Thêm hướng đi cho cây ca-cao

Không dừng lại ở việc nâng cao giá trị kinh tế, mang lại nguồn thu bền vững và tăng tính cạnh tranh cho cây ca-cao Việt Nam, nhiều ý tưởng khởi nghiệp của người trẻ còn tạo thêm niềm tin, giúp người trồng an tâm gắn bó với loại nông sản này.
0:00 / 0:00
0:00
Cửa hàng của anh Nguyễn Hồng Huy thường xuyên đón khách ghé thăm và tìm hiểu về quy trình sản xuất sô-cô-la.
Cửa hàng của anh Nguyễn Hồng Huy thường xuyên đón khách ghé thăm và tìm hiểu về quy trình sản xuất sô-cô-la.

Khi còn là sinh viên Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), Hồ Thị Ngọc Tú may mắn có cơ hội vào thực tập tại một công ty chuyên về ca-cao, sô-cô-la. Tính chất công việc yêu cầu cô gái trẻ thường xuyên tiếp xúc, trò chuyện với người trồng ca-cao ở khu vực phía nam. Càng gần gũi bà con nông dân, Ngọc Tú càng biết thêm nhiều thông tin bổ ích về loại cây nổi tiếng lành tính. Nhưng cũng từ đó, cô gái trẻ cứ mãi trăn trở với bài toán “được mùa mất giá” khiến người trồng ca-cao có cuộc sống chưa ổn định dẫn đến việc phải xen canh, thậm chí chặt bỏ loại nông sản giàu tiềm năng kinh tế này. Một lần ghé thăm vườn ca-cao nọ ở miền tây, Ngọc Tú được chủ vườn mời uống ly nước đặc biệt: nước ép từ cơm ca-cao. Chủ vườn vừa nhìn mấy gốc ca-cao, vừa nói, giọng trầm trầm: “Con xem, nước ép cơm ca-cao ngon và bổ dưỡng như vậy mà toàn bị bỏ phí, tiếc lắm. Để thời gian ngắn là lên men, đâu dùng được nữa”. Nghe lời than của chủ vườn, Tú suy nghĩ mãi. Cô muốn tìm đầu ra cho loại nước này để người trồng tận dụng nguồn thu và giới thiệu đến thị trường một dòng sản phẩm đúng chuẩn “ngon-bổ-rẻ”. Trở về Thành phố Hồ Chí Minh, Ngọc Tú bắt đầu tìm hiểu, lên ý tưởng và vạch kế hoạch cụ thể cho việc phát triển dòng sản phẩm kombucha lên men từ nước ép ca-cao.

Cơm ca-cao, một loại phụ phẩm trong quá trình sản xuất sô-cô-la thường bị bỏ đi khi không dùng hết, nay được Ngọc Tú và nhóm bạn sử dụng triệt để và tạo nên dòng sản phẩm mới có lợi cho sức khỏe mang tên CocoBuCharm. Hiện tại, nhóm của Tú đã cung cấp ra thị trường hai dòng sản phẩm nước ép cơm ca-cao cô đặc và tươi loãng nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu thưởng thức của người dùng. “Cơm ca-cao là nguồn dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe con người vì giàu vitamin A, B cùng hợp chất chống ô-xi hóa rất lớn. Ngọc Tú cùng bốn thành viên trong nhóm quyết định tìm tòi, tạo thêm dòng sản phẩm mới vì muốn nhiều người biết và tận dụng nguồn nông sản chất lượng này. Nếu được tin dùng, CocoBuCharm không chỉ tăng thu nhập cho người nông dân mà còn giúp họ giảm lãng phí sản phẩm, hướng đến quy trình phát triển bền vững hơn”, Ngọc Tú phấn khởi cho hay.

Sau một thời gian nghiên cứu và mạnh dạn giới thiệu sản phẩm ra thị trường, Ngọc Tú cùng cộng sự nhận về những phản hồi rất tích cực từ người mua. Tuy nhiên, điều khiến cô suy nghĩ mãi là làm sao mở rộng quy mô sản xuất để tận dụng tối đa nguồn nước ép cơm ca-cao hiện có từ các nhà vườn. Nếu tự triển khai, năm thành viên trong nhóm sẽ không đủ sức. Vậy nên, Ngọc Tú mong chờ sự hợp tác từ các bên có cùng chí hướng, mục tiêu để mở rộng quy mô, phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm với giá cạnh tranh hơn. Hướng sắp tới, CocoBuCharm sẽ phát triển thêm dòng cơm ca-cao sấy và đóng gói dạng bột để người dùng dễ bảo quản, mang theo. Ngọc Tú hy vọng, sự sáng tạo của những người trẻ sẽ mở thêm cánh cửa giúp bà con nông dân tiếp cận thị trường, nâng cao đời sống kinh tế từ mảnh vườn mình chăm bón, nâng niu.

