Triển lãm sen trên sắc gốm của họa sĩ Ngô Bá Hoàng

Ngày 26/7, tại Bảo tàng Hà Nội (đường Phạm Hùng, thành phố Hà Nội) diễn ra Triển lãm mang tên "Sen Soul - Tâm hồn của sen". Triển lãm trưng bày hơn 40 tác phẩm gốm nghệ thuật của họa sĩ Ngô Bá Hoàng.

Triển lãm thu hút đông đảo khách tham quan.
Triển lãm thu hút đông đảo khách tham quan.

Trong Triển lãm này, họa sĩ Ngô Bá Hoàng ra mắt bộ sưu tập gốm vẽ men màu, sử dụng kỹ thuật vẽ phối hợp nhiều dòng men quý. Các tác phẩm là kết quả của một thời gian nghiên cứu, thể nghiệm đầy đam mê. Ở đó, sen vừa là biểu tượng cũng là nhịp cầu dẫn dắt người thưởng ngoạn bước vào thế giới nội tâm, kết nối với những tầng sâu văn hóa của dân tộc.

Hoa sen từ bao đời nay đã là biểu tượng của sự tinh khôi, phẩm chất thanh cao vượt lên thử thách khắc nghiệt. Trong Triển lãm, sen hiện lên với cái thần, cái khí, bằng ánh sắc ẩn hiện với những mảng trầm sáng của men và bố cục tự do, không câu nệ, gợi mở nhiều hơn là miêu tả.

Tôi là một họa sĩ đã sáng tác qua nhiều chất liệu: sơn dầu, sơn mài, acrylic, mầu nước… Và giờ đây, tôi rất xúc động được giới thiệu tới công chúng một trong những mảng sáng tác mà tôi đặc biệt yêu thích, đó là gốm nghệ thuật.
------------------
Họa sĩ Ngô Bá Hoàng

Họa sĩ Ngô Bá Hoàng không sử dụng gốm như chất liệu thuần túy để trang trí hay tái hiện đời sống mà tạo nên ngôn ngữ độc lập, hòa trộn giữa hội họa phương Đông với kỹ thuật nung men hiện đại.

Chia sẻ về triển lãm cũng như hành trình nghệ thuật, họa sĩ Ngô Bá Hoàng, bày tỏ: "Tôi là một họa sĩ đã sáng tác qua nhiều chất liệu: sơn dầu, sơn mài, acrylic, mầu nước… Và giờ đây, tôi rất xúc động được giới thiệu tới công chúng một trong những mảng sáng tác mà tôi đặc biệt yêu thích, đó là gốm nghệ thuật. Gốm là một chất liệu cuốn hút tôi bởi sự đa dạng trong ngôn ngữ thể hiện. Với gốm, ta có thể thả năng lượng sáng tạo cùng hình khối, cùng màu sắc hay chất liệu biểu cảm".

Họa sĩ cho biết, anh từng trải nghiệm sáng tác qua nhiều dòng gốm: từ gốm sành đất đỏ tạo hình khối theo ngôn ngữ điêu khắc gốm đến gốm sứ trắng vẽ màu phủ men… và những năm gần đây, đặc biệt yêu thích và tập trung nghiên cứu, sáng tác theo hướng đưa các dòng men đặc biệt vào bảng màu vẽ tranh trên nền gốm trắng.

z6835620412242-2ff36820d493257547f15298c37e47ee-3981.jpg
Họa tiết trên gốm của họa sĩ Ngô Bá Hoàng.

Ngô Bá Hoàng bắt đầu thử nghiệm kết hợp các kỹ thuật hội họa vào gốm như kỹ thuật vẽ nhiều lớp của tranh sơn dầu cổ điển, kỹ thuật mài và thếp vàng của tranh sơn mài truyền thống Việt Nam… hòa vào cùng độ chảy đầy ngẫu hứng của men gốm.

z6842513842699-6fc6a78909886b466aded98481a5f1d9-6050.jpg
Các tác phẩm đậm chất nghệ thuật và cũng có tính ứng dụng cao trong đời sống.

"Càng tìm tòi, tôi càng thấy khả năng biểu đạt của men gốm là vô cùng phong phú. Các màu men tôi dùng chủ yếu có gốc oxit kim loại, khi nung ở nhiệt độ cao sẽ tương tác và tự sáng tạo ra những màu sắc đầy ngẫu hứng. Các phân tử màu này lơ lửng đan xen vào nhau trong các lớp men trong, tạo thành bảng màu biến ảo, có chiều sâu có hiệu ứng quang học, độc đáo, như bản nhạc ngẫu hứng của người nghệ sĩ với lửa và đất, không thể lặp lại", họa sĩ chia sẻ đầy tâm huyết.

z6835620444246-8a34e845014a873f807e40dc2010443f-2005.jpg
Đây là chi tiết trên tác phẩm của Ngô Bá Hoàng mang đến nhiều xúc động cho công chúng.

