Thúc đẩy phát triển nông thôn miền núi tại Điện Biên

Trong những năm qua, hoạt động chuyển giao, ứng dụng và đổi mới công nghệ tại tỉnh Điện Biên đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đặc biệt là trong các lĩnh vực nông nghiệp, văn hóa, và du lịch. Để đạt được hiệu quả tối ưu, tỉnh cần chú trọng hơn nữa vào việc thương mại hóa sản phẩm công nghệ, xây dựng hệ thống dịch vụ hỗ trợ chuyển giao công nghệ, và tạo ra liên kết mạnh mẽ giữa các cơ quan nghiên cứu, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất.
Mô hình dưa lưới được Sở Khoa học và Công nghệ Điện Biên thực hiện trồng thí điểm.
Mô hình dưa lưới được Sở Khoa học và Công nghệ Điện Biên thực hiện trồng thí điểm.

Thông qua các dự án trong Chương trình Nông thôn miền núi giai đoạn 2016-2025, tỉnh đã thực hiện chuyển giao 54 quy trình công nghệ liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi và đào tạo cho 99 cán bộ kỹ thuật tại các doanh nghiệp, hợp tác xã. Hơn 1.000 lượt người dân trên địa bàn tỉnh cũng đã được tham gia các khóa đào tạo, giúp nâng cao năng lực sản xuất và ứng dụng khoa học công nghệ vào đời sống.

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Điện Biên đã tổ chức chuyển giao 18 kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ cho các cơ quan, tổ chức có nhu cầu ứng dụng và phát huy kết quả nghiên cứu. Những kết quả này đã được áp dụng rộng rãi vào thực tế, góp phần nâng cao hiệu quả trong các lĩnh vực cụ thể.

Cụ thể, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ứng dụng kết quả các nhiệm vụ nghiên cứu vào việc tham mưu và xây dựng cơ chế chính sách, pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước. Một trong những ví dụ điển hình là việc xây dựng và thực hiện các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên 2024, cũng như các chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Sở cũng đã tổ chức các chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị, bao gồm các lễ hội lớn như Lễ hội Hoa Ban 2022, 2023 và Lễ hội Hoa Ban 2024, cùng các sự kiện văn hóa, du lịch tại Điện Biên và các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, việc phục dựng 10 điệu múa truyền thống và biên đạo lại thành các tác phẩm nghệ thuật đã giúp nâng cao chất lượng biểu diễn nghệ thuật, phục vụ nhiệm vụ chính trị và quảng bá du lịch. Các sản phẩm nghiên cứu như tập bản đồ tuyến điểm du lịch Điện Biên, tờ gấp giới thiệu về Di tích lịch sử quốc gia Chiến trường Điện Biên, cẩm nang du lịch cộng đồng và các bộ tranh, thơ về Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã được phân phối cho các doanh nghiệp lữ hành, góp phần phát triển ngành du lịch của tỉnh.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo triển khai ứng dụng các sản phẩm khoa học và công nghệ vào giảng dạy và các hoạt động ngoại khóa. Các sản phẩm này đã được lồng ghép vào các môn học như Giáo dục công dân, Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, đặc biệt là trong môn Lịch sử và Địa lý. Điều này giúp học sinh hiểu rõ hơn về giá trị lịch sử và văn hóa của tỉnh, đồng thời truyền bá những giá trị này đến khách du lịch trong nước và quốc tế.

Các huyện cũng đã triển khai hiệu quả các mô hình chuyển giao công nghệ. Điển hình là mô hình sản xuất rau an toàn bền vững tại bản Cuông, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo, với diện tích 0,5ha, sản lượng đạt 50 tấn rau mỗi năm. Mô hình này mang lại thu nhập cao gấp 2-3 lần so với sản xuất đại trà. Bên cạnh đó, mô hình chăn nuôi gà thịt J-DABACO tại xã Quài Cang và xã Quài Nưa đã thu hút sự tham gia của 15 hộ dân, đạt tỷ lệ sống 93,5%, với trọng lượng gà đạt khoảng 2,8kg. Ngoài ra, mô hình nhân rộng giống lúa nếp cẩm ĐH6 tại xã Mường Mùn cũng đạt năng suất cao.

Tuy vậy, so với số lượng đề tài và dự án nghiên cứu, khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường chưa cao. Tỉnh chưa có tổ chức cung cấp dịch vụ môi giới, tư vấn, xúc tiến chuyển giao công nghệ, hay dịch vụ hỗ trợ phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Hơn nữa, sự liên kết giữa các cơ quan quản lý khoa học công nghệ, viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp vẫn còn yếu. Hầu hết các kết quả nghiên cứu chỉ ở giai đoạn thử nghiệm và chưa được kiểm nghiệm rộng rãi. Các doanh nghiệp tại tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, với tiềm lực hạn chế, nên họ thường ưu tiên lựa chọn các công nghệ đã hoàn thiện và sẵn sàng đưa vào sản xuất.