Thừa Thiên-Huế phục dựng Lễ tế đàn Xã Tắc

NDO - Tối 2-4 (tức 22-2 âm lịch), Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức phục dựng Lễ tế đàn Xã Tắc tại phường Thuận Hòa (TP Huế). Là một trong những lễ hội cung đình truyền thống tiêu biểu, lễ tế đàn Xã Tắc mang đậm tính nhân văn với những đặc trưng văn hóa nông nghiệp lúa nước của dân tộc Việt Nam.

Nghi lễ tế Xã Tắc được tổ chức vào tháng 2 âm lịch hằng năm, nhằm tôn vinh nền nông nghiệp nước nhà, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, đem lại hạnh phúc ấm no cho nhân dân. Hiện nay, chỉ duy nhất tại Thừa Thiên-Huế còn bảo tồn được đàn Xã Tắc cùng những tư liệu liên quan đến Lễ tế Xã Tắc.

Ðề nghị lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là di sản quốc gia

Chiều 2-4, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi Nguyễn Ðăng Vũ cho biết: Sở vừa hoàn thành hồ sơ khoa học trình UBND tỉnh xem xét đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của quốc gia. Hiện nay, Sở cũng đã trình UBND tỉnh hồ sơ công nhận đình làng An Vĩnh (nơi thờ binh lính thủy đội Hoàng Sa và cũng là nơi diễn ra lễ khao lề thế lính Hoàng Sa trong nhiều thế kỷ trước và cả bây giờ) để UBND tỉnh Quảng Ngãi xem xét, trình  Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa do các tộc họ trên đảo Lý Sơn tổ chức vào tháng 3 âm lịch hằng năm để tri ân những người con đất đảo trong nhiều thế kỷ trước vâng lệnh vua truyền đi bảo vệ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Tổ quốc.

Tưng bừng lễ hội cầu ngư ở xã Ngư Lộc

Sáng 2-4, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) tổ chức lễ hội cầu ngư 2013. Ðây là lễ hội truyền thống được tổ chức hằng năm  ở nhiều xã ven biển tỉnh Thanh Hóa với mong ước trời yên, biển lặng, đánh bắt hải sản bội thu, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân vùng ven biển. Năm 2005, lễ hội cầu ngư có nguồn gốc từ lễ hội cầu mát của cư dân Diêm Phố xưa ở xã Ngư Lộc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể. Lễ hội năm nay thu hút hàng nghìn người dân, khách thập phương tham gia các hoạt động văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc như: múa lân, biểu trống hội, thi cờ tướng, kéo co, câu mực, kéo lưới, hò đối, biểu diễn nhạc lưu thủy... Lễ hội cầu ngư xã Ngư Lộc sẽ kéo dài đến 4-4.

Dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Ngày 2-4, tại thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Hợp tác xã sản xuất kinh doanh Dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp đã tổ chức Lễ công bố và nhận Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể "Dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp" do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp. Hợp tác xã được thành lập tháng 12-2010, ban đầu chỉ có 25 xã viên với 30 khung dệt, vốn lưu động là 125 triệu đồng, Nhờ năng động với phương thức sản xuất mới, cho nên sản phẩm nhanh chóng được thị trường đón nhận. Ðến nay, HTX đã tăng lên 72 xã viên, vốn lưu động hơn 700 triệu đồng. Từ năm 2011 đến nay HTX đạt doanh thu 1 tỷ 450 triệu đồng, lợi nhuận hơn 330 triệu đồng, mỗi xã viên được chia lợi nhuận từ 2,4 đến 2,8 triệu đồng/tháng (bằng 56% mức đóng góp ban đầu).

Bảo đảm ôn thi tốt nghiệp THPT đạt hiệu quả nhưng không gây quá tải

Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) vừa ban hành văn bản hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2013. Theo đó, các sở GD và ÐT chỉ đạo các trường THPT hoàn thành chương trình lớp 12 theo đúng kế hoạch; tuyệt đối không được cắt xén chương trình đã quy định. Ngoài ra, các tổ chuyên môn, giáo viên dạy các môn thi tốt nghiệp THPT tổ chức việc ôn tập bảo đảm thời gian, tập trung vào những yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THPT. Trong việc tổ chức ôn tập cần hướng dẫn học sinh vận dụng, lựa chọn các phương pháp ôn tập phù hợp với nội dung của môn học. Các trường chọn giáo viên có kinh nghiệm hướng dẫn ôn tập nhiều hơn cho học sinh học lực yếu; với học sinh khá, giỏi cần có thời gian ôn tập linh hoạt và tăng cường tự học. Ðáng chú ý, học sinh cần bảo đảm sức khỏe và ôn tập có hiệu quả nhưng không gây quá tải.

Buộc thôi việc 28 giáo viên mầm non dùng bằng giả tại Quảng Bình

Ngày 2-4, tin từ UBND huyện Bố Trạch (Quảng Bình) cho biết, qua đợt rà soát hơn 400 văn bằng của giáo viên mầm non được tuyển dụng trong hai năm 2011 và 2012, cơ quan chức năng đã phát hiện 28 trường hợp sử dụng bằng giả và hàng chục văn bằng khác có nghi vấn. UBND huyện đang hoàn tất thủ tục để ban hành quyết định buộc thôi việc 28 giáo viên mầm non sử dụng bằng giả; các trường hợp nghi vấn khác đang được làm rõ.

Huyện Bố Trạch đang phối hợp các ngành chức năng tỉnh Quảng Bình điều tra làm rõ đường dây làm bằng giả cho giáo viên mầm non trên địa bàn; đồng thời tiếp tục rà soát các văn bằng về y tế học đường trong các trường mầm non, tiểu học và THCS để phát hiện và xử lý các vi phạm về bằng cấp.

Số vụ ngộ độc thực phẩm giảm so cùng kỳ năm trước

Ngày 2-4, tại buổi gặp mặt các cơ quan báo chí, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: Do quý I năm 2013, là thời điểm vào dịp Tết Nguyên đán, cho nên nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm của người dân tăng cao, là cơ hội cho hàng giả, hàng kém chất lượng xâm nhập vào thị trường... Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm thời tiết chuyển sang mùa xuân, đối với khu vực phía nam là nắng nóng, với khu vực phía bắc không khí ẩm, mưa nhiều, thường dẫn đến các loại thực phẩm dễ ôi, thiu, ẩm, mốc, do vậy nguy cơ ngộ độc thực phẩm là rất cao. Tuy nhiên, với sự chủ động của các cấp, chính quyền, ngành y tế và người dân trong công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm, vì vậy số vụ ngộ độc thực phẩm đã giảm so cùng kỳ năm 2012. Tính đến ngày 31-3, cả nước ghi nhận được 18 vụ ngộ độc (giảm sáu vụ), với 548 người mắc (giảm 156 người), 427 người nhập viện (giảm 141 người). Nguyên nhân dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm thời gian qua, chủ yếu vẫn là do vi sinh vật, độc tố tự nhiên...

 Tập trung giám sát bệnh tay, chân, miệng trong các trường học, khu nhà trọ ở TP Hồ Chí Minh

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh, bệnh tay, chân, miệng (TCM) trên địa bàn thành phố đang có xu hướng tăng lên. Tuần trước, thành phố có 156 trường hợp mắc TCM phải nhập viện, tăng 26% so với tuần kế trước. Ngành y tế thành phố cũng đã yêu cầu đóng cửa Trường mầm non Hoa Lan (xã An Phú Tây, Bình Chánh) để xử lý ổ dịch tại đây.

Từ đầu năm đến nay, TP Hồ Chí Minh xuất hiện hơn 1.300 ca TCM, trong đó có hai trường hợp chết. Hiện có sáu phường, xã của thành phố có từ bốn ca TCM trở lên. Ðể ngăn chặn bệnh TCM tăng cao, Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh thực hiện giám sát chặt chẽ công tác phòng, chống dịch bệnh và yêu cầu các quận, huyện tăng cường công tác truyền thông; kiểm soát bệnh, nhất là tại các trường mầm non, nhóm trẻ gia đình và các khu nhà trọ; xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra.

PV