Theo dõi chặt chẽ, tránh lây lan sâu keo mùa thu trên diện rộng

NDO - Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, hiện nay cả nước có khoảng 306 ha cây ngô bị nhiễm sâu keo mùa thu, phân bố chủ yếu tại các tỉnh như: Yên Bái, Bắc Kạn, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên, Đồng Nai,…
0:00 / 0:00
0:00
Các địa phương cần chủ động phòng, chống sâu keo mùa thu hại ngô. (ẢNH: BẮC GIANG GOV)
Các địa phương cần chủ động phòng, chống sâu keo mùa thu hại ngô. (ẢNH: BẮC GIANG GOV)

Dự báo trong những ngày tới, sâu keo mùa thu tiếp tục gây hại trên cây ngô giai đoạn phát triển thân lá-xoáy nõn, mức độ hại phổ biến từ nhẹ-trung bình, cục bộ hại nặng.

Sâu keo mùa thu (có tên khoa học là Spodoptera frugiperda) là loại sâu hại xâm nhập vào nước ta từ tháng 4 năm 2019. Đây là loài sâu có khả năng di trú rất xa, vòng đời ngắn, có nhiều lứa và thời gian các lứa sâu đan xen nhau nên khó khăn cho công tác phòng, chống. Theo công bố của nhiều quốc gia, sâu keo mùa thu có khả năng gây hại nặng cho cây ngô và nhiều loại cây trồng khác. Tại nước ta từ năm 2029 đến nay, sâu keo mùa thu đã gây hại cho hầu hết các vùng trồng ngô trong cả nước, trong đó có nhiều tỉnh bị thiệt hại nặng nề.

Đặc điểm của sâu keo mùa thu là chỉ sâu non mới gây hại trên cây trồng, trong đó sâu non tuổi 1-2 ăn biểu bì ở mặt dưới của lá non gây ra các vết hình vuông hoặc hình chữ nhật màu trắng đặc trưng. Sâu non tuổi lớn hơn ăn khuyết lá, bẹ lá tạo thành các lỗ lớn. Cây ngô nếu bị sâu keo mùa thu gây hại thì rất khó có khả năng phục hồi, vì chúng thường cắn đứt ngọn sau đó mới ăn khuyết dần các lá tiếp theo. Sâu keo mùa thu có thể ăn hơn 300 loài thực vật. Tuy nhiên, sâu ưa thích nhất cây ngô, nhất là ngô ngọt, ngô nếp và ngô rau.

Hiện nay, sâu keo mùa thu vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, để tránh lây lan và hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu keo mùa thu gây ra, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nguyễn Quý Dương yêu cầu các tỉnh trồng ngô theo dõi chặt chẽ diễn biến của sâu keo mùa thu. Áp dụng quy trình kỹ thuật phòng, chống sâu keo mùa thu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã ban hành.

Cùng với đó, các địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, thống kê mức độ, diện tích nhiễm sâu keo mùa thu trên ngô và các cây trồng khác; hướng dẫn nông dân chủ động tổ chức thực hiện công tác phòng chống theo quy trình kỹ thuật đã được Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật ban hành. Tổ chức thông tin, tuyên truyền về đặc điểm sinh học, quy luật phát sinh gây hại cũng như các biện pháp kỹ thuật phòng chống sâu keo mùa thu cho cán bộ ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật, khuyến nông và nông dân. Khuyến cáo nông dân áp dụng triệt để các biện pháp sinh học, sử dụng bẫy bả để thu bắt và tiêu diệt trưởng thành; sử dụng các biện pháp thủ công (thu gom và tiêu diệt ổ trứng, sâu non) và các biện pháp canh tác, vệ sinh đồng ruộng để giảm mật độ sâu keo mùa thu trên đồng ruộng.

Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trường hợp mật độ sâu cao, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đã được Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn, tuân thủ nguyên tắc “bốn đúng” khi sử dụng.

Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trường hợp mật độ sâu cao, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đã được Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn, tuân thủ nguyên tắc “bốn đúng” khi sử dụng. Tổ chức điều tra, đánh giá nhằm xác định các giống ngô có khả năng kháng, chống chịu với sâu keo mùa thu để thông tin, hướng dẫn nông dân sử dụng thay thế các giống ngô đã bị sâu keo mùa thu gây hại nặng…

Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), ở những vùng trồng từng bị sâu keo mùa thu gây hại nặng, trước khi gieo hạt nhà nông cần chọn giống ngô có khả năng kháng, chống chịu sâu keo mùa thu cao để gieo trồng nhằm giảm mức độ thiệt hại, giảm chi phí sản xuất do phải áp dụng các biện pháp khác phòng chống sâu keo mùa thu, đặc biệt với khu vực miền núi có địa hình khó khăn, nơi khan hiếm nước để phun thuốc bảo vệ thực vật.

Xử lý hạt giống bằng thuốc bảo vệ thực vật là biện pháp có hiệu quả cao trong phòng chống sâu keo ở giai đoạn đầu vụ, từ khi cây ngô nảy mầm đến giai đoạn cây ngô 5-6 lá. Tuy nhiên cần lưu ý, chỉ xử lý hạt giống đối với các giống ngô không có khả năng kháng, chống chịu sâu keo mùa thu bằng các thuốc xử lý hạt giống trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, liều lượng sử dụng và phương pháp xử lý hạt giống theo hướng dẫn của nhà sản xuất…

Ngành nông nghiệp cũng lưu ý với các địa phương, từ giai đoạn ngô mới gieo đến bảy lá, đây là giai đoạn sung yếu nhất của cây ngô với sâu keo mùa thu. Nếu không phòng trừ tốt sâu keo mùa thu sẽ gây hại nặng làm giảm mật độ cây ngô trên đồng ruộng và gây ảnh hưởng lớn đến năng suất ngô sau này. Giai đoạn này ưu tiên nhân thả các loài thiên địch như các loài ong ký sinh trứng, ký sinh sâu non; loài côn trùng ăn thịt sâu non sâu keo mùa thu như bọ rùa, bọ xít ăn thịt, bọ đuôi kìm,…ra đồng ruộng để phòng, chống sâu keo mùa thu và một số sâu hại khác. Sử dụng chế phẩm nấm xanh, nấm trắng, vi khuẩn Bt, virus NPV để phun trừ khi sâu tuổi nhỏ và điều kiện thời tiết có ẩm độ cao để phát huy tốt nhất hiệu lực của chế phẩm. Những ruộng trồng giống ngô kháng, chống chịu sâu keo mùa thu, ruộng ngô giống đã được xử lý hạt giống đúng hướng dẫn sẽ không phải phun thuốc bảo vệ thực vật.

Giai đoạn ngô bảy lá đến xoáy nõn, sắp trỗ cờ phun râu, những vùng, ruộng ngô không sử dụng giống kháng, giống chống chịu sâu keo mùa thu bà con tiếp tục sử dụng thiên địch để kiểm soát sâu non. Thường xuyên điều tra để phun trừ kịp thời khi mật độ sâu non tuổi 1-2 ở mức cao. Giai đoạn ngô trỗ cờ phun râu-chín, thu hoạch, giai đoạn này mức độ gây hại và thiệt hại do sâu keo mùa thu gây ra trên cây ngô giảm hơn so với hai giai đoạn trước, do đó nên hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.