Tỉnh đoàn Ðắk Lắk vừa tổ chức Lễ khởi động Tháng Thanh niên năm 2025 với chủ đề “Tuổi trẻ Ðắk Lắk tự hào, vững tin theo Ðảng”. Theo đó, trong Tháng Thanh niên năm nay, tuổi trẻ Ðắk Lắk xác lập chín chỉ tiêu để phấn đấu thực hiện gồm: Thành lập 200 đội hình tình nguyện, thực hiện 200 công trình, phần việc thanh niên; thành lập 195 đội hình hỗ trợ “Bình dân học vụ số” tập huấn, phổ cập kỹ năng số cho 10.000 người dân; triển khai 388 hoạt động tình nguyện tham gia xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; triển khai 201 hoạt động tình nguyện bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong Tháng Thanh niên năm 2025, tuổi trẻ Ðắk Lắk phấn đấu hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 30 nhà tạm, nhà dột nát với 1.200 ngày công hỗ trợ từ đoàn viên, thanh niên; triển khai 201 hoạt động tình nguyện bảo đảm trật tự an toàn giao thông; triển khai 201 hoạt động tình nguyện bảo đảm an sinh xã hội; kết nạp 9.600 đoàn viên; giới thiệu 1.240 đoàn viên ưu tú cho Ðảng xem xét kết nạp…
Hơn 23.000 ha cà-phê đạt các tiêu chuẩn chứng nhận
Ðắk Nông hiện có hơn 142.000 ha cà-phê, chiếm hơn 35% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Sản lượng cà-phê năm 2024 đạt hơn 340.256 tấn, chiếm hơn 18% sản lượng cả nước. Hiện nay, diện tích cà-phê sản xuất theo các tiêu chuẩn chứng nhận đạt khoảng 23.000 ha, với sản lượng khoảng 82.000 tấn/năm.
Trong đó, diện tích cà-phê có chứng nhận VietGAP là 220 ha, chứng nhận hữu cơ 90 ha và các tiêu chuẩn khác hơn 23.179 ha. Ðắk Nông hiện có 12 hợp tác xã, 13 doanh nghiệp sản xuất cà-phê liên kết với tổng diện tích gần 13.300 ha, sản lượng gần 41.000 tấn; 17 sản phẩm cà-phê của 14 chủ thể đã được chứng nhận OCOP.
Thời gian tới, tỉnh sẽ gắn việc mở rộng thị trường xuất khẩu với tái cơ cấu ngành trồng cà-phê nhằm nâng cao giá trị và tăng sức cạnh tranh, xây dựng các chuỗi giá trị kinh tế nông nghiệp theo hướng lấy hợp tác xã, doanh nghiệp làm trung tâm và ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp bền vững.
Lâm Đồng có 97 dự án FDI còn hiệu lực hoạt động
Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Ðồng thông tin, trên địa bàn tỉnh có 97 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực hoạt động, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 13,7 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 581 triệu USD; quy mô diện tích đất sử dụng khoảng 2.246 ha. Ðến nay, có 91 dự án đã hoàn thành toàn bộ và đi vào hoạt động, vốn thực hiện hơn 10,1 nghìn tỷ đồng.
![]() |
Sản xuất hoa công nghệ cao tại doanh nghiệp FDI-Công ty TNHH Dalat Hasfarm, thành phố Ðà Lạt, Lâm Ðồng. |
Năm 2024, toàn tỉnh thu hút 3 dự án đầu tư, với số vốn đăng ký đầu tư là 95 tỷ đồng; 37 dự án được điều chỉnh chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đầu tư tăng thêm hơn 6.350 tỷ đồng; 10 dự án bị thu hồi, chấm dứt hoạt động. Toàn tỉnh có 935 dự án đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 149,5 nghìn tỷ đồng; trong đó có 678 dự án đã hoàn thành đầu tư, đi vào hoạt động.
Gia Lai yêu cầu các địa phương bảo đảm đủ vật liệu cho cao tốc Quy Nhơn-Pleiku
Tỉnh Gia Lai vừa có văn bản đề nghị cấp huyện phải bảo đảm đủ nguyên vật liệu phục vụ dự án cao tốc Quy Nhơn-Pleiku. Theo đó Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai yêu cầu: Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố rà soát, cập nhật các khu vực mỏ khoáng sản vào điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2030 và Kế hoạch sử dụng đất năm 2025.
Từ đó, làm cơ sở cấp giấy phép khai thác khoáng sản thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản, hoặc cấp giấy phép khai thác khoáng sản không thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản cho các tổ chức được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền lựa chọn là nhà thầu thi công các dự án quan trọng quốc gia, dự án đầu tư công khẩn cấp, công trình, hạng mục công trình thuộc chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định của pháp luật về đầu tư công (theo quy định tại khoản 2 Ðiều 72 Luật Ðịa chất và Khoáng sản).
Giải đua thuyền độc mộc trên sông Đăk Bla
Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum vừa tổ chức Giải đua thuyền độc mộc thu hút sự tham gia của 56 vận động viên với 31 thuyền đua của 12 xã, phường trên địa bàn thành phố tranh tài ở nội dung 400m và 1.000m.
Ðây là hoạt động thể thao truyền thống của địa phương được tổ chức hằng năm nhằm khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số. Ðây còn là sân chơi lành mạnh, bổ ích để các đơn vị có điều kiện gặp gỡ, giao lưu...
Các đơn vị tham gia giải đều có sự quan tâm, đầu tư tập luyện kỹ lưỡng, tạo nên một giải đấu có chất lượng. Trong quá trình thi đấu, các đội thuyền đã cống hiến nhiều pha cạnh tranh gay cấn, kịch tính, nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả.