Tuy nhiên, dù các mỏ được cấp phép và phân bổ từ sớm, khối lượng cát thực tế được nhà thầu khai thác, vận chuyển đến công trình vẫn còn rất hạn chế. Điển hình, đối với dự án cao tốc Cần Thơ-Cà Mau, tỉnh Tiền Giang được giao chỉ tiêu cung cấp 2 triệu m³. Địa phương đã cấp phép khai thác mỏ Bình Đức với trữ lượng gần 600 nghìn m³, nhưng đến ngày 11/4/2025, Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận mới chỉ phân bổ cho nhà thầu khai thác 4.000 m³ từ mỏ này. Hiện tại, địa phương vẫn đang chờ nhà thầu bố trí phương tiện để khai thác.

Khởi công mỏ cát phục vụ Dự án thành phần 2 cao tốc Cao Lãnh-An Hữu
Tương tự, với Dự án đường Hồ Chí Minh (đoạn Rạch Sỏi-Bến Nhất và Gò Quao-Vĩnh Thuận), tỉnh Tiền Giang được giao chỉ tiêu cung ứng 1,8 triệu m³ cát. Địa phương đã cấp phép mỏ Hòa Hưng 1, có trữ lượng đáp ứng đủ nhu cầu. Tuy nhiên, đến nay, công tác khai thác vẫn chưa được triển khai do các nhà thầu chưa đưa phương tiện đến mỏ.
Đối với dự án thành phần 2 thuộc công trình đường bộ cao tốc An Hữu-Cao Lãnh (giai đoạn 1), Chính phủ giao Tiền Giang cung cấp 950 nghìn m³. Qua rà soát chi tiết thiết kế kỹ thuật, tổng nhu cầu điều chỉnh lên hơn 1,2 triệu m³. Trên cơ sở đó, tỉnh đã giao hai mỏ theo cơ chế đặc thù, bảo đảm đủ khối lượng theo yêu cầu. Tính đến ngày 7/5/2025, khối lượng cát được khai thác và cung ứng cho dự án mới đạt khoảng 177 nghìn m³.
![]() |
Nhiều nhà thầu thi công dự án ký hợp đồng khai thác, đưa phương tiện vận chuyển cát về dự án chậm. |
Trao đổi với phóng viên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm phụ trách lĩnh vực môi trường tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Kiệt cho biết: “Hiện nay, tỉnh đã cấp phép khai thác đầy đủ các mỏ cát theo phân bổ cho từng dự án; lượng còn thiếu không nhiều và địa phương đang tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ để bổ sung kịp thời. Tuy nhiên, tiến độ ký hợp đồng khai thác và bố trí phương tiện của các nhà thầu còn chậm, dẫn đến khối lượng cát được khai thác và vận chuyển đến công trường rất thấp so với kế hoạch".
Trước tình hình này, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã chủ trì và tổ chức nhiều cuộc họp với các sở, ngành cùng lãnh đạo 5 Ban quản lý dự án công trình cao tốc khu vực phía nam nhằm rà soát tình hình, đôn đốc các đơn vị liên quan và yêu cầu các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ triển khai. Mục tiêu là bảo đảm cung ứng đủ và kịp thời vật liệu san lấp, góp phần hoàn thành đúng tiến độ các dự án giao thông trọng điểm theo chỉ đạo của Chính phủ.