Qua Triển lãm lần này, họa sĩ muốn gửi gắm tinh thần ấy vào từng tác phẩm. Các tác phẩm trong triển lãm đều có phong cách tạo hình nhẹ nhàng, mềm mại và được vẽ trên những bình gốm bình dị, gần gũi với tâm hồn người Việt.

Mỗi tác phẩm là một cuộc thí nghiệm men, màu, hình khối, tạo ra hiệu ứng gần với tranh sơn mài truyền thống nhưng lại mang ánh sáng mềm và ấm như sơn dầu.

Từng lớp men hỏa biến được nung ở nhiệt độ cao đã tạo thành các lớp màu không thể lặp lại, tựa như số phận, như đời người, như cảm xúc. Có những mảng ánh vàng kim mơ hồ ẩn hiện, gợi nhớ đến hội họa cổ truyền, có khi lại bừng lên như ánh nắng xuyên qua tầng lá, một khoảnh khắc thảng thốt của thiên nhiên.

Ngô Bá Hoàng bắt đầu thử nghiệm kết hợp các kỹ thuật hội họa vào gốm như kỹ thuật vẽ nhiều lớp của tranh sơn dầu cổ điển, kỹ thuật mài và thếp vàng của tranh sơn mài truyền thống Việt Nam… hòa vào cùng độ chảy đầy ngẫu hứng của men gốm.

Chia sẻ cảm nghĩ về tác phẩm gốm "Mạch sống" của họa sĩ Ngô Bá Hoàng tại Triển lãm, họa sĩ Văn Dương Thành, nhận định: "Đây là một tác phẩm gốm nghệ thuật độc đáo, được sáng tác và tìm tòi rất công phu. Tạo khối hình tác phẩm là hình tượng người mẹ đang thai nghén cùng những đường rạn nứt trên khắp cơ thể - ý tưởng về vẻ đẹp cao quý, sự hy sinh của người mẹ".

Nữ họa sĩ phân tích thêm, những đường nứt này cũng chính là mạch sống vàng nuôi dưỡng em bé. Nổi bật và là trung tâm tác phẩm là hình ảnh một đứa trẻ đang nằm cuộn tròn trong tư thế thai nhi, được bao bọc giữa những cánh hoa sen trắng như sự ôm ấp che chở và yêu thương của người mẹ. Sen là biểu tượng của sự tinh khiết, tái sinh và giác ngộ trong văn hóa phương Đông.

z6842513779776-c8f3ca4f144d33b4ff98c0b805256890-5964.jpg
Triển lãm thu hút sự quan tâm của giới làm nghề và công chúng.

Vị trí hoa sen nở ở ngay giữa tâm thể hiện như nguồn năng lượng sống đang lan tỏa, là trung tâm sinh khí. Các mạch rạn trên lớp men không làm mất đi vẻ đẹp của tác phẩm mà ngược lại, tạo nên chiều sâu thời gian và cảm xúc như thể hình ảnh ấy đã tồn tại từ lâu, được gìn giữ và ươm dưỡng qua năm tháng. Bối cảnh sắc màu ấm nóng - nâu, vàng nghệ, cam và xanh lá - tạo nên không gian vừa cổ tích, vừa thiên nhiên hoang sơ, nơi sự sống bắt đầu từ hạt mầm thuần khiết nhất.

Điểm đáng chú ý trong tạo hình của Ngô Bá Hoàng là họa sĩ không bó buộc trong bố cục khuôn thức. Tác phẩm gốm được vẽ theo lối phi cấu trúc, phảng phất tinh thần thiền định mà vẫn đầy kịch tính trong việc dẫn dụ thị giác.

Một đường nét mảnh như rễ cỏ bỗng vút lên thành cánh sen. Một vệt men tưởng chừng là vết chảy ngẫu nhiên lại tạo nên chiều sâu bất ngờ của khối. Chính sự ngẫu hứng ấy lại chạm tới cảm xúc tinh tế nhất bởi ở đó không còn lý trí, chỉ còn cảm thức thuần khiết giữa nghệ sĩ và chất liệu.

z6835620731282-cf04ab613bf1d3f34f9d3524b2393349-7049.jpg
Các tác phẩm có sự hòa quyện tinh tế giữa chủ ý và sự ngẫu nhiên.

