Thúc đẩy phong trào thể thao người khuyết tật Việt Nam

NDO -

Chiều 15/5, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương đã tiếp và làm việc với ông Andrew Parsons, Chủ tịch Ủy ban Paralympic quốc tế (IPC) nhằm thúc đẩy hợp tác, nâng cao chất lượng phong trào thể thao người khuyết tật tại Việt Nam.

0:00 / 0:00
0:00
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương tiếp Chủ tịch Ủy ban Paralympic quốc tế Andrew Parsons.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương tiếp Chủ tịch Ủy ban Paralympic quốc tế Andrew Parsons.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết: Hiệp hội Thể thao người khuyết tật Việt Nam nay là Ủy ban Paralympic Việt Nam ra đời từ năm 1995. Là một quốc gia từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh, Việt Nam hiện có hơn sáu triệu người khuyết tật, trong đó có khoảng 30 nghìn vận động viên khuyết tật thường xuyên tập luyện các môn thể thao.

Trong gần 30 năm phát triển, thể thao người khuyết tật có bước phát triển tích cực. Trong 10 năm trở lại đây, thể thao người khuyết tật Việt Nam hội nhập sâu rộng và thi đấu tại nhiều giải đấu quốc tế. Dù chưa có nhiều thành tích nổi bật nhưng thể thao người khuyết tật Việt Nam đã khẳng định được vị thế nhất định trong khu vực và châu lục.

Tại Paralympic Rio 2016, đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam đã giành 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc và 2 huy chương đồng.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cũng chỉ ra nhiều khó khăn đang đặt ra đối với thể thao người khuyết tật Việt Nam. Trước hết là về nhận thức, việc tài trợ cho thể thao người khuyết tật vẫn bị xem như hoạt động mang tính từ thiện. Việc thiếu kinh phí, huấn luyện viên dành riêng cho người khuyết tật đang là rào cản. Ngoài ra, hệ thống tiêu chí phân loại, đánh giá mức độ khuyết tật để lựa chọn môn thể thao phù hợp chưa đầy đủ, đồng bộ… dẫn đến khó khăn trong tập luyện và thi đấu.

Thúc đẩy phong trào thể thao người khuyết tật Việt Nam ảnh 1

IPC sẵn sàng đồng hành hỗ trợ phong trào thể thao cho người khuyết tật Việt Nam.

Chủ tịch IPC Andrew Parsons bày tỏ sự quan tâm về những thách thức, khó khăn mà phong trào thể thao người khuyết tật Việt Nam đang đối mặt. Nhấn mạnh IPC có 180 quốc gia thành viên, trong đó nhiều quốc gia cũng đã nhận được sự hỗ trợ không hoàn lại về tài chính và chuyên môn, ông Andrew Parsons khẳng định, IPC sẵn sàng đồng hành hỗ trợ phong trào thể thao cho người khuyết tật Việt Nam, giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng.

Theo ông Andrew Parsons, nhiều quốc gia từng có quan niệm chưa đầy đủ về thể thao người khuyết tật. Tuy nhiên, thông qua truyền thông, quảng bá hình ảnh, các sự kiện quốc tế và các kỳ đại hội thể thao… nhận thức về thể thao người khuyết tật đã thay đổi. Từ năm 2017, IPC đã luôn nhấn mạnh về quyền con người, trong đó thể thao người khuyết tật không chỉ là hoạt động nhân đạo mà là một phần không thể thiếu của phong trào thể thao quốc tế.

Để thúc đẩy phong trào thể thao người khuyết tật, điều quan trọng là nâng cao nhận thức thông qua các hoạt động truyền thông, quảng bá và tổ chức thi đấu, từ đó lan tỏa tinh thần thể thao và hòa nhập xã hội. IPC sẵn sàng phối hợp cùng Việt Nam tổ chức các sự kiện không chỉ dành riêng vận động viên mà cho toàn thể cộng đồng người khuyết tật, đồng thời hỗ trợ Việt Nam trong công tác tuyên truyền, mang tới những hình ảnh, truyền hình trực tiếp để thay đổi nhận thức về thể thao người khuyết tật...

Sáng cùng ngày, tại Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Paralympic Việt Nam Huỳnh Vĩnh Ái cũng đã có buổi tiếp và làm việc với Chủ tịch IPC Andrew Parsons cùng đoàn công tác.