Thông cáo báo chí số 17, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV

NDO - Thứ Sáu, ngày 23/5/2025, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV tiếp tục ngày làm việc thứ mười bảy tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh phiên họp ở hội trường chiều 23/5. (Ảnh: BÙI GIANG)
Quang cảnh phiên họp ở hội trường chiều 23/5. (Ảnh: BÙI GIANG)

BUỔI SÁNG

Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung: (i) Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025; (ii) Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023; (iii) Việc bổ sung ngân sách chi thường xuyên (nguồn viện trợ không hoàn lại nước ngoài) năm 2025; (iv) Việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước; (v) Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024; (vi) Kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2024.

BUỔI CHIỀU

Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải để tiến hành các nội dung sau:

- Nội dung 1: Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Tại phiên thảo luận có 17 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến; 1 lượt đại biểu Quốc hội tham gia tranh luận. Đa số các ý kiến đại biểu tán thành về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung và nhiều nội dung của dự thảo Luật; đồng thời, phân tích, đánh giá làm sâu sắc thêm các nội dung cụ thể, như:

Về Luật Đấu thầu: các ý kiến tập trung phát biểu về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các hình thức lựa chọn nhà thầu, chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh; phương pháp đánh giá, lựa chọn nhà thầu; xét duyệt trúng thầu đối với gói thầu xây lắp; quy định đối với nhà đầu tư là doanh nghiệp khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; thủ tục chỉ định thầu với các gói thầu mang tính đặc thù như tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch; áp dụng Luật Đấu thầu, pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế; thỏa thuận về vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài…

Về Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP): các ý kiến tập trung vào trình tự lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, nhiệm vụ chuẩn bị giải phóng mặt bằng; quy trình thực hiện đối với dự án PPP; thẩm quyền phê duyệt dự án PPP và thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP; hợp đồng dự án PPP; ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, bao gồm cả lựa chọn nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư quốc tế; cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu…

Về Luật Đầu tư: các ý kiến phát biểu về việc lựa chọn nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư quốc tế; trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội; ngành, nghề ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư…

Về Luật Đầu tư công: các ý kiến phát biểu về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án thực hiện trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp xã trở lên; nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, xã; tiêu chí phân loại dự án nhóm A; nhiệm vụ chuẩn bị giải phóng mặt bằng; thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm…

Về Luật Quản lý, sử dụng tài sản công: các ý kiến phát biểu về phạm vi điều chỉnh; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công…

Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng thay mặt cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

- Nội dung 2: Quốc hội thảo luận về việc bổ sung ngân sách chi thường xuyên (nguồn viện trợ không hoàn lại nước ngoài) năm 2025. Tại phiên thảo luận các đại biểu Quốc hội nhất trí với nội dung Tờ trình và dự thảo Nghị quyết. Sau phiên thảo luận, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc bổ sung ngân sách chi thường xuyên (nguồn viện trợ không hoàn lại nước ngoài) năm 2025 bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 443 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 92,68% tổng số đại biểu Quốc hội), có 441 đại biểu tán thành (bằng 92,26% tổng số đại biểu Quốc hội), có 2 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,42% tổng số đại biểu Quốc hội).

Thứ bảy, ngày 24/5/2025, Buổi sáng: Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, tiến hành các nội dung: (i) nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; (ii) nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Dẫn độ; (iii) thảo luận về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; (iv) thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội. Buổi chiều: Các cơ quan làm việc theo chương trình riêng.