Khoa Khúc Xạ bệnh viện Mắt TP HCM bắt đầu hoạt động từ tháng 12-2000, là nơi đi đầu trong cả nước về việc ứng dụng nhiều kỹ thuật mới trong phẫu thuật khúc xạ. Với đội ngũ bác sỹ và kỹ thuật viên khúc xạ nhiều kinh nghiệm, nhiều máy laser excimer của các hãng thiết bị nhãn khoa hàng đầu trên thế giới, qui trình hoạt động theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 (từ năm 2006),đây là nơi cung cấp dịch vụ đo, khám và điều trị khúc xạ chất lượng tốt. Từ khi thành lập đến nay, tổng số ca đã phẫu thuật khúc xạ tại khoa là 30.000 ca.
Từ lúc ban đầu chỉ có 1 máy laser excimer Technolas 217C (Bausch & Lomb, Đức), bệnh viện đã đầu tư nhiều máy laser excimer thế hệ mới với công nghệ hiện đại hơn, gia tăng sự chính xác, an toàn và chất lượng thị giác phục hồi tốt hơn.
Hiện tại bệnh viện có 3 hệ thống laser excimer giúp giảm tải và điều hòa công việc. Hai máy Technolas 217Z100 (Bausch & Lomb, Đức) với chế độ laser phi cầu và laser theo từng cá thể giúp giảm thiểu quang sai và hạn chế nguy cơ rối loạn chất lượng thị giác (chói, lóa đèn) sau mổ, công nghệ nhận diện mống mắt tăng tính chính xác và an toàn khi mổ, kỹ thuật định vị mắt tự động bù trừ chuyển động xoay của nhãn cầu giúp điều trị chính xác độ loạn thị và giảm thiểu quang sai sau mổ.
Một máy laser excimer LADARvision 6000 (Alcon, Mỹ) với hệ thống định vị mắt bằng radar tần số 4000 lần/giây và tính năng tiết kiệm mô có thể điều trị độ cận cao mà không tốn nhiều mô giác mạc. Nhiều loại phẫu thuật khúc xạ đang được áp dụng tại khoa được chỉ định phù hợp theo từng trường hợp cụ thể, giúp bệnh nhân lựa chọn phương pháp thích hợp nhất.
Trường hợp thông thường có thể chọn phẫu thuật LASIK với thời gian phục hồi rất nhanh. Trường hợp giác mạc mỏng đã có Epi-LASIK (bệnh viện Mắt là nơi ứng dụng đầu tiên trong cả nước) hoặc LASEK hay PRK. Trường hợp độ quá cao không điều trị được bằng laser đã có phẫu thuật đặt phakic IOL (kính nội nhãn) mà vẫn bảo tồn thủy tinh thể đã được ứng dụng tại bệnh viện từ 2004.
Các trường hợp cận loạn cao hoặc viễn thị nặng không kèm nhược thị có thể áp dụng phẫu thuật phaco, và/hoặc phối hợp LASIK sau đó để điều trị hoàn toàn các tật khúc xạ nặng này.
Ngoài ra, phẫu thuật rạch giác mạc rìa với kỹ thuật đơn giản mới được áp dụng gần đây điều trị được loạn thị giác mạc trung bình sau mổ thủy tinh thể hoặc loạn thị giác mạc nguyên phát. Áp dụng nhiều loại phẫu thuật này đã mở rộng phạm vi điều trị, giúp các bác sỹ có thể điều trị nhiều trường hợp tật khúc xạ khó mà vài năm trước đây không thể phẫu thuật được.
Mũi nhọn điều trị thứ hai là phẫu thuật thủy tinh thể theo phương pháp phaco (nhũ tương hóa thủy tinh thể). Phương pháp được ưa chuộng nhất trên thể giới hiện nay này đã được áp dụng tại bệnh viện Mắt TP HCM từ hơn 10 năm. Bệnh viện Mắt TP HCM là nơi tiên phong áp dụng phẫu thuật phaco và cũng là nơi thường xuyên ứng dụng nhiều kỹ thuật và sản phẩm mới nhằm đem lại kết quả phẫu thuật tối ưu.
Phẫu thuật phaco được thực hiện tại khoa Tổng Hợp 1 và khoa Bán Công Kỹ Thuật Cao. Ngoài ra, các trường hợp đục thủy tinh thể trẻ em được điều trị phaco tại khoa Nhi. Từ 1 máy phaco vào năm 1995, đến nay bệnh viện đã có 16 máy phaco thế hệ mới với chất lượng hàng đầu (Legacy của Alcon, WhiteStar của AMO, Millenium của Bausch & Lomb).
Cho đến nay bệnh viện đã phẫu thuật hơn 100.000 ca phaco. Đội ngũ phẫu thuật viên phaco rất nhiều kinh nghiệm, thường xuyên cập nhật và trao đổi kinh nghiệm tại các hội nghị nhãn khoa trong nước và quốc tế, đồng thời là những giảng viên đào tạo phẫu thuật viên phaco cho nhiều cơ sở nhãn khoa của các tỉnh thành.
Những kỹ thuật mới luôn được cập nhật ứng dụng như phaco hai tay đường mổ nhỏ, phần mềm ozil torsional, phaco phối hợp rạch giác mạc rìa điều trị loạn thị giác mạc kèm theo. Các sản phẩm kính nội nhãn mới trên thế giới cũng được áp dụng nhanh chóng tại bệnh viện như kính nội nhãn điều tiết (AcrySof REStor của Alcon, Tecnis của AMO) giúp đồng thời phục hồi thị lực gần mà không cần chỉnh kính lão, kính toric điều trị đồng thời loạn thị giác mạc kèm theo, kính chống quang sai AcrySof IQ giảm nguy cơ chói đèn sau phẫu thuật, kính vòng giúp ổn định bao thủy tinh thể đối với các trường hợp đục thủy tinh thể lệch do chấn thương hoặc do bệnh lý bẩm sinh.
Với nhiều kinh nghiệm tích lũy và tỷ lệ an toàn cao sau mổ, bệnh viện đã mở rộng chỉ định phẫu thuật phaco cho các trường hợp tật khúc xạ nặng không thể điều trị hết bằng phẫu thuật laser excimer. Các trường hợp này có thể được mổ phaco đơn thuần hoặc phối hợp với điều trị laser excimer hoặc rạch giác mạc sau đó.
Ngoài ra, một ứng dụng mới là các trường hợp viễn thị trung bình ở độ tuổi lão thị chưa có đục thủy tinh thể có thể được phẫu thuật phaco đặt kính điều tiết để bỏ kính gọng nhìn xa và gần nếu có tiêu chuẩn phù hợp.
Với máy móc thiết bị chất lượng hàng đầu và đội ngũ phẫu thuật viên nhiều kinh nghiệm, không ngừng học hỏi nâng cao tay nghề, bệnh viện Mắt TP HCM góp phần rất lớn với ngành nhãn khoa cả nước trong việc phòng chống mù lòa và nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Đức Cung và Võ Thoa