Cơ sở nào cho đề xuất miễn phí?

Trong một tuyên bố bất ngờ, Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa kêu gọi miễn phí cho các tàu của Mỹ đi qua kênh đào Suez. Lý do là tuyến đường thủy này sẽ không tồn tại nếu không có sự tham gia của Mỹ.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: KVETCH
Biếm họa: KVETCH

Tuyên bố của ông Trump đăng trên mạng xã hội Truth Social cuối tuần trước viết rằng: “Các tàu thuyền của Mỹ, cả tàu quân sự và tàu thương mại, nên được phép đi qua kênh đào Panama và kênh đào Suez miễn phí. Những kênh đào đó sẽ không tồn tại nếu không có Mỹ”. Tuy nhiên, ông Trump không giải thích rõ vì sao các tuyến đường thủy quan trọng này không thể tồn tại nếu thiếu vai trò của Mỹ, mà chỉ cho biết, ông đã yêu cầu Bộ trưởng Ngoại giao Marco Rubio “lập tức xử lý vấn đề này”.

Yêu cầu của ông Trump đối với kênh đào Panama không phải điều mới, bởi ông từng nhiều lần tuyên bố muốn “đòi lại” kênh đào này. Nhưng với kênh đào Suez, đòi hỏi “miễn phí qua lại” của ông Trump đã khiến dư luận bất ngờ. Giới chính trị gia, học giả Ai Cập đã phản đối mạnh mẽ.

Phát biểu ý kiến với kênh truyền thông Al-Araby Al-Jadeed, nghị sĩ Ai Cập Mostafa Bakry nói: “Tôi không biết Tổng thống Trump dựa trên cơ sở nào để yêu cầu tàu, thuyền Mỹ được tự do đi qua kênh đào Suez mà không trả phí”. Ông Bakry nhấn mạnh, Ai Cập là quốc gia độc lập, có chủ quyền, chứ không phải một “tiểu bang mới” của Mỹ.

Cũng nhấn mạnh chủ quyền của Ai Cập, Giáo sư chính trị học Ali El Din Hilal thuộc Trường đại học Cairo nêu rõ: Kênh đào Suez là tuyến đường thủy quốc tế, nhưng nằm trong lãnh thổ Ai Cập, thuộc chủ quyền của Ai Cập và được quy định theo luật pháp Ai Cập, với sự đồng thuận quốc tế đầy đủ.

Giới chuyên gia pháp lý Ai Cập cho rằng “đề xuất miễn phí” của Mỹ còn cho thấy sự hiểu sai về bối cảnh lịch sử của kênh đào Suez. Kênh đào chính thức mở cửa vào ngày 17/11/1869, được xây dựng bởi Công ty kênh đào Suez - một tập đoàn gồm chủ yếu là các cổ đông người Anh và Pháp, nhưng luôn thuộc sở hữu của Chính phủ Ai Cập. Và người lao động Ai Cập là nguồn nhân lực chủ yếu thực hiện công việc xây dựng. Như vậy, tuyến đường thủy này được khai trương vào thời điểm Mỹ còn đang phục hồi sau nội chiến, tức là từ rất lâu trước khi Mỹ trở thành một cường quốc hàng đầu thế giới.

Theo sắc lệnh năm 1975 của Tổng thống Anwar El-Sadat về việc điều chỉnh hoạt động của kênh đào Suez, Cơ quan quản lý kênh đào Suez có độc quyền ban hành các quy định liên quan hoạt động hàng hải và áp dụng mức phí đối với các tàu đi qua tuyến đường thủy kết nối giữa Biển Đỏ và Địa Trung Hải.

Chuyên gia luật quốc tế Ayman Salama khẳng định, việc áp dụng phí đối với các tàu đi qua kênh đào Suez là quyền chủ quyền cơ bản của Nhà nước Ai Cập. Không cơ sở pháp lý nào cho quy định miễn trừ đối với tàu, thuyền của Mỹ, và cũng không có logic nào cho thấy kênh đào không thể tồn tại nếu không có Mỹ.