Hành trình đến với cây ca-cao của Công dân trẻ tiêu biểu Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023 Nguyễn Hồng Huy (34 tuổi, Giám đốc điều hành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sô-cô-la Hallelu) bắt đầu vào năm 2016. Anh nuôi ước mơ đồng hành cùng người trồng ca-cao và đặt quyết tâm phải tìm cho ra cách nâng tầm giá trị của loại nông sản này. Với thế mạnh của một kỹ sư công nghiệp cộng thêm nguồn kiến thức có được sau nhiều năm nghiên cứu về thị trường ca-cao, sô-cô-la, đầu năm 2017, Hồng Huy hoàn thành chiếc máy nghiền sô-cô-la đầu tiên trong đời với linh kiện chính được tìm mua từ các xưởng phế liệu. Có máy, Hồng Huy thu mua ca-cao, bắt đầu quy trình làm sô-cô-la thủ công tại nhà xưởng nhỏ đặt ở thành phố Thủ Đức. Nhiều đêm thức trắng bên máy canh thành phẩm, tay cầm bút giấy ghi chú các lỗi cơ bản, Hồng Huy chỉ biết thở dài khi sô-cô-la ra lò vẫn chưa như ý. Bỏ đi làm lại bao lần, không chịu thua, anh tiếp tục tìm lỗi sai và khắc phục. Ngày cầm trong tay mẻ sô-cô-la mướt mịn như ý, Hồng Huy cười vang rồi lụi cụi gói ghém thành phẩm, đem lên khu vực trung tâm thành phố mời khách du lịch nếm thử và cho đánh giá. Nhận phản hồi tích cực, Hồng Huy quay về xưởng, tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo.

Năm 2018, Hồng Huy thành lập công ty khởi nghiệp chuyên về sản xuất sô-cô-la. Ban đầu chỉ vài dòng sản phẩm, đến nay, công ty Hồng Huy đã cung cấp ra thị trường hơn 50 dòng sản phẩm làm từ ca-cao, đáp ứng tốt nhu cầu thưởng thức, chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Từ mẫu máy nghiền đầu tiên, đến nay, anh đã tự tạo ra sáu dòng máy gia công sô-cô-la, giúp quy trình thực hiện bài bản, chuyên nghiệp và bảo đảm hơn. “Điều hạnh phúc nhất là tôi có thể thu mua ca-cao của nông dân với mức giá gần gấp đôi thị trường, đúng với những gì bản thân mong muốn từ ngày bắt đầu khởi nghiệp. Tôi chủ động công nghệ sản xuất, tiết kiệm được chi phí nên đầu tư nhiều hơn cho việc nghiên cứu sản phẩm và chất lượng đầu ra. Không dừng lại ở việc cung cấp máy móc cho các đơn vị có nhu cầu sản xuất sô-cô-la, tôi còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm từ các thất bại trong quá khứ để mọi người không mất nhiều thời gian khởi nghiệp. Thêm công ty sản xuất sô-cô-la trong nước, chắc chắn người trồng ca-cao sẽ gia tăng thu nhập”, Hồng Huy phân tích.

Mới đây, Hồng Huy còn đưa vào hoạt động cửa hàng trưng bày sản phẩm và giới thiệu toàn bộ quy trình sản xuất sô-cô-la. Tại cửa hàng theo chuẩn không gian mở này, anh là người trực tiếp kể câu chuyện và thực hiện toàn bộ các bước nghiền, gia nhiệt, đổ khuôn, bọc viên, đóng gói sô-cô-la… Các đoàn khách tìm đến tham quan, tìm hiểu quy trình sản xuất sô-cô-la ngày càng nhiều, Hồng Huy vui lắm. Ngoài ra, anh còn tổ chức các buổi hướng dẫn cách làm sô-cô-la cho học sinh, sinh viên và truyền cảm hứng khởi nghiệp từ nông sản đến người trẻ ■