật tư thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học và phân hữu cơ.

Cụ thể, mô hình “Canh tác lúa bền vững” tại Hợp tác xã Trường Phát, xã Trường Xuân, với diện tích 100 ha. Nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 50% lúa giống OM18, 50% vật tư đầu vào và 50% kinh phí chứng nhận VietGAP truy xuất nguồn gốc. Kết quả, ruộng mô hình có lợi nhuận cao hơn so với đối chứng là 1.404.000 đồng/ha.

Kết quả thực hiện mô hình đã giảm lượng giống gieo sạ, giảm sử dụng phân hóa học, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, hạn chế sử dụng phân, thuốc hóa học, tăng khả năng sử dụng phân bón, rễ lúa bám sâu, giúp cây lúa khỏe hơn, chống chịu sâu bệnh, cải thiện độ phì nhiêu của đất...Từ đó làm hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ thiên địch có ích, làm giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận…

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tháp Mười Nguyễn Văn Hiệp cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai thực hiện các mô hình canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại các xã từ nguồn vốn phát triển đất trồng lúa theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Tiếp tục truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết và thói quen của cộng đồng về nông nghiệp hữu cơ để tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong sử dụng. Nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, người sản xuất và nhà quản lý về việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, giám sát, chứng nhận nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Huyện tiếp tục kêu gọi các công ty, doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm hữu cơ, nông sản an toàn hoặc phối hợp hỗ trợ các sản phẩm hữu cơ của huyện kết nối với các cửa hàng kinh doanh nông sản hữu cơ trong và ngoài huyện.

Huyện Tháp Mười là một trong những địa phương đạt được nhiều kết quả nổi bật trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đối với ngành hàng lúa gạo. Nhiều mô hình sản xuất mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được người nông dân nơi đây áp dụng hiệu quả, từ đó, góp phần chuyển dịch mạnh mẽ tư duy sản xuất của người nông dân từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Để tạo được nhiều đột phá mới trong thực hiện tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo nói riêng và các ngành hàng tiềm năng còn lại ở địa phương nói chung, huyện Tháp Mười cần đẩy mạnh hơn nữa chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, các mô hình liên kết, trong đó có sản xuất lúa theo hướng hữu cơ phải đi vào thực chất và mang tính bền vững hơn...