Thiếu cát san lấp, nguy cơ chậm tiến độ dự án vành đai 3

Trong khi tiến độ công trình vành đai 3 đang ở giai đoạn thi công gấp rút, tình trạng thiếu cát san lấp vẫn là "nút thắt" lớn nhất tác động đến hầu hết các gói thầu ở phía tây Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố vừa giao Sở Xây dựng thành lập tổ công tác đặc biệt, giám sát chặt chẽ tình hình thi công và cung ứng vật liệu, nhất là cát san lấp, không để công trình chậm tiến độ.
0:00 / 0:00
0:00
Thiếu cát san lấp, nguy cơ chậm tiến độ dự án vành đai 3

Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh (Ban Giao thông), chủ đầu tư, tính đến giữa tháng 5/2025, dự án đường vành đai 3 đã triển khai toàn bộ 10 gói thầu xây lắp chính với sản lượng đạt khoảng 38,82% giá trị hợp đồng. Nhiều gói thầu đạt tiến độ khá như XL3 (56,37%), XL2 (43,26%) và XL6 (44,92%). Nhìn chung, tiến độ của toàn dự án hiện chỉ đạt khoảng 35-37%, chủ yếu do phần đường bị chậm trễ vì thiếu cát san lấp thi công. Nhà thầu Trường Sơn, một trong các nhà thầu thi công khu vực phía tây dự án phản ánh: Tình trạng thiếu cát san lấp đang là thách thức lớn. Dù đã ký hợp đồng cung ứng vật liệu, nhà thầu vẫn phải tìm nguồn cát thay thế từ Campuchia với chi phí cao và nguồn cung không ổn định vừa tác động đến tiến độ vừa “đội” kinh phí. Một số mỏ cát tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long sau khi được quy hoạch lại tạm dừng cấp phép, khiến nhà thầu buộc phải chấp nhận bù lỗ mua cát khắp nơi để giữ tiến độ thi công.

Giám đốc Ban Giao thông Lương Minh Phúc cho hay: Trong nhiều tháng qua, khối lượng cát đắp nền chỉ cung ứng đạt khoảng 40-50% so với nhu cầu. Tổng nhu cầu cát đắp nền cho đường vành đai 3 khoảng 6,6 triệu m3, đến nay các đơn vị mới huy động 2,15 triệu m3, tức còn thiếu khoảng 3,7 triệu m3. Trong giai đoạn cao điểm từ tháng 5 đến tháng 8, mỗi tháng cần khoảng 500.000 m³ để bảo đảm tiến độ gia cố nền đường.

Theo các nhà thầu thi công dự án vành đai 3, nếu các mỏ cát ở miền tây được nâng công suất và giảm giá thành sẽ hỗ trợ rất nhiều cho công tác huy động cát về công trường. Các nhà thầu cũng đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ chỉ đạo, cấp “logo nhận diện” cho xe vận chuyển vật liệu phục vụ dự án vành đai 3 nhằm tạo điều kiện lưu thông nhanh chóng. Đồng thời, yêu cầu các sở, ngành địa phương hỗ trợ tối đa việc vận chuyển cát về công trường. Cũng theo Ban Giao thông, ngoài khan hiếm nguồn cát để vận chuyển từ các mỏ ở miền tây về công trường, sà-lan phải qua tám trạm kiểm soát như đường thủy, biên phòng hoặc tổ liên ngành... với các quy trình lòng vòng, gây khó rất lớn cho nhà thầu.

“Dù Chính phủ đã có chỉ đạo sát sao, thực tế triển khai vẫn đang gặp độ “vênh” giữa chỉ đạo và thực tiễn. Trước áp lực tiến độ, Ban Giao thông cam kết sẽ nâng cao tinh thần trách nhiệm và đẩy mạnh thi công, với quyết tâm “gấp mười lần trước đây” để đưa dự án về đích đúng hạn”, ông Phúc cam kết với lãnh đạo thành phố. Qua tính toán, tổng nhu cầu cát đắp nền đường của toàn dự án đường vành đai 3 đi qua ba tỉnh và Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 8,5 triệu m3. Trong đó, nhu cầu cát đắp cho dự án đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh nhiều nhất với 6,6 triệu m3, Đồng Nai là 0,5 triệu m3; Bình Dương 0,7 triệu m3 và Long An 0,72 triệu m3. Theo Ban Giao thông, Thành phố Hồ Chí Minh chiếm khoảng 40% chiều dài toàn tuyến nên khối lượng cát thi công tương ứng đòi hỏi rất nhiều. Nếu không có cách làm quyết liệt nguy cơ sẽ tác động rất lớn đến tiến độ toàn dự án trọng điểm này.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được mới đây khi đi thị sát công trình đã giao Sở Xây dựng thành lập một tổ công tác đặc biệt nhằm giám sát chặt chẽ tiến độ thi công và việc cung ứng vật liệu, nhất là cát san lấp cho các gói thầu phía tây dự án vành đai 3. Tổ này có trách nhiệm báo cáo định kỳ mỗi tuần để lãnh đạo thành phố kịp thời chỉ đạo, xử lý. Đồng thời, Sở Xây dựng theo dõi và tổng hợp khó khăn mà các nhà thầu đang gặp phải; trong đó có vấn đề biến động giá vật liệu để có cơ sở kiến nghị lên Chính phủ. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố còn yêu cầu các nhà thầu phải huy động tối đa nguồn lực, tăng ca thi công, chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị; đồng thời có giải pháp cụ thể xử lý chậm tiến độ, vướng mắc về nền đất yếu. Bên cạnh đó, thành phố cũng lưu ý việc kết nối đồng bộ giữa đường vành đai 3 và cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài nhằm bảo đảm hiệu quả đầu tư, phát huy tối đa năng lực khai thác các tuyến đường trục chiến lược của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Trước đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre nâng công suất mỏ khai thác và đẩy nhanh các thủ tục để đi vào khai thác các mỏ cát mới được cấp phép, nhằm kịp thời hỗ trợ nguồn vật liệu cát thi công dự án vành đai 3.

Dự án đường vành đai 3 đặt mục tiêu thông xe kỹ thuật đoạn Thủ Đức và đoạn Củ Chi-Hóc Môn-Bình Chánh vào cuối năm 2025, tiến tới thông xe toàn tuyến chính cao tốc vào ngày 30/4/2026. Do đó, nếu thành phố không nỗ lực tối đa trong việc huy động nguồn cát đắp nền cũng như “tạo luồng xanh” cho cát lưu thông thì sẽ phải đối diện nguy cơ chậm tiến độ ■