Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và văn hóa Việt Nam

Trên dòng chảy lịch sử Phật giáo Việt Nam có cả sự ảnh hưởng, tiếp nhận từ phương nam và phương bắc, có cả các bậc sư tổ người nước ngoài và người Việt, có cả sự trầm tích, cộng sinh và phát triển trên cơ sở văn hóa truyền thống bản địa. Ðặt trong tương quan giữa Phật giáo và văn hóa dân tộc, dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử có một vị trí đặc biệt. Trước hết cần đánh giá cao vai trò hoàng đế - thiền sư - thi sĩ Trần Nhân Tông (1258-1308) trên tư cách bậc sư tổ với đạo hiệu Trúc Lâm Ðại Ðầu Ðà, người đặt nền móng cho Thiền phái Trúc Lâm.

Ðương thời, chắc chắn ông biết rõ các thiền phái ngoại nhập nổi tiếng nhiều đời như Tì Ni Ða Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Ðường nhưng lại hướng về tu tập, soạn sách Phật học theo một lối riêng và mở ra dòng Thiền Trúc Lâm in đậm dấu ấn Việt giữa nơi non cao Yên Tử. Ðóng góp của ông mở rộng từ việc tuyên truyền đạo Phật giữa chúng sinh đến giảng giải kinh sách cho đệ tử, qua thơ văn đi sâu biện giải mối quan hệ giữa "hữu" và "vô", "thân" và "tâm", đề cao bản ngã chủ thể "nghiệp lặng", "an nhàn thể tính", "tự tại thân tâm", "Sống giữa cõi trần, hãy tùy duyên mà vui với đạo", đồng thời coi trọng cuộc sống thực tại, cảnh tỉnh lối tu hành cực đoan, cố chấp: Ai trói buộc chi, tìm giải thoát - Khác phàm đâu phải kiếm thần tiên (Mạn hứng ở sơn phòng)...

Nối tiếp Trần Nhân Tông, đệ nhị tổ Pháp Loa (Ðồng Kiên Cương, 1284-1330) cũng là người am hiểu Thiền học, có tài tổ chức các hoạt động Phật giáo. Qua hơn hai mươi năm lãnh đạo, Pháp Loa đã cho san khắc bộ Ðại Tạng kinh với hơn 5.000 quyển, xây dựng hàng trăm ngôi chùa như Báo Ân, Quỳnh Lâm, Thanh Mai và trực tiếp giảng dạy giáo lý, có tới ba nghìn đệ tử đến cầu pháp và đắc pháp. Ông để lại các tác phẩm khuyên người xuất gia chăm lo việc tu đạo, khuyên mọi người hiểu sâu con đường tu thiền chân chính bằng việc học giới luật, thiền định và trí tuệ, chỉ rõ cách học cần sáng tỏ...

Người cuối cùng trong số ba vị tổ Trúc Lâm là Huyền Quang (Lý Ðạo Tái, 1254-1334), hơn Pháp Loa tròn ba mươi tuổi nhưng lại tu hành muộn hơn, từng làm quan trong triều đình rồi mới từ chức đi tu. Huyền Quang để lại hơn hai mươi bài thơ chữ Hán, một bài phú vịnh chùa Vân Yên bằng chữ Nôm và câu chuyện liên quan đến Ðiểm Bích đượm chất thế sự.

Thơ ông có nhiều bài vịnh cảnh chùa, vịnh hoa và đến bài Phú vịnh chùa Vân Yên (Vịnh Vân Yên tự phú) cho thấy nghệ thuật sử dụng chữ Nôm đã có bước tiến rõ nét, trở nên dung dị, dễ hiểu: Buông niềm trần tục - Náu tới Vân Yên - Chim thụy dõi tiếng ca chim thụy - Gió tiên đưa đòi bước thần tiên. Sư còn soạn nhiều sách giảng giải kinh điển và hướng dẫn việc tu hành. Sách Tam tổ thực lục chép lời ngợi ca của sư tổ Ðiều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông: "Phàm sách đã qua tay Huyền Quang biên soạn thì không thể thêm hay bớt được một chữ nào nữa"...

Tiếc rằng ông kế nhiệm chức vụ khi tuổi đã cao nên việc đào tạo đệ tử không được rõ ràng, trong khi nguồn sáng truyền thống Trúc Lâm vẫn được duy trì và truyền mãi đến ngày nay.

Với sự hiện diện của ba vị sư tổ Trần Nhân Tông - Pháp Loa - Huyền Quang và khoảng hơn ba mươi năm hưng thịnh, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã trở thành một biểu tượng giá trị tinh thần người Việt. Trên phương diện văn hóa vật thể, dấu tích những ngôi chùa, tháp, am, đường tùng, trúc, suối Giải Oan, vườn Ngự Dược, tượng đá An Kỳ Sinh, chùa Ðồng trên đỉnh núi hợp thành một quần thể sống động giữa nơi non cao rừng thẳm. Chỉ nói riêng cái tên Trúc Lâm Yên Tử cũng đã khơi gợi được vẻ cổ kính và chiều sâu thế giới tâm linh mỗi người dân nước Việt, nơi tu hành giảng đạo của người xưa và điểm du lịch, tham quan danh thắng của người hiện đại.

Một điều quan trọng khác nữa, chính tác phẩm của ba vị sư tổ cũng trở thành những giá trị tinh thần dân tộc, vừa là di sản tư tưởng nhân văn của ông cha vừa là những áng thơ còn mãi với thời gian. Nhiều chuyên ngành khoa học xã hội như lịch sử tư tưởng, triết học, văn học, văn hóa học, tôn giáo, ngôn ngữ... đều có thể tìm đến khai thác các văn bản này. Ðiều quan trọng hơn, sự ra đời Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã góp phần cổ vũ tinh thần người dân nước Việt về khả năng phát triển những giá trị văn hóa bản địa, nội sinh trong lòng dân tộc. Ðây cũng chính là sự đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh, tín ngưỡng của mỗi cộng đồng người ở từng thời đại, giai đoạn lịch sử cụ thể.

Có thể nói sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã tạo nên trường lực hấp dẫn mạnh mẽ, tạo đà thúc đẩy sự ra đời hàng trăm ngôi chùa lớn, nhiều tầng lớp tăng chúng cùng quy hướng theo một dòng tu hành in đậm sắc thái Phật giáo dân tộc. Bản thân hình tượng ba vị sư tổ cũng được tôn thờ, nghệ thuật hóa thành tranh, tượng và nhân vật trong văn học viết cũng như truyền thuyết dân gian.

Những bài thuyết pháp, giảng đạo của các ông đồng thời cũng là những bài học đạo đức khuyên răn con người hướng thiện đã đến với muôn dân, đã được khắc in và truyền lại cho hậu thế.

Mặc dù đến hết triều Trần, Phật giáo không còn giữ được địa vị như giai đoạn trước, song tinh thần Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã kịp chuyển hóa, thấm sâu trong đời sống tinh thần dân chúng và trở thành những giá trị văn hóa bền vững trước thời gian.

Nếu văn hóa là những gì còn lại trước thời gian thì chính các giá trị vật thể và phi vật thể liên quan Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã là một minh chứng sâu sắc cho khả năng tồn tại và phát triển của một di sản văn hóa, bất chấp năm tháng và mọi thăng trầm thế sự. Theo một nghĩa rộng, di sản này đã tỏa sáng thành "tâm thức Trúc Lâm" trong lòng mỗi con người thuộc mọi thế hệ, ở khắp mọi vùng đất nước.

Theo một nghĩa cụ thể, tuy không biết rõ các thế hệ truyền thừa nhưng Thiền phái Trúc Lâm vẫn tiếp tục được mở rộng, phát triển. Nói cách khác, chưa rõ có đệ tử nào kế tiếp sau Huyền Quang, song truyền thống Trúc Lâm thì vẫn truyền mãi về sau. Tiêu biểu có sư Chân Nghiêm sống vào thế kỷ 15 đã có công in sách Thánh đăng lục, sư Chân Nguyên ở thế kỷ 17 đã tổ chức in lại sách của cả ba vị tổ và "có công phục hưng môn phái Trúc Lâm". Mặc dù khả năng tiếp nhận và sự đánh giá có khác nhau nhưng ngay cả các nhà nho nổi tiếng như Nguyễn Trãi, Lê Quý Ðôn, Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm cũng đánh giá cao Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và Phật học nói chung. Ðến ngày nay, danh phái Trúc Lâm đã được đặt thành tên cho nhiều ngôi chùa, thiền viện khắp trong nam ngoài bắc và mở rộng sang cả các nước Pháp, Mỹ, Canada, Australia, Ý...

Tất cả những điều đó cho thấy sức sống mãnh liệt của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử khi đã đạt tới giá trị văn hóa, khi đã hòa nhập được vào đời sống tinh thần dân tộc và đến với muôn vạn tấm lòng.

Một mùa xuân nữa lại đến. Người bốn phương lại hành hương về với non thiêng Yên Tử. Cách biệt với dòng người trảy hội rộn rã tiếng cười nói, khu Chùa Lân - Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử trầm lắng trong bóng chiều. Miền đất thiêng đã hóa thân trong hồn sông núi và nền văn hóa dân tộc. Bước sang thế kỷ 21, Thiền phái Trúc Lâm thêm một lần phục hưng, nguồn sáng văn hóa Trúc Lâm Yên Tử càng thêm tỏa rạng trên bản đồ Việt Nam và thế giới...

LA VĂN SƠN
(Viện Văn học)

Có thể bạn quan tâm

back to top