Thị trường cho gạo phát thải thấp

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (Đề án) đã triển khai 7 mô hình điểm cấp trung ương với kết quả bước đầu khá rõ rệt cả về kinh tế và môi trường. Tuy nhiên, một trong những vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là bảo đảm đầu ra trước mắt và lâu dài cho sản phẩm gạo phát thải thấp.
0:00 / 0:00
0:00
Thu hoạch lúa tại tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh: AN ĐỨC)
Thu hoạch lúa tại tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh: AN ĐỨC)

Số liệu mới nhất của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho thấy, các mô hình trồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp giúp giảm chi phí sản xuất từ 8,2% đến 24,2%; giảm phát thải khí nhà kính với mức giảm trung bình từ 2 đến 12 tấn CO2 tương đương/ha; giá thu mua lúa tăng từ 200 đến 300 đồng/kg.

Lo "đầu ra" khi mở rộng diện tích

Theo Phó Cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nguyễn Thị Thu Hương, năm 2025, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục mở rộng diện tích canh tác lúa bền vững, giảm phát thải.

Theo đăng ký của các địa phương, diện tích áp dụng quy trình canh tác này sẽ đạt khoảng 312.743ha trong năm 2025 (bằng 170% mục tiêu đề ra). Trong đó, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang là những tỉnh có diện tích đăng ký lớn nhất; Bạc Liêu và Cà Mau có diện tích đăng ký thấp nhất.

Diện tích đăng ký tham gia Đề án đến năm 2030 của 12 địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đến thời điểm này đạt 1,015 triệu ha, cao hơn so với mục tiêu 1 triệu ha đã đặt ra.

Diện tích đăng ký tham gia Đề án đến năm 2030 của 12 địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đến thời điểm này đạt 1,015 triệu ha, cao hơn so với mục tiêu 1 triệu ha đã đặt ra.

Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tiếp tục triển khai mô hình về đo đạc-báo cáo-thẩm định các giải pháp giảm phát thải (MRV) và hoàn tất quy trình MRV; xây dựng bản đồ số hóa cho các diện tích triển khai Đề án; tiếp tục tập huấn cho nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác về quy trình MRV; Hoàn thiện thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư và triển khai nghiên cứu tiền khả thi cho dự án vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho các vùng tham gia Đề án; Xây dựng Quy chế phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam triển khai chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ và phát triển thương hiệu lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp trong khuôn khổ Đề án.

Có thể thấy, những kết quả đạt được từ Đề án đã chứng minh hiệu quả của quy trình sản xuất bền vững, được nông dân và doanh nghiệp ủng hộ tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui khi diện tích đăng ký ngày càng được mở rộng, thì một nỗi trăn trở lớn cũng đang hình thành, đó là tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm lúa gạo phát thải thấp.

Thực tế, thời gian qua, việc tiêu thụ lúa của các mô hình điểm cũng chưa đạt được như kỳ vọng.

Ông Nguyễn Cao Khải - Giám đốc Hợp tác xã Tiến Thuận, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ cho biết: Vụ đông xuân 2024-2025 vừa qua, hợp tác xã tiếp tục áp dụng quy trình trồng lúa giảm phát thải và có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, nhưng khi kết thúc mùa vụ, hợp tác xã không thể liên hệ doanh nghiệp để trao đổi về vấn đề thu mua.

Số lượng lúa thu hoạch sau đó được hợp tác xã chủ động bán ra thị trường theo mức giá chung, không phân biệt quy trình canh tác truyền thống hay giảm phát thải.

Vụ đông xuân 2024-2025 vừa qua, hợp tác xã tiếp tục áp dụng quy trình trồng lúa giảm phát thải và có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, nhưng khi kết thúc mùa vụ, hợp tác xã không thể liên hệ doanh nghiệp để trao đổi về vấn đề thu mua.
(Ông Nguyễn Cao Khải - Giám đốc Hợp tác xã Tiến Thuận, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ)

Hay như Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp số 1 xã Ba Sao, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cũng liên kết với doanh nghiệp trong dự án sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải nhưng đến kỳ thu hoạch, doanh nghiệp cũng chỉ bao tiêu một phần với mức giá cao hơn thị trường 200 đồng/kg.

Xây dựng thương hiệu gạo carbon thấp

Trước tình trạng nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng, khi diện tích canh tác tăng theo thời gian thì lượng lúa gạo hàng hóa sẽ lớn hơn, do đó cần sớm có phương án tìm thị trường tiêu thụ ổn định, mức giá phù hợp với giá trị hạt gạo, tránh tình trạng bán đồng giá với các loại gạo khác.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam (Vietrisa) Lê Thanh Tùng cho biết, thời gian qua, Vietrisa tập trung xây dựng chứng nhận “Gạo Việt xanh phát thải thấp” với các bước thiết kế mẫu nhãn hiệu; xây dựng quy chế sử dụng nhãn hiệu; thông tin tuyên truyền về gạo xanh phát thải thấp...

Đến cuối tháng 4/2025, Vietrisa đã ra mắt nhãn hiệu “Gạo Việt xanh phát thải thấp”, đồng thời trao giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu nêu trên cho 6 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa gạo đủ điều kiện.

Giấy chứng nhận có hiệu lực trong vòng 6 tháng. Sau 6 tháng, Vietrisa sẽ xem xét tái chứng nhận cho doanh nghiệp đủ điều kiện. Đây được coi là bước tiến mới trong việc xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam, là tiền đề cho việc hình thành nhãn hiệu chứng nhận quốc gia Gạo Việt carbon thấp.

Bước phát triển này cũng phù hợp xu hướng thị trường gạo quốc tế hiện nay là tăng nhập khẩu các loại gạo có chứng nhận carbon thấp, đáp ứng tiêu chí sản xuất xanh và bảo vệ môi trường.

Trong khi đó, về thị trường xuất khẩu, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc và gần đây là một số quốc gia khu vực Trung Đông cũng đang rất quan tâm đến nông sản chất lượng cao, phát thải thấp, trong đó chú ý nhiều đến mặt hàng gạo.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy-Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Đan Mạch, Na Uy, Iceland và Latvia), trong vòng 5 năm qua, EU đã ban hành rất nhiều đạo luật liên quan đến bảo vệ môi trường và nhiều Chỉ thị nhằm thúc đẩy doanh nghiệp tuân thủ tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (ESG).

Do đó, chiến lược dài hạn giúp nông sản Việt Nam nâng cấp vị trí trong bản đồ chuỗi giá trị toàn cầu là cung cấp dịch vụ sản xuất tuân thủ tiêu chí ESG cho các tập đoàn toàn cầu, đầu tư vào minh bạch hóa chuỗi cung ứng, thực hiện truy xuất nguồn gốc và đạt các chứng chỉ ESG quốc tế.

Thị trường gạo Bắc Âu khá nhỏ nhưng đây lại là thị trường ưa chuộng các sản phẩm gạo đặc sản có chứng nhận hữu cơ và sản xuất kinh doanh bền vững. Xu hướng này liên quan đến nhiều khía cạnh trong chuỗi cung ứng như: điều kiện làm việc, sử dụng nước, quản lý chất thải…

Đây cũng là những tiêu chí chính trong đề án trồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp của Việt Nam hiện nay nên có thể tăng cường xúc tiến thương mại để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm gạo trong thời gian tới.