Thuế đối ứng, hiệu quả không tương xứng

Hội nghị LHQ về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) kêu gọi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump loại các nền kinh tế nghèo và quy mô nhỏ khỏi danh sách các đối tác chịu thuế đối ứng. Theo LHQ, chính sách “thuế quan có đi có lại” không mang lại lợi ích đáng kể cho thương mại Mỹ, song lại gây tác hại nghiêm trọng cho những nền kinh tế đang phát triển dễ bị tổn thương.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: ALEN LAUZÁN
Biếm họa: ALEN LAUZÁN

Lời kêu gọi được đưa ra sau khi Tổng thống Trump hôm 9/4 thông báo tạm dừng triển khai thuế đối ứng trong 90 ngày. Theo kế hoạch trước đó, Mỹ sẽ áp “thuế qua lại” với 57 đối tác thương mại, dao động từ mức 11% (với Cameroon) đến 50% (với Lesotho), tùy theo mức thâm hụt thương mại với Mỹ.

Trong báo cáo cập nhật tình hình thương mại toàn cầu, với tiêu đề “Tăng thuế quan: Tác động đến những nền kinh tế nhỏ và dễ bị tổn thương”, UNCTAD nhận định, việc chính quyền Tổng thống Trump hoãn áp thuế mới mang đến “cơ hội quan trọng” để xem xét miễn trừ, nhất là đối với các nền kinh tế nhỏ và các nước kém phát triển. UNCTAD nêu rõ, “thuế qua lại” áp với những đối tác như vậy không giúp ích nhiều cho mục tiêu mà Chính quyền Mỹ đã nêu là giảm thâm hụt thương mại và tăng nguồn thu cho ngân sách quốc gia.

Theo UNCTAD, những nền kinh tế nhỏ có mức xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ rất thấp và cơ hội xuất khẩu của Mỹ đến những nước này cũng hạn chế. Trong số 57 đối tác chịu “thuế quan qua lại” của Mỹ có 11 nền kinh tế kém phát triển; 36 đối tác đóng góp riêng rẽ chưa đến 1% doanh thu thuế quan hiện tại của Mỹ; 28 đối tác có mức thâm hụt thương mại song phương với Mỹ chưa đầy 0,1%.

UNCTAD cũng lưu ý rằng, mặt hàng chính mà các quốc gia có quy mô kinh tế nhỏ xuất khẩu sang Mỹ là những sản phẩm nông nghiệp mà Mỹ khó tìm được thay thế ở nơi khác, chẳng hạn vani của Madagascar hay cacao của Ghana. Thuế nhập khẩu tăng đẩy giá các mặt hàng này lên cao, gây áp lực với chính người tiêu dùng Mỹ.

Thực tế trên cho thấy hiệu quả của thuế đối ứng không cân xứng với mục tiêu đặt ra. Việc tăng thuế, hay có được sự nhượng bộ về chính sách thuế quan của những đối tác nêu trên không mang nhiều ý nghĩa với Mỹ, xét về mục đích cân bằng cán cân thương mại và tăng nguồn thu. Trong khi đó, mức thuế cao lại khiến các nền kinh tế nhỏ lao đao. Bởi thế, 90 ngày tạm hoãn áp thuế là thời gian để Mỹ cân nhắc việc miễn trừ “thuế có đi có lại”.