Thực hiện tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025

NDO - Cuộc tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 nhằm xây dựng một nền tảng dữ liệu đủ mạnh để phục vụ công tác hoạch định chính sách, phân tích xu hướng phát triển, phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia và đáp ứng các yêu cầu mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Từ ngày 1/7/2025, Cục Thống kê thực hiện tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Đây là 1 trong 3 cuộc tổng điều tra thống kê có quy mô lớn nhất, được tổ chức theo chu kỳ 10 năm/lần, nhằm thu thập thông tin toàn diện về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và thực trạng phát triển nông thôn trên phạm vi cả nước.

Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 bao phủ tất cả các hộ dân cư có hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, là cơ sở quan trọng để xác định địa bàn điều tra, bảo đảm không trùng lặp hay bỏ sót bất kỳ đơn vị điều tra nào.

Cục Thống kê cho biết, Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp 2025 có nhiều điểm mới. Đó là, thông tin thu thập nhiều hơn so với Tổng điều tra năm 2016; mức độ thu thập thông tin bao phủ đầy đủ hơn. Cụ thể là thu thập thông tin của toàn bộ cây trồng, vật nuôi của hộ thay vì chỉ thu thập thông tin đối với một số cây trồng, vật nuôi chủ yếu.

Bổ sung thông tin để đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất của trang trại; bổ sung Phiếu thu thập thông tin của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên minh hợp tác xã nhằm bảo đảm đầy đủ phạm vi của Tổng điều tra. Tại các cuộc Tổng điều tra trước đây, việc thiết kế phiếu hỏi này được thực hiện trong khuôn khổ điều tra mẫu doanh nghiệp của năm.

Bên cạnh đó, Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 cũng có sự thay đổi về thiết kế và phương pháp thực hiện phiếu bảng kê hộ giúp thu thập đầy đủ thông tin và tiết kiệm kinh phí; kết nối thông tin của Phiếu trang trại và Phiếu hộ dân cư giúp nâng cao chất lượng thông tin và khai thác các thông tin đa chiều phục vụ phân tích và biên soạn báo cáo.

Điểm mới khác là cuộc Tổng điều tra lần này thực hiện khai thác tối đa dữ liệu hành chính và dữ liệu điều tra hiện có, nhằm giảm thiểu thu thập thông tin từ thực địa, giúp nâng cao hiệu quả của Tổng điều tra; thay đổi về hình thức thu thập thông tin sử dụng phiếu điều tra điện tử (CAPI và Webform) và cách thức quản lý dữ liệu trực tuyến nhằm kiểm soát tiến độ, chất lượng điều tra và rút ngắn thời gian thu thập thông tin so với phiếu giấy.

Đây cũng là cuộc Tổng điều tra được ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra, làm sạch và hoàn thiện số liệu như ứng dụng học máy để kiểm tra hoàn thiện mã ngành của hộ dựa trên căn cứ về ngành của lao động trong hộ; sử dụng bản đồ số trong một số công đoạn của Tổng điều tra.

Mục đích chính của Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp 2025 nhằm đánh giá thực trạng, phân tích xu hướng biến đổi, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển bền vững cho khu vực nông thôn và ngành nông, lâm, thủy sản. Từ đó, cải thiện mức sống cho người dân nông thôn trên phạm vi cả nước cũng như của từng địa phương;

Phục vụ nghiên cứu đánh giá quy mô, cơ cấu lao động nông thôn và lao động nông, lâm, thủy sản; thay đổi kết cấu hạ tầng nông thôn; tình hình thực hiện một số nội dung của các chương trình, mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực nông thôn và nông, lâm, thủy sản; phục vụ so sánh quốc tế về các chỉ tiêu nông thôn và khu vực nông, lâm, thủy sản;

Xây dựng cơ sở dữ liệu về nông thôn và nông, lâm, thủy sản, phục vụ công tác nghiên cứu chuyên sâu, làm dàn chọn mẫu cho một số cuộc điều tra định kỳ hàng năm về lĩnh vực nông, lâm, thủy sản và đáp ứng các yêu cầu thống kê khác.

Theo Cục Thống kê, Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 không chỉ là một nhiệm vụ thống kê mà còn là cuộc tổng rà soát toàn diện, khoa học và chính xác về thực trạng khu vực nông thôn, nông nghiệp, từ đó định hình các chính sách phát triển bền vững, hiệu quả và sát thực tế.

Do đó, sự hợp tác của mỗi người dân sẽ góp phần quan trọng tạo nên bức tranh toàn diện về nông thôn Việt Nam, góp phần giúp Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng hoạch định được các chính sách đúng đắn, phục vụ người dân và đất nước, vì một nông thôn, nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.