Trở về ký ức, gốm Việt nổi danh với chức năng dụng cụ gắn với bát, đĩa, chum, lọ... thì ngày nay, nghệ thuật gốm đang chuyển mình mạnh mẽ, trở thành một ngôn ngữ thẩm mỹ độc lập. Triển lãm của Ngô Bá Hoàng đánh dấu sự hòa nhịp theo dòng xu hướng đó. Gốm vừa để ứng dụng, cũng để chiêm nghiệm. Gốm là vật thể, cũng là biểu tượng đáng nâng niu.

Mỗi tác phẩm được ví như bức thi họa trừu tượng trên nền đất nung, giúp người xem không bị áp đặt bởi hình ảnh, mà được mời gọi suy ngẫm, tưởng tượng. Đó là tinh thần của nghệ thuật đương đại: vượt ra khỏi lề thói, gợi lên những miền cảm xúc mở.

z6842518539506-e8f5dec5fcbeea7b1e28e4f32ad82eb6-5429.jpg
Nhiều người xem chọn sưu tập các tác phẩm cỡ nhỏ.

Trong không gian Triển lãm, các tác phẩm gốm như những bản tụng ca, khẽ vang lên những thanh âm của thiên nhiên, của ký ức văn hóa, của dòng chảy thời gian. Người xem không còn là kẻ ngoài cuộc, mà trở thành người đối thoại thầm lặng cùng tác phẩm.

Nhờ lẽ đó, gốm của Ngô Bá Hoàng mang hơi thở rất gần với thế hệ trẻ hôm nay bởi đó là những người vừa cần bản sắc, vừa khao khát sự tự do trong sáng tạo.

Talkshow nghệ thuật trong khuôn khổ Triển lãm cũng không ngoài mục đích ấy: mở ra một diễn đàn trao đổi, nơi nghệ thuật gốm trở thành cầu nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa nghệ sĩ và công chúng, giữa nghệ thuật và không gian sống.

z6835620397212-8e388043b927154e22fa40bbd4909c27-5095.jpg
Mỗi tác phẩm đều được tạo hình rất công phu.

Triển lãm lần này là sự kiện mỹ thuật, đồng thời mở ra cơ hội giới thiệu SenS - thương hiệu gốm nghệ thuật do họa sĩ Ngô Bá Hoàng và gia đình gây dựng. Khác với các xưởng gốm thông thường, SenS là nơi sáng tạo phi thương mại, nơi nghệ sĩ được tự do khám phá những giới hạn mới của vật liệu, được sống trọn vẹn với men, màu, hình khối.

Không gian sáng tác của SenS còn là điểm hẹn cho cộng đồng yêu gốm, cho các nhà sưu tập và các bạn trẻ muốn chạm tay vào chất liệu truyền thống bằng một tâm thế mới.

Workshop trải nghiệm làm gốm, nặn, vẽ, tạo hình... tổ chức vào chiều ngày khai mạc chính là cách gieo hạt sáng tạo vào lòng thế hệ kế tiếp. Có thể, những người trẻ không cần phải trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp, song, qua một lần trải nghiệm, họ có thể cảm được "hồn đất", "hồn người" để rồi từ đó, hiểu hơn về giá trị tinh thần của dân tộc.

z6842517004924-287dc343b851c801ae33d2f0d12db94d-6631.jpg
Họa sĩ Ngô Bá Hoàng (giữa) trao đổi với các đồng nghiệp tại Triển lãm.

Dự án cũng đang từng bước trở thành một "làng nghệ sĩ" thu nhỏ giúp nghệ thuật không còn đóng khung trong phòng tranh mà thấm vào đời sống, vào hơi thở của đất, vào nhịp sống chậm rãi, bình yên, sâu lắng. Chính sự tĩnh lặng ấy đã thẩm thấu, tạo cho các tác phẩm của Ngô Bá Hoàng chiều sâu tinh thần giữa một thế giới thị giác đang ngày càng bị công nghiệp hóa, số hóa.

Có thể nói, điều thành công nhất của Triển lãm "Sen – Vẻ đẹp thuần khiết của tâm hồn Việt" chính là tạo ra được những cuộc đối thoại: giữa nghệ thuật và người xem, giữa cái đẹp truyền thống và tư duy đương đại, giữa sự giản dị và sự tinh tế. Trong những cuộc đối thoại đó, sen trở thành biểu tượng của vẻ đẹp, đạo lý cuộc đời.

Bằng lối tạo hình mang đậm chất phương Đông, họa sĩ Ngô Bá Hoàng vẽ sen bằng cả ánh sáng, vệt men, hình khối trầm mặc.

Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 28/7.

Có thể bạn quan tâm

